Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương nhằm triển khai Quyết định số 1035/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Hàng triệu người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi
Lễ Phát động năm nay được Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức. Đây cũng là một trong những hoạt động trọng tâm trong năm 2023 thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Các đại biểu bấm nút phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 |
Chủ đề Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2023 là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến. Đây cũng là lời kêu gọi các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời để người tiêu dùng được thực hiện đầy đủ quyền được cung cấp thông tin, đảm bảo đưa ra các quyết định đúng và an toàn.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân: Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng |
Phát biểu khai mạc Lễ Phát động, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế, trong năm qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đánh giá, năm 2022, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả quan trọng, tích cực như:
Thứ nhất, trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010 là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển kinh doanh, tiêu dùng hiện nay. Dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, được nhiều cơ quan, đại biểu Quốc hội đánh giá cao về nội dung và chất lượng.
Thứ hai, việc triển khai Chỉ thị số 30 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các Ban Đảng quan tâm chỉ đạo và đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục mở rộng hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838, tăng số lượng đầu mối Tổng đài lên 52 điểm trên phạm vi cả nước, nâng số lượng tiếp nhận cuộc gọi hàng năm hơn 15.000 cuộc gọi, tạo nền tảng tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, hỗ trợ người tiêu dung. Đồng thời, cung cấp thông tin đầu vào để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong khuôn khổ Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng năm 2023 đã diễn ra Lễ hưởng hứng thực hiện Bộ quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử |
Thứ tư, hàng triệu người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử.
Thứ năm, hàng triệu người tiêu dùng đã được tiếp nhận các thông tin, kiến thức, kỹ năng về tiêu dùng thông qua các phương thức tuyên truyền hiện đại và phù hợp như tổ chức cuộc thi sinh viên Tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với hơn 12.000 lượt người chơi tham gia.
Đáng chú ý, các hoạt động bước đầu mở rộng phạm vi địa lý và hướng tới các đối tượng là người tiêu dùng có đặc điểm riêng như sinh viên, phụ nữ, người dân tộc thiểu số,… Chú trọng kết nối với địa phương, kêu gọi sự tham gia của nhiều chủ thể, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước để tranh thủ tối đa các nguồn lực…
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần có những hành động tạo được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Đa các hoạt động hưởng ứng tại địa phương
Tại các địa phương, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được chú trọng. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội đã xác định rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã ban hành các kế hoạch văn bản để chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội… của thành phố tổ chức triển khai thực hiện. Cấp ủy các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hội, hiệp hội… cũng đã chủ động xây dựng các kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện phong phú theo kế hoạch, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được quan tâm, công tác thanh tra kiểm tra được tăng cường tạo sự chuyển biến đồng bộ từ nhận thức đến hành động trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phát biểu tại Lễ phát động |
“Việc đẩy mạnh triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn TP Hà Nội trong những năm quan đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng cho biết, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ để các Chương trình trong năm 2023 được tổ chức thành công, hiệu quả, thiết thực:
Cụ thể, tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ Công Thương và Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ Người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú; Tổ chức 65 chương trình, sự kiện của ngành Công Thương nhằm đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch kích cầu của Thành phố và tri ân Người tiêu dùng;
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng); hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thờ, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng; Chỉ đạo các Sở, ngành, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tổ chức hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng để phát huy sức mạnh của tập thể, kêu gọi được nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia hưởng ứng;
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người dân để thực thi có hiệu quả Luật Bảo vệ quyền người tiêu dùng, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” diễn ra từ ngày 9/3/2023 đến ngày 14/3/2023 với quy mô 140 gian hàng |
Cùng nằm trong khuôn khổ Chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2023 của thành phố, Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” diễn ra từ ngày 9/3/2023 đến ngày 14/3/2023 với quy mô 140 gian hàng. Sự kiện có sự tham gia của các doanh nghiệp thương hiệu, uy tín với nhiều chương trình tri ân (tặng quà, giảm giá, hỗ trợ bảo hành, bảo trì sản phẩm) được tổ chức tập trung nhằm mang lại những trải nghiệm mua sắm và hỗ trợ sau bán hàng tốt nhất cho người tiêu dùng.
Thông qua Hội chợ, các doanh nghiệp có thêm cơ hội giới thiệu về các sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại, kết nối tiêu thụ, làm cho người tiêu dùng hiểu rõ, tin tưởng hơn vào các sản phẩm, từ đó tăng tiêu dùng - kích cầu nội địa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Cùng đó, giải chạy vì “Người tiêu dùng” diễn ra ngày 11/3/2023 tại Công viên Thống nhất với sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành công thương; các Hội, hiệp hội; các doanh nghiệp và người tiêu dùng…
Một số hình ảnh tại Lễ Phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023:
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” |
Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” |
Hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng” thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng Thủ đô |
Hội chợ sẽ diễn ra từ ngày 9/3/2023 đến ngày 14/3/2023 |
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (ngày 15 tháng 3) là hoạt động được giao cho Bộ Công Thương làm đầu mối, tổ chức hàng năm. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đều lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam để các cơ quan, tổ chức tập trung thực hiện với các hoạt động có ý nghĩa. Các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức thống nhất, với sự tham gia của gần 60 tỉnh, thành trên cả nước vào dịp tháng 3 hàng năm. Với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, sự tham gia tích cực và hiệu quả của các địa phương trong khuôn khổ hoạt động do Bộ Công Thương phát động đã mang lại giá trị kết nối và lan tỏa hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên khắp cả nước. |
Lan - Duyên - Hùng