Theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), giá trị và vị thế của thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh qua các năm gần đây. Tổ chức định giá Thương hiệu quốc gia có trụ sở tại Anh - Brand Finance ghi nhận, Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới, tăng 102% trong giai đoạn 5 năm từ 2019 - 2023.
Cũng theo thống kê của tổ chức này, năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam định giá 507 tỷ USD, xếp hạng 32/193 quốc gia, tăng 1 bậc và 2% về giá trị so với năm 2023 dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, kết quả này đến từ sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu của riêng mình.
![]() |
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh phản ánh sức mạnh, nội lực vươn lên của các doanh nghiệp, thương hiệu hàng đầu trong nước. Ảnh: Cấn Dũng |
Đáng chú ý, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng mạnh những năm qua cũng đã phản ánh sức mạnh, nội lực vươn lên của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ cũng đồng nghĩa với sự phát triển vươn mình của thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, trong đó có HABECO, SaiGon Co.op, Vinfast, Viettel… Họ là minh chứng, là những đại diện tiêu biểu cho câu chuyện phát triển hàng Việt, hàng Việt chinh phục người Việt và tiến ra thế giới.
Viettel - thương hiệu Việt vượt ra khỏi biên giới
Trong “Bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới 2024”, Viettel là doanh nghiệp Việt duy nhất lọt top, đứng ở vị trí 241. Chỉ số sức mạnh thương hiệu của Viettel đạt 89,4/100 - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Kết quả này giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.
Không chỉ là tập đoàn viễn thông số Đông Nam Á, Viettel còn là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi có mặt tại 10 quốc gia, với hơn 110 triệu thuê bao toàn cầu. Từ xuất phát điểm là doanh nghiệp quốc phòng, Viettel đã tiên phong phát triển công nghệ 5G, đầu tư nghiên cứu sản phẩm Make in Vietnam và đóng vai trò chiến lược trong chuyển đổi số quốc gia.
Thành công của Viettel là minh chứng cho việc doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể chinh phục thị trường quốc tế nếu dám nghĩ lớn, làm thật và đi đường dài.
VinFast - khát vọng toàn cầu từ ngành công nghiệp non trẻ
Năm 2024, cũng theo đánh giá xếp hạng của Brand Finance, thương hiệu VinFast lần đầu tiên được vinh danh sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam, với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu đạt mức 142%, giành vị trí dẫn đầu thương hiệu có giá trị thay đổi lớn nhất Việt Nam, đạt 181 triệu USD, bước đầu đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của ngành công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam với các thương hiệu ô tô, xe máy lớn khác trên toàn cầu.
Có thể nói, VinFast là một hiện tượng hiếm có của ngành công nghiệp Việt Nam: chỉ trong vòng vài năm, doanh nghiệp này đã ra mắt loạt sản phẩm ô tô và xe máy điện, vươn ra thị trường quốc tế với chiến lược táo bạo. Từ nhà máy tại Hải Phòng đến trụ sở tại Mỹ, VinFast đang từng bước khẳng định vị thế trong cuộc đua xe điện toàn cầu.
Dù còn nhiều thử thách, nhưng câu chuyện của VinFast là hình ảnh tiêu biểu cho khát vọng "Make in Vietnam", cho thấy một mô hình phát triển đột phá nếu có tầm nhìn chiến lược và nội lực đủ mạnh.
Saigon Co.op: Siêu thị của người Việt - cho người Việt
Ra đời năm 1989 giữa thời kỳ đất nước bắt đầu đổi mới, Saigon Co.op khởi nguồn từ mô hình hợp tác xã đơn sơ. Qua hơn 30 năm phát triển, Saigon Co.op đã trở thành một trong những hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam với chuỗi hơn 800 điểm bán trên cả nước, với các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.opFood, Co.op Smile, Cheers 24h cùng các trung tâm thương mại…
![]() |
Thông qua việc hợp tác quốc tế, gần 1.000 sản phẩm Việt Nam do Saigon Co.op giới thiệu đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ảnh: Saigon Co.op |
Điều đặc biệt, hơn 90% hàng hóa tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op là hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc thương hiệu nội địa không chỉ “có chỗ đứng”, mà còn đóng vai trò chủ lực trong định hướng tiêu dùng của người dân.
Trong đại dịch COVID-19, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, chính hệ thống Saigon Co.op đã trở thành phao cứu sinh trong bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho hàng triệu người dân.
Không chỉ khẳng định vai trò trong nước, Saigon Co.op còn mở rộng hợp tác quốc tế thông qua liên doanh với FairPrice (Singapore), Tập đoàn Wilmar và Mapletree. Qua đó, nhiều mô hình đại siêu thị Co.opXtra và trung tâm thương mại quốc tế như SC VivoCity, Mapletree đã được phát triển tại Việt Nam. Đáng chú ý, gần 1.000 sản phẩm Việt Nam do Saigon Co.op giới thiệu đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
HABECO - “chứng nhân” của 3 thế kỷ
Là “chứng nhân” của 3 thế kỷ, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) mang trong mình câu chuyện kỳ diệu của một thương hiệu Việt. Từ nhà máy do người Pháp xây dựng năm 1890, vượt qua chiến tranh, cơ chế bao cấp, đến nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng, HABECO vẫn không ngừng cải tiến sản phẩm, mở rộng thị trường.
![]() |
Thương hiệu không phải là cái tên, mà là sự tin tưởng của người tiêu dùng. Sự tin tưởng ấy phải được xây dựng bằng chất lượng và sự đổi mới không ngừng - lãnh đạo HABECO chia sẻ. Ảnh: Huy Thắng |
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2024, ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT HABECO đã chia sẻ một bức tranh sinh động về dư địa hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực đồ uống giữa hai nước. Đó không chỉ là câu chuyện về xuất khẩu về hợp tác trong lĩnh vực sản xuất đồ uống mà đó còn là “minh chứng sống” của một doanh nghiệp Việt với quyết tâm chiến lược hóa thương hiệu, đưa hàng Việt chinh phục thị trường khó tính hàng đầu thế giới.
Ông Trần Đình Thanh cho biết, từ năm 2012, HABECO đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp Nhật như KOME COMPANY LIMITED, IMAI LIMITED... để đưa Bia Hà Nội Premium, Trúc Bạch, rượu Nếp Mới, Thanh Mai đến tay người tiêu dùng xứ Phù Tang. Nhiều nhà hàng Việt, siêu thị lớn tại Tokyo, Osaka giờ đã quen thuộc với hương vị bia Việt.
Ngoài hoạt động xuất khẩu trực tiếp, HABECO còn hợp tác với Công ty Tokuoka Co., Ltd để gia công sản phẩm bia lon 330ml MUGI HOUJYOU, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng Nhật Bản.
Các sản phẩm HABECO hiện diện tại nhiều nhà hàng Việt Nam và siêu thị lớn ở Tokyo, Osaka, tạo dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng người Việt và người Nhật.
Không chỉ “gõ cửa” thị trường Nhật Bản, bằng việc hợp tác chiến lược với các chuyên gia đến từ Anh, Nhật Bản… HABECO không ngừng đổi mới sản phẩm, bám sát xu hướng tiêu dùng mới. Hơn 7,6 triệu lít bia và 660.000 lít rượu sang các thị trường quốc tế, trong đó có Anh, Nga, Pháp, Úc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Đặc biệt, năm 2023 đánh dấu bước tiến đột phá khi Bia Hà Nội chính thức hiện diện tại thị trường Hoa Kỳ - một trong những thị trường có những quy định nghiêm ngặt nhất thế giới.
“Chúng tôi hiểu rằng thương hiệu không phải là cái tên, mà là sự tin tưởng của người tiêu dùng. Sự tin tưởng ấy phải được xây dựng bằng chất lượng và sự đổi mới không ngừng” - ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT HABECO chia sẻ.
Từ hàng hóa nội địa đến hàng hóa toàn cầu
Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, những năm qua, các doanh nghiệp, thương hiệu trong nước đã nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA để phát triển, để vươn mình, để tăng cường sự nhận biết thương hiệu quốc gia Việt Nam, thương hiệu doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để hàng Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam thực sự lớn mạnh và có sức cạnh tranh trên trường quốc tế, cần một chiến lược tổng thể, đồng bộ từ phía nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu bài bản và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, hỗ trợ về tín dụng, xúc tiến thương mại và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Còn người tiêu dùng cần được tiếp cận với thông tin minh bạch để lựa chọn hàng Việt vì chất lượng, không chỉ vì lòng yêu nước.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2025 tiếp tục được tổ chức với chủ đề “Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo”. Thông qua chủ đề này, Bộ Công Thương mong muốn thúc đẩy một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt, khuyến khích họ đầu tư vào công nghệ, nâng cao giá trị thương hiệu, từ đó nâng tầm vị thế của thương hiệu quốc gia Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. |