Phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bền vững

06/05/2024 - 23:15
(Bankviet.com) Nghiên cứu “phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bền vững” có ý nghĩa cấp bách cả về mặt lý luận, thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đang đặt ra trong bối cảnh mới.

Việt Nam với dân số 99,46 triệu người (2022), trong đó 62,4% dân số nông thôn chiếm 62,4% và lực lương lao động cũng tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn là 62,8%. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là“bệ đỡ” của nền kinh tế và là “ngành lợi thế quốc gia” hiện đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022. Nhưng những hạn chế của hệ thống logistics quốc giahệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn đang là nguy cơ hiện hữu làm giảm tốc độ tăng trưởng và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Trong phạm vi bài này, chúng tôi bước đầu đề cập sự cần thiết phải xây dựng và phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo quá trình cung ứng các yếu tố cho sản xuất, đời sống nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tác động cực đoan đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Từ khóa: Logistics nông nghiệp, hệ thống logistics nông nghiệp, chính sách logistics nông nghiệp, kho dự trữ nước, nước ngọt là hàng hóa vật tư chiến lược cho sản xuất và đời sống.

Summary: Vietnam has a population of 99.46 million people (2022), of which 62.4% of the rural population accounts for 62.4% and the labor force is also concentrated mainly in rural areas at 62.8%. Agriculture, farmers, and rural areas always hold a strategic position in the cause of industrialization and modernization, are the "pedestal" of the economy and are a "National Advantage Sector" currently implementing the Vietnam War. Sustainable agricultural and rural development strategy for the period 2021 - 2030, vision to 2050 according to Decision No. 150/QD-TTg, dated February 28, 2022. But the limitations of the national logistics system and the agricultural and rural logistics system are an existing risk that reduces growth rates and the realization of sustainable development goals. Within the scope of this article, we initially mention the need to build and develop an agricultural and rural logistics system to ensure the process of supplying factors for production and agricultural and rural life. sustainable development in the context of climate change increasingly having extreme impacts on all aspects of socio-economic life in the agricultural and rural sectors of Vietnam.

Keywords: Agricultural logistics, agricultural logistics system, agricultural logistics policy, water storage, fresh water is a strategic commodity and material for production and life.

mohinhkinhdoanhmoi.jpg
Phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bền vững. Nguồn: Internet

I. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế, trong đó bao gồm cả kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Điều này đòi hỏi phải triển khai hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ ngày 25/3/2021 về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030 và Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần phải xây dựng và phát triển bền vững hệ thống logistics nông nghiệp hiện đại, đồng bộ, thích nghi biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan như nước biển dâng, hạn hán gay gắt, nhiễm mặn, bão lụt tàn phá quy mô lớn... để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản trong xuất nhập khẩu (XNK) và kinh doanh nông sản trên thị trường, đóng góp bổ sung cho ngân sách nhà nước (NSNN) và GDP.

Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu một cách toàn diện trên quy mô lớn về logistics nông nghiệp, nông thôn và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn. Hầu như chưa có các giáo trình, sách chuyên khảo về logistics nông nghiệp, rất ít các đề tài lớn cấp bộ, cấp nhà nước nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn. Nguồn nhân lực logistics nói chung và nguồn nhân lực logistics cho các ngành, địa phương và các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư, đào tạo và phát triển ở Việt Nam. Đến nay, mã ngành đào tạo logistics Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn ghép cơ học vào mã ngànhQuản lý công nghiệp”!...

Vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng và phát triển hệ thống logistics nông nghiệp theo hướng bền vững từ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển logistics nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, phát triển bất động sản (BĐS) logistics nông nghiệp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nông nghiệp; phát triển hệ thống doanh nghiệp logistics nông nghiệp... rất cần thiết. Từ thực tế trên đây, việc nghiên cứu “phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam bền vững” có ý nghĩa cấp bách cả về mặt lý luận, thực tiễn và đáp ứng yêu cầu đang đặt ra trong bối cảnh mới.

II. Khái quát hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm đảm bảo phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững

Sau gần 40 năm đổi mới kể từ nghị quyết đổi mới năm 1986, nền nông nghiệp Việt Nam (bao gồm cả ngư nghiệp và lâm nghiệp) đã đạt được nhiều thành tựu to lớn với mức tăng trưởng ổn định, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP của nền kinh tế. Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế khác đều giảm sâu thì nông nghiệp vẫn đạt 2,68% so với năm 2019, trong đó, nông nghiệp tăng 2,7%; lâm nghiệp tăng 2,4%; thủy sản tăng 3,3% (Tổng cục Thống kê năm 2020). Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã gây tác động lớn tới mọi mặt của kinh tế, đời sống, xã hội. Trong bối cảnh đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, là một trong những “bệ đỡ” của nền kinh tế năm 2021, khi có tốc độ tăng 2,9% cao hơn mức tăng 2,58% của cả nền kinh tế tạo đà cho năm 2022 phục hồi, tăng tốc, xuất khẩu hàng nông sản cắm mốc 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021... Nông nghiệp được xác định là “ngành lợi thế quốc gia” đang tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Nông sản Việt Nam được xuất khẩu sang hơn 180 thị trường trên thế giới đã gây được nhiều tiếng vang, đặc biệt là những thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Xuất khẩu nông sản Việt Nam bao gồm 8 mặt hàng chủ yếu là hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su. Trong đó, cà phê, gạo, rau quả và hạt điều vẫn là những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu. Những năm qua ngành logistics Việt Nam, trong đó có hoạt động logistics nông nghiệp đã có những đóng góp tích cực đưa ngành hàng nông sản trở thành một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Logistics đã có nhiều đóng góp vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trước hết là xuất nhập khẩu, đưa hoạt động xuất khẩu nông sản thành một điểm sáng, là “bệ đỡ” của nền kinh tế nhiều năm qua.

Mặc dù có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, cơ cấu ngành hàng xuất khẩu chuyển dịch đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao lợi thế cạnh tranh của đất nước, nhưng hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là hàng sơ chế có quy mô nhỏ hoặc phải xuất khẩu qua nước trung gian nên làm giảm giá trị hàng nông sản. Thêm vào đó, giá trị hàng nông sản xuất khẩu còn chịu ảnh hưởng lớn từ điều kiện tự nhiên và biến động giá cả trên thị trường thế giới, nên tốc độ tăng trưởng chưa bền vững. Hệ thống logistics nông nghiệp chưa được đầu tư phát triển, thậm chí còn bị “bỏ quên” trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển của nhiều địa phương, thiếu quan tâm đầu tư phát triển hệ thống logistics đã làm cho chi phí logistics hàng nông sản lên cao, tạo gánh nặng chi phí lớn cho người dân và doanh nghiệp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường.

Logistics nhiều nơi còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn tập trung, quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp” (Bộ NN&PTNT,2020). Không những vậy, tại nhiều địa phương, người dân và doanh nghiệp nông nghiệp vẫn đang phải tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản xuất và sản phẩm của mình (như xây dựng kho lạnh cho sản phầm sau thu hoạch, tự đào hồ, quây bạt để dự trữ nước ngọt, đào giếng ngay giữa lòng sông khô hạn để lấy nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt, tự xây dựng cơ sở gia công, chế biến hàng nông sản nhỏ lẽ, làm kho bảo quản và kho lạnh, ...), điều này làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời giảm chất lượng và giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt, làm thất thu cho người sản xuất và nguồn thu cho NSNN.

Cũng như sản xuất sản phẩm công nghiệp, quá trình sản xuất sản phẩm nông nghiệp chỉ kết thúc khi sản phẩm, hàng hóa nông sản đến tay người tiêu dùng cuối cùng trong và ngoài nước. Thế nhưng thời gian qua, chúng ta lại chưa quan tâm đầy đủ về logistics nông nghiệp, nông thôn từ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển logistics nông nghiệp, cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn như kho hàng, bể, hồ dự trữ nước ngọt, bê tông cốt thép hóa ao hồ, xây dựng các trung tâm logistics nông nghiệp và các trung tâm logistics nông nghiệp chuyên dùng… phát triển doanh nghiệp logistics nông nghiệp (hiện còn quá phụ thuộc vào các đầu nậu, thương lái…). Ngành nông nghiệp chưa đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp một cách bài bản theo một quy hoạch thống nhất và mang tính dài hạn để ứng phó hiệu quả với quá trình biến đổi khí hậu ngày một gay gắt, ít quan tâm đến cơ sở hạ tầng dự trữ thời vụ các loại vật tư chiến lược cho sản xuất và đời sống như nước ngọt, gióng cây trồng… cho vùng nông thôn với trên 62% cư dân đang sinh sống nhằm cung ứng các yếu tố vật tư- kỹ thuật cần thiết cho sản xuất và đời sống trong khu vực nông nghiệp, nông thôn...

Hiện nay, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản đang là một trong những chính sách quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng định hướng về “Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn, mở rộng thị trường xuất khẩu”. Tích cực xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại, giá trị gia tăng cao và hiệu quả. Phát triển kinh tế nhanh và bền vững là quan điểm xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế -xã hội Việt Nam 2021- 2030. Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định mục tiêu: “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền… và tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị”.

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, ngoài thực hiện các định hướng, giải pháp đề ra trong Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ ngày 25/3/2021 về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030, các Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 9/2/2021, Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 và Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 và Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050… Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần xây dựng và phát triển bền vững hệ thống logistics nông nghiệp hiện đại, đồng bộ thích nghi biến đổi khí hậu như nước biển dâng, hạn hán, nhiểm mặn, bão lụt... hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản trong XNK và kinh doanh nông sản trên thị trường, đóng góp bổ sung cho NSNN và GDP.

III. Tình hình và những vấn đề đặt ra trong xây dựng và phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Logistics là ngành dịch vụ “cơ sở hạ tầng” và hệ sinh thái logistics nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái logistics quốc gia, thực hiện sứ mệnh bảo đảm cho dòng chảy hàng nông sản Việt Nam không bị gián đoạn, cũng như mọi hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thường xuyên, liên tục với chi phí thấp nhất. Hoạt động của hệ thống này sẽ hình thành lên mạng lưới kết nối, đồng bộ và tạo cơ hội để không ngừng gia tăng giá trị hàng hóa và dịch vụ cung ứng nông nghiệp, không ngừng nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Những hạn chế của hệ thống logistics quốc gia và logistics nông nghiệp hiện nay đang là nguy cơ hiện hữu làm giảm hiệu quả và tính bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

Để phát huy các tiềm năng, thế mạnh, khắc phục những mặt hạn chế nhằm thúc đẩy ngành logistics nông nghiệp phát triển, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài liên quan đến việc hình thành và phát triển hệ thống logistics nông nghiệp Việt Nam từ nhận thức logistics nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển logistics nông nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng logistics đặc thù nông nghiệp, nông thôn, phát triển BĐS logistics nông nghiệp; nguồn nhân lực logistics cung ứng cho ngành logistics nông nghiệp; phát triển hệ thống doanh nghiệp logistics nông nghiệp… Trong phạm vi bài này, chúng tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề sau:

(1). Cần nâng cao nhận thức vai trò của logistics nông nghiệp trong hệ thống logistics quốc gia để tăng cường đầu tư, phát triển, nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn logistics nông nghiệp trong mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển logistics nông nghiệp với phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta, nhằm đóng góp bổ sung cho tăng trưởng kinh tế và nguồn thu NSNN. Do vậy, cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức, tư duy logistics nông nghiệp, đặc biệt là vai trò của logistics nông nghiệp trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn ở Việt Nam. Trên cơ sở định hướng phát triển của ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2050, hệ thống các chính sách phát triển, các văn bản pháp quy về lĩnh vực thương mại, logistics cần bổ sung kịp thời những khoảng trống về cơ chế, chính sách phát triển logistics nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nông nghiệp Việt Nam, phát huy vai trò “ngành lợi thế quốc gia” trong bối cảnh mới.

(2). Bổ sung và hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững trên thị trường, bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan như Luật thương mại, Luật quản lý ngoại thương, Luật hải quan, Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS… về các nội dung logistics nông nghiệp. Trên cơ sở đó hình thành cơ chế, chính sách phát triển logistics nông nghiệp, nông thôn thông suốt từ trung ương đến các địa phương, thành phố nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hệ thống logistics nông nghiệp phát triển. Để tránh tình trạng hàng năm, hễ cứ vào mùa vụ thu hoạch hàng ngàn xe nối đuôi nhau lên ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sợn, Lào Cai và lại cứ vào mùa khô “quân dân” phải tiếp vận từng can nước ngọt sinh hoạt, chưa nói đến việc cung ứng nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp? Còn hàng nông sản thiếu hệ thống kho hàng, kho lạnh bảo quản và chế biến, kho dự trữ nước ngọt, vận chuyển chủ yếu bằng phương tiện ôtô nhỏ lẽ. Trong khi đường sắt, đường biển rất ít sử dụng và có thời điểm Việt Nam sản xuất xi măng, sắt thép cung còn vượt cầu? Do vậy, cần thiết phải nâng "Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp” trong chiến lược’’ tại Điều 2 mục 5 theo QĐ 150/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022) lên thành "Đề án xây dựng và phát triển bền vững hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” xứng tầm vai trò và vị trí của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh mới, để đảm bảo tính đồng bộ của các nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển nông nghiệp bền vững.

(3). Cần điều chỉnh và bổ sung kịp thời Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 các vấn đề phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, chính sách phát triển, xây dựng các khu công nghiệp logistics, các trung tâm logistics, doanh nghiệp logistics nông nghiệp… vì hiện đang quá mờ nhạt và thiếu mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, mới chỉ dừng lại ở hệ thống hậu cần thông suốt; Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính; Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp; xây dựng các trung tâm hậu cần biên mậu; dịch vụ phục vụ nông nghiệp (kho bãi, vận tải chuyên dụng, thương mại, logistic; kết nối với cơ sở chế biến nông sản và hệ thống logistic…( Theo QĐ 150/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022) và cả trong danh mục 9 chương trình, đề án trọng điểm để thực hiện chiến lược, vấn đề logistics, cơ sở hạ tầng logistics hình như bị lãng quên! Khi mà hệ thống logistics, trong đó các trung tâm logistics nông nghiệp như là mô hình kinh doanh mới, mô hình thực hiện liên kết kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiệu qủa và là giải pháp có tính đột phá để thu hút đầu tư và đầu tư logistics, tập trung và quản lý nguồn thu từ các hoạt động logistics nông nghiệp nhằm tăng nguồn thu cho NSNN, đồng thời đảm bảo cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, các hoạt động kinh tế - xã hội vùng nông nghiệp, nông thôn diễn ra thường xuyên, liên tục, không bị đứt gãy với chi phí thấp, nhờ đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

(4). Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại nông nghiệp, hệ thống kho hàng hóa nông sản, kho lạnh, vận chuyển hàng lạnh và hệ thống kho dự trữ nước ngọt, hệ thống kho dự trữ thời vụ các vật tư chiến lược nông nghiệp… nhất là vùng miền núi, miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, khu vực Tây Nguyên chưa được quy hoạch, đầu tư phát triển. Đây là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn đảm bảo cho sự phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững. Việc thiếu cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp phát triển, hiện đại, đồng bộ đã gây tổn thất rất lớn cho nhiều vùng sản xuất lúa, cây công nghiệp, cây ăn quả… do vì bị nhiễm mặn, thiếu nước ngọt, cháy rừng và làm đảo lộn cuộc sống bình thường của người dân, họ phải đi mua từng lít nước sạch cho sinh hoạt mỗi khi mùa khô, hạn về…

Trong khi, tổng vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 1.570.518 tỷ đồng, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý gần 137.005 tỷ đồng (Bộ NN&PTNT,2020) nhưng cho đến nay cả nước vẫn chưa có hệ thống kho dự trữ nước ngọt, trong khi nước ngọt là hàng hóa vật tư chiến lược cho sản xuất và đời sóng, kho dự trữ thời vụ nước ngọt tại các vùng hay bị khô hạn, chưa có trung tâm logistics nào chuyên ngành hàng nông sản được đầu tư xây dựng với quy mô như khu công nghiệp? tại các vùng tập trung sản xuất nông nghiệp và vùng trái cây… Ngay cả vùng Nam Trung Bộ và vùng các tỉnh Tây Nam Bộ chưa xây dựng được kho dự trữ nước ngọt nào mà chủ yếu vẫn dựa vào sông, hồ chứa nước tự nhiên hay nhân tạo nhưng dựa vào “thuận thiên” là chính, thiếu bê tông cốt thép hóa các ao hồ dự trữ nước và cứ vào mùa khô hồ, sông lại bị trơ đáy, người dân lại tự đào giếng ngay giữa lòng hồ, sông khô hạn để lấy nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất! trong khi nước ngọt là hàng hóa, vật tư chiến lược quan trọng cho sản xuất và đời sóng. Hàng năm, Bộ NN&PTNT cần dành khoảng 10% tổng vốn đầu tư phát triển thuộc NSNN mà Bộ quản lý cho mục tiêu xây dựng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng logisics nông nghiệp, nông thôn, cùng với việc bê tông cốt thép hóa các ao hồ tích nước, dự trữ nước hiện nay. Tránh tình trạng bê tông hóa các ao hồ hay kè sông suối, kè biển mà như kiểu “lát vĩa hè đường phố hàng năm”.

(5). Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên những vùng tập trung sản xuất nông nghiệp và vùng hay bị kho hạn, nhiểm mặn, thiếu nước ngọt triền miên cho sinh hoạt và sản xuất hễ vào những tháng mùa khô. Việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp cần hướng vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics cả phần cứng và phần mềm (Xây dựng mạng lưới kho dự trữ thời vụ vĩnh cửu về nước ngọt, kho lạnh, xây dựng các khu công nghiệp logistics chuyên dụng nông nghiệp ở những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, trung tâm logistics chuyên ngành, phát triển các phần mềm quản lý logistics nông nghiệp, chuyển đổi số logistics nông nghiêp…) đồng bộ, hiện đại, tầm nhìn dài hạn để thu hút đầu tư logistics trong và ngoài nước vào lĩnh vự nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường quan hệ kinh tế trực tiếp giữa các doanh nghiệp XNK với các hộ, HTX sản xuất nông nghiệp (bao gồm cả ngư nghiệp và lâm nghiệp), tránh tình trạng phó măc các thương lái thu gom!. Ưu tiên phát triển hệ thống doanh nghiệp logistics ngành hàng nông sản vì hiện nay còn rất hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp nên nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung thường phó mặc cho các thương lái, đầu nậu thu gom hàng nông sản, thậm chí còn định giá thu gom… Điều này đã làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của người sản xuất, làm thất thu cho ngân sách địa phương và NSNN, giảm hiệu quả kinh tế - xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam theo chiến lược phát triển. Đồng thời, phải tổ chức lại hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp hiện nay (Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp với mạng lưới rộng khắp của nó trước đây) để thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của hệ thống logistics nông nghiệp.

(6). Xuất phát từ vai trò, tính đặc thù của ngành nông nghiệp và hệ thống logistics nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới, cùng với việc sớm mở mã ngành logistics độc lập thay vì nhiều năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn ghép cơ học vào mã ngànhQuản lý công nghiệp, cần khuyến khích mở chuyên ngành đào tạo logistics nông nghiệp, nông thôn ở các trường đại học kinh tế là rất cần thiết. Việc đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực logistics cho hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn là một nội dung quan trọng về quản lý nhà nước đối với logistics nông nghiệp của Bộ NN&PTNT cần phải được tăng cường. Nguồn nhân lực logistics nói chung và nguồn nhân lực logistics cho các ngành, địa phương và các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư, đào tạo và phát triển ở Việt Nam, hầu như chưa có các giáo trình, sách chuyên khảo về logistics nông nghiệp, rất ít các đề tài lớn cấp bộ, cấp nhà nước nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống logistics nông nghiệp, nông thôn.

Các chuyên gia được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực này vẫn còn quá ít so với yêu cầu phát triển của hệ thống logistics nông nghiệp Việt Nam. Cần bổ sung các chương trình nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030 về phát triển các dịch vụ logistics nông nghiệp, nông thôn và xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, giảm tổn thất, lảng phí sau thu hoạch, gia tăng giá trị cho hàng nông sản…. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp trong ngành nông nghiệp cũng cần được đào tạo bồi dưỡng bài bản, trang bị kiến thức logistics, có tư duy logistics để tổ chức và quản lý khoa học các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với chi phí thấp nhất, nhằm xử lý và giải quyết hiệu quả các vấn đề nông nghiệp, nông thôn để tránh tư tưởng cục bộ, địa phương, lợi ích nhóm và cả lợi ích “ dự án”.

IV. Kết luận

Như vậy, để phát huy các tiềm năng, lợi thế và khắc phục những mặt hạn chế nhằm thúc đẩy ngành logistics nông nghiệp, nông thôn phát triển, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan hơn, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài liên quan đến việc hình thành và phát triển bền vững hệ thống logistics nông nghiệp Việt Nam: Từ nâng cao nhận thức vai trò của logistics nông nghiệp trong hệ thống logistics quốc gia để tăng cường đầu tư, phát triển, nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện những vấn đề lý luận và thực tiễn logistics nông nghiệp trong mối quan hệ chặt chẽ giữa phát triển logistics nông nghiệp với phát triển nông nghiệp bền vững ở nước ta, nhằm đóng góp bổ sung cho tăng trưởng kinh tế và nguồn thu NSNN ; Bổ sung và hoàn thiện thể chế, pháp luật logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các hoạt động logistics nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững trên thị trường ; Cần điều chỉnh và bổ sung kịp thời Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 các vấn đề phát triển hệ thống logistics nông nghiệp, chính sách phát triển, xây dựng các KCN logistics, các trung tâm logistics, doanh nghiệp logistics nông nghiệp… vì hiện đang quá mờ nhạt và thiếu mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể; Quy hoạch xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, thương mại nông nghiệp, hệ thống kho hàng hóa nông sản, kho lạnh, vận chuyển hàng lạnh và hệ thống kho dự trữ nước ngọt, hệ thống kho dự trữ thời vụ các vật tư chiến lược nông nghiệp; Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu tiên cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng logistics nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên những vùng tập trung sản xuất nông nghiệp và vùng hay bị kho hạn, nhiểm mặn, thiếu nước ngọt triền miên cho sinh hoạt và sản xuất; Xuất phát từ vai trò, tính đặc thù của ngành nông nghiệp và hệ thống logistics nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới, cùng với việc sớm mở mã ngành logistics độc lập thay vì nhiều năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn ghép cơ học vào mã ngànhQuán lý công nghiệp, cần khuyến khích mở chuyên ngành đào tạo logistics nông nghiệp, nông thôn ở các trường đại học kinh tế là rất cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

- Đặng Đình Đào, Đặng Thế Hùng (2023), Nâng cao vai trò của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh mới (Phần 1,2), Tạp chí Việt Nam- Logistics, số 189,190, tháng 7,8/ 2023.

- Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

- Nghị quyết số 163/2022/NQ-CP ngày 16/12/2022 Về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

- Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 về việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.

- Quyết định số 194/QĐ-TTg, ngày 09/02/2021 về Đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng tới 2030.

- Quyết định số 221/QĐ-TTg, ngày 22/02/2021 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

- Quyết định 531/QĐ-TTg ngày 01/04/2021 Phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

GS.TS. Đặng Đình Đào (*)

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ