Tóm tắt: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã và đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế những năm gần đây. Xu hướng này mở ra nhu cầu vốn rất lớn trong việc đầu tư cho các dự án, công trình xanh liên quan tới môi trường, khí hậu, góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh. Tín dụng xanh, ngân hàng xanh cũng là mục tiêu đang hướng tới của hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Bài viết đem đến một góc nhìn về phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - một ngân hàng thương mại Nhà nước có vai trò chủ lực, chủ đạo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam và có định hướng chiến lược "ngân hàng xanh". Qua đó, một số giải pháp được đề xuất nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam.
Develop green credit, green bank from a perspective of BIDV's strategic orientation
Abstract: Green growth and sustainable development have been main drivers in economic development in recent years. This trend opens up a huge demand of investment in green projects and buildings related to the environment and climate, thus contributing to promoting green production, services and consumption. Green credit and green banking are also targets of the Vietnam banking system in order to achieve sustainable development goal. The article provides a perspective on the development of green credit and green banking from the Bank for Investment and Development of Vietnam - a state-owned commercial bank, playing a key and leading role in Vietnam banking system and having a strategic orientation of being “green bank". Thereby, a number of solutions are proposed to promote and facilitate the development of green credit and green banking in Vietnam.
Đánh giá sự bất định trong hoạt động ngân hàng Việt NamTăng trưởng xanh và phát triển bền vững là nội dung được Chính phủ, bộ, ngành quan tâm đặc biệt và cụ thể hóa trong các văn bản chỉ đạo. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ban hành Nghị quyết về Phát triển bền vững. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Đề án Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 cùng với việc tham gia nhiều sáng kiến đã thể hiện quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế trong nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam khẳng định coi vấn đề chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là chủ trương nhất quán và là mô hình kinh tế mà Việt Nam lựa chọn.
BIDV với định hướng chiến lược “ngân hàng xanh”
Với bề dày lịch sử 65 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam (đạt hơn 85 tỷ USD tại ngày 30/6/2022). Dư nợ tín dụng và huy động vốn của BIDV đạt lần lượt 63,7 tỷ USD và 60,4 tỷ USD. BIDV có 1.084 điểm mạng lưới gồm 189 chi nhánh, 895 phòng giao dịch và nền tảng khách hàng rộng lớn với gần 15 triệu khách hàng. Xác định nguồn lực tài chính từ ngân hàng là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn, BIDV đã triển khai một cách nghiêm túc và có lộ trình phù hợp các công việc, giải pháp liên quan tới tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Tại Nghị quyết Hội đồng quản trị về chiến lược phát triển kinh doanh của BIDV đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, BIDV sẽ nghiên cứu mô hình chi nhánh, phòng giao dịch “Ngân hàng xanh” gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Đồng thời, BIDV cam kết triển khai các gói “Tín dụng xanh”, dành tỷ trọng tương xứng để tài trợ cho các khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó góp phần chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, ngăn chặn biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Để thực thi được mục tiêu chiến lược, BIDV triển khai nhiều sáng kiến về hợp tác quốc tế, thu xếp nguồn vốn tín dụng xanh, nâng cao năng lực thể chế, quy trình sản phẩm để thúc đẩy tín dụng xanh, hỗ trợ thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh bền vững.
BIDV tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực phát triển bền vững, để hỗ trợ triển khai nguồn vốn xanh và bền vững về Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính bền vững, tiết kiệm năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch. Với kinh nghiệm và năng lực hàng đầu trong tiếp nhận và triển khai các dự án vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững từ các định chế tài chính quốc tế, là đối tác hơn 30 năm của các tổ chức tài chính: WB, ADB, JICA, JBIC,… BIDV hiện là ngân hàng có thị phần lớn nhất (khoảng 21%) trong huy động nguồn vốn ODA, các nguồn vốn ủy thác quốc tế. Điển hình như, BIDV đã ký kết Hợp đồng khoản vay 300 triệu USD với ADB năm 2018 để hỗ trợ doanh nghiệp SME kèm các điều kiện bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, đã ký Hợp đồng Hạn mức tín dụng SUNREF 100 triệu USD với AFD năm 2021 để phát triển tín dụng xanh.
BIDV là định chế tài chính trong nước đầu tiên hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), xây dựng các giải pháp và hành động cụ thể bao gồm: (i) Tài trợ các phương án vay vốn, dự án đầu tư xanh và bền vững; (ii) Thực hiện vai trò ngân hàng trung gian với các đối tác quốc tế nhằm chuyển hướng dòng vốn tài chính xanh về Việt Nam; (iii) Phối hợp phát triển thị trường các-bon theo đúng định hướng của Chính phủ; (iv) Nghiên cứu và lập kế hoạch để BIDV trở thành ngân hàng phát thải ròng bằng “0” – Net-zero bank tương ứng với lộ trình cam kết phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050.
BIDV đã thành lập Ban quản lý dự án tài chính bền vững (PMU) để nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc: (i) Triển khai tài chính bền vững tại BIDV; (ii) Quản lý rủi ro ESG trong hoạt động tín dụng; (iii) Định hướng BIDV trở thành ngân hàng Net-zero trong hoạt động kinh doanh hàng ngày. BIDV vinh dự là một trong hai ngân hàng đầu tiên được lựa chọn tham gia chương trình hỗ trợ kỹ thuật theo kế hoạch hợp tác giữa NHNN và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) để xây dựng và hoàn thiện dự thảo Khung trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn của Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI), phù hợp với tiêu chuẩn ICMA và tiêu chuẩn ASEAN. BIDV cũng đã xây dựng Khung Khoản vay bền vững cho các khoản vay liên kết xanh, xã hội, bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình công tác của Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27 tại Ai Cập từ ngày 4 - 9/11/2022, BIDV đã tham gia các cuộc họp đa phương và song phương cùng Bộ TN&MT như: Ngân hàng trung ương Singapore, Tập đoàn Citigroup, Standard Chartered Bank, Liên minh tài chính Glasgow vì mục đích phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) và các đối tác khác trao đổi về khả năng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đoàn công tác BIDV đã tích cực tham gia ý kiến, thể hiện năng lực triển khai cơ chế tài chính của Việt Nam với các đối tác phát triển quốc tế; thảo luận về định hướng của ngân hàng, nhu cầu về nguồn vốn, cơ hội hợp tác và các cơ chế BIDV có thể triển khai với đối tác.
Với định hướng chiến lược và các chương trình hành động rõ ràng, hoạt động tín dụng xanh tại BIDV có chuyển biến rõ nét. Từ năm 2018 đến nay, tỷ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh của BIDV có xu hướng tăng dần, từ mức 2,65% năm 2018 lên mức 3,87% tại thời điểm ngày 30/9/2022. Tính tới hết quý III/2022, BIDV dẫn đầu thị trường về tài trợ các dự án xanh, với 1.231 khách hàng và dự án với tổng số tiền cam kết cấp tín dụng hơn 61.700 tỷ đồng. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong năm 2022, tỷ trọng dư nợ cho vay thủy điện của BIDV giảm mạnh xuống còn 40,7% năm 2022, tỷ trọng dư nợ cho vay điện gió và điện mặt trời tăng mạnh lên 58,3%, tỷ trọng cho vay nhiệt điện than hiện tại ở mức thấp và có lộ trình phấn đấu giảm về bằng không vào năm 2035.
Một số khó khăn, thách thức trong triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh
Tín dụng xanh, ngân hàng xanh là lĩnh vực mới tại Việt Nam, trong quá trình triển khai, ngân hàng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể:
Một là, Việt Nam hiện chưa có đầy đủ khung pháp lý, chính sách tổng thể, thống nhất liên quan đến việc triển khai tín dụng xanh như: tiêu chí môi trường và tiêu chí xác nhận khoản vay/dự án xanh, công cụ của chính sách tiền tệ - tín dụng để khuyến khích ngân hàng tham gia tài trợ dự án xanh, chính sách quản trị ngân hàng thương mại theo chuẩn mực về môi trường hay thông tư hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường xã hội… Do đó, BIDV cũng như các TCTD khác gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy trình, quy định, cơ chế, chính sách ưu đãi và các sản phẩm cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xanh.
Hai là, khó khăn trong việc phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn Việt Nam. Mặc dù đã hoàn thành xây dựng dự thảo khung trái phiếu xanh nhưng để BIDV có thể thực hiện được 1 đợt phát hành trái phiếu xanh phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thì vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc điển hình như sau: (i) Các quy định về phát hành trái phiếu xanh hiện tại chủ yếu tập trung vào việc tổ chức phát hành huy động vốn để trực tiếp tài trợ cho dự án xanh của chính doanh nghiệp, do đó chưa có hướng dẫn cụ thể trong trường hợp ngân hàng huy động vốn thông qua trái phiếu xanh để tài trợ hoặc tái tài trợ cho dự án xanh của các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn; (ii) Chưa ban hành quy định chung về tiêu chí, danh mục dự án xanh, đồng thời chưa có các hướng dẫn cụ thể về các mẫu báo cáo có liên quan, đặc biệt là nội dung về báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ba là, việc thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường xã hội còn gặp nhiều khó khăn do ngân hàng chưa có đội ngũ nhân sự có chuyên môn/chuyên gia về đánh giá môi trường xã hội. Các TCTD có hệ thống mạng lưới rộng lớn, nhân sự nhiều, trong khi kiến thức về thẩm định rủi ro môi trường xã hội bao hàm nhiều kiến thức chuyên ngành phức tạp. BIDV cũng như các TCTD khác sẽ mất nhiều thời gian trong việc xây dựng quy trình, điều chỉnh hành vi, đào tạo cán bộ hệ thống kiến thức về bảo vệ môi trường xã hội, kiến thức về tài chính bền vững, để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả trên toàn hệ thống.
Bốn là, khó khăn từ phía khách hàng. Các doanh nghiệp chưa nhận thức được một cách đúng đắn và đầy đủ về tác động của rủi ro môi trường xã hội tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn tới ngân hàng gặp khó khăn trong công tác quản lý rủi ro môi trường – xã hội sau cho vay. Ngoài ra, tín dụng xanh đem lại hiệu quả cả về kinh tế và xã hội trong trung dài hạn nhưng các doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí trong việc đầu tư công nghệ tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, kinh phí xử lý chất thải.
Một số đề xuất, khuyến nghị
Để thúc đẩy kinh doanh bền vững mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, cần sự triển khai đồng bộ từ chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở thực tế triển khai, cần đẩy nhanh triển khai một số giải pháp, cụ thể như sau:
- Sớm ban hành Thông tư, hướng dẫn về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đảm bảo công tác chỉ đạo và thực hiện thống nhất trong hệ thống ngân hàng (ngày 23/12/2023, NHNN đã ban hành Thông tư số 17/2022/TT-NHNN quy định về nội dung này. Thông tư sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2023).
- Tiếp tục hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh, ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn,… liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu xanh, trong đó hướng dẫn cụ thể hơn đối với hoạt động hạch toán, báo cáo, kiểm soát sau phát hành trái phiếu xanh của các ngân hàng thương mại. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và xây dựng lộ trình thực hiện để hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu xanh.
- Tiếp tục thúc đẩy thu hút, huy động nguồn vốn của các tổ chức, định chế tài chính quốc tế tham gia tài trợ các lĩnh vực/dự án xanh.
- Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển sàn giao dịch tín chỉ các-bon, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tham gia xây dựng cơ chế kết nối thị trường trong nước với quốc tế.
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 5 năm 2023
Cao Chung Chính