Phổ biến tình hình thực thi Hiệp định ACFTA tại Quảng Ninh

28/12/2023 - 22:32
(Bankviet.com) Hôm nay (23/9), Sở Công Thương Quảng Ninh và UBND TP.Móng Cái phối hợp với Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế (BCĐ) tổ chức Hội nghị phổ biến tình hình thực hiện Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ACFTA).

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe các diễn giả phổ biến nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa thiết thực. Đó là các chuyên đề: Tình hình thực thi cam kết của Hiệp định ACFTA và các nghị định liên quan; kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và đẩy mạnh xuất khẩu; xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam và Trung Quốc; giải pháp phát triển thương mại biên giới với Trung Quốc; thị trường Trung Quốc và các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu….

Không thể phủ nhận, từ khi đi vào thực thi năm 2006, Hiệp định ACFTA đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng thương mại song phương. Với Việt Nam, Trung Quốc là bạn hàng số 1. Đối với Trung Quốc, mặc dù kim ngạch của Việt Nam chỉ chiếm 1,5% trong tổng thương mại của nước bạn với toàn cầu; nhưng con số 60 tỷ USD không phải là nhỏ và đặc biệt có ý nghĩa với phát triển biên giới của các tỉnh phía Nam của Trung Quốc. Song, phía Việt Nam cần có cách tiếp cận mới từ cả các cơ quan quản lý, cũng như doanh nghiệp (DN) để tận dụng tốt hơn cơ hội hiệp định này, bởi xuất khẩu tuy có tăng, nhưng khoảng cách nhập siêu ngày càng giãn rộng.

Phổ biến tình hình thực thi Hiệp định ACFTA tại Quảng Ninh
Các cửa khẩu cần tận dụng hình thức thương mại điện tử để nâng cao chất lượng giao dịch

Ông Nguyễn Sơn nhấn mạnh, nếu thời điểm này, chúng ta không tranh thủ được cơ hội, thì tới đây sẽ phải chịu những thách thức rất lớn. Ông nói: “Muốn làm ăn lâu dài, phát triển thương mại một cách bền vững, phải hướng vào thương mại chính ngạch. Để đáp ứng được yêu cầu ấy, các DN, các nhà sản xuất phải đi vào xây dựng những mô hình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn về kỹ thuật đối với mặt hàng nông sản và an toàn đối với mặt hàng thực phẩm”.

Trao đổi về vấn đề kiểm dịch an toàn thực phẩm, ông Lê Thanh Hòa - Phó giám đốc Văn phòng SPS, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - đặc biệt lưu ý các DN Việt Nam, nhất là DN thương mại, chú ý liên kết chặt chẽ với DN sản xuất đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, để xuất khẩu bền vững cũng như không gặp trở ngại trong thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Mai Linh - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đưa ra một số kiến nghị với UBND tỉnh Quảng Ninh: Tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh về kho bãi; chú ý vấn đề bao bì nhãn mác trong xuất khẩu nông sản; tăng cường kết nối thương mại điện tử…

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), khi đề cập về thị trường Trung Quốc và giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, cũng đề xuất: “Quảng Ninh cần tranh thủ thế mạnh, thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất, tận dụng khai thác ưu thế về du lịch, để xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh. Thứ hai, tận dụng hình thức thương mại điện tử đang là phương thức áp dụng chủ đạo của Trung Quốc, nhất là các cửa khẩu, các trung tâm trung chuyển logictics. Nếu Quảng Ninh đi tắt đón đầu xây dựng được sàn giao dịch này với các cơ quan đầu mối Trung Quốc, hoàn toàn có thể đưa hàng Việt lên kệ ở nước bạn. Đây là cách thương hiệu nhanh nhất tại nước này”.

Ông Tô Ngọc Sơn cho biết thêm, Việt Nam là đối tác xuất nhập khẩu hoa quả lớn nhất của Trung Quốc với các nước ASEAN. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất nhập khẩu hầu hết nông sản thế nạnh của Việt Nam rồi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam. “Tuy nhiên, phải nhìn nhận thị trường Trung Quốc khác với cách đây 5 năm. Nếu không thay đổi cách nhìn, chúng ta sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi”- ông Tô Ngọc Sơn nhận định.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Thủy - Phó giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - cho hay, thời gian qua, Hiệp định ACFTA đã có tác động lớn mang đến sự thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, nhất là đối với các DN, các nhà đầu tư và TP.Móng Cái, các huyện biên giới: Hải Hà, Bình Liêu. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, tỉnh chưa tận dụng tốt những cơ hội mà Hiệp định ACFTA mang lại. Theo lộ trình cam kết, hiệp định đang bước vào giai đoạn cuối cùng thực hiện xóa bỏ thuế quan. Đây là cơ hội tốt để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời cũng sẽ gặp những khó khăn thách thức, đó là sức ép ngày càng tăng với các DN do hàng hóa của các nước thành viên nhập khẩu vào nước ta ngày càng nhiều, tạo sự cạnh tranh càng gay gắt. Trong khi đó, các DN của nước ta nói chung và Quảng Ninh nói riêng, phần lớn là DN nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ.

Chính vì vậy, thời gian tới, Quảng Ninh cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và sự đồng thuận cao trong nhân dân để phát huy hết các lợi thế, chủ động khắc phục và kịp thời ứng phó những phát sinh từ mặt trái của hội nhập quốc tế về kinh tế…

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Sơn - Phó chánh Văn phòng BCĐ - cho biết, đến thời điểm này, Hiệp định ACFTA đã đi được chặng đường hơn 10 năm. Về phía Trung Quốc gần như đã thực hiện hết các cam kết trong hiệp định. Việt Nam được hưởng thời gian kéo dài hơn về lộ trình cắt giảm thuế đến năm 2018 để thực hiện những cam kết còn lại.

Xuân Phú

Theo: Báo Công Thương