Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng trao đổi tại buổi tiếp
Phó Thống đốc đánh giá cao sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của ADB cho Chính phủ nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng trong thời gian qua thông qua các khoản vay, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách, chia sẻ tri thức…Phó Thống đốc mong muốn trong thời gian tới ADB xem xét, tiếp tục cung cấp tư vấn chính sách, huy động nguồn vốn tài trợ không hoàn lại cho ngành Ngân hàng, tập trung vào các ưu tiên như quản trị ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thanh tra giám sát, chính sách tiền tệ, bên cạnh các lĩnh vực quan trọng khác như tài chính toàn diện, tín dụng xanh/ngân hàng xanh, chuyển đổi số cũng như các nội dung có tính thời sự, liên quan tới NHNN như phát triển thị trường vốn, thị trường bảo hiểm…
Ông Winfired Wicklein, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, ADB trao đổi tại buổi tiếp
Về phía ADB, Ông Winfired Wicklein, Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, ADB cho biết để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn lực phát triển từ các quốc gia thành viên để tăng cường nội lực kinh tế, kịp thời ứng phó với những tác động, ảnh hưởng của các yếu tố như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh.., ADB cũng đã nhanh chóng tiến hành những cải cách, điều chỉnh về mô hình tổ chức, cách thức huy động nguồn lực tài chính…để có thể kịp thời đáp ứng nguồn lực tài chính cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam. Theo cam kết trong Chiến lược đối tác quốc gia (CPS) giai đoạn 2023-2026, ADB sẽ hỗ trợ Chính phủ khoảng 1 tỷ USD/năm tập trung vào (i) chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và (ii) Phát triển khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội nhằm hỗ trợ kinh tế Việt Nam phát triển theo hướng xanh, bền vững, ít phát thải các-bon, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân thông qua hình thức hợp tác công tư (PPP) sẽ là định hướng hợp tác quan trọng giữa hai bên trong thời gian tới. Để có khả năng hấp thụ nguồn vốn nói trên, Ông Winfired Wicklein mong muốn Chính phủ nghiên cứu, xem xét việc rút ngắn quy trình, thời gian tiếp nhận và ADB sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác cùng với Chính phủ để đẩy nhanh quá trình tiếp nhận và sử dụng vốn vay.
Bên cạnh nguồn vốn tài trợ cho Chính phủ, nguồn vốn tài trợ cho khu vực tư nhân không có bảo lãnh Chính phủ cũng là một nguồn lực quan trọng, bổ sung đáng kể cho nguồn lực đầu tư của Chính phủ. ADB mong muốn các vấn đề liên quan tới khoản vay B (khoản vay hợp vốn) cho khu vực tư nhân như cân nhắc lượng vốn phù hợp, xem xét miễn thuế sớm được Chính phủ xem xét, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện cho ADB cũng như các Ngân hàng phát triển quốc tế khác như WB, AIIB…huy động nguồn lực cho sự phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam.
Ngoài ra, Ông Winfired Wicklein cũng thông tin cho Phó Thống đốc về chuyến thăm của Chủ tịch ADB tới Việt Nam (dự kiến 11-15/3/2024) và việc tổ chức lễ kỉ niệm 30 năm quan hệ đối tác Việt Nam-ADB nhân dịp chuyến thăm của Chủ tịch ADB. Văn phòng quốc gia ADB tại Việt Nam (VRM) sẽ phối hợp chặt chẽ với NHNN để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này.
Với những trao đổi, đề xuất trên của Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á, ADB, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho biết Chính phủ luôn đánh giá cao nguồn lực hỗ trợ của ADB trong thời gian qua, đặc biệt vào các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, chuyển đổi năng lượng.. và mong muốn tiếp tục hợp tác, tiếp nhận các nguồn lực hỗ trợ quý báu của ADB để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cho phát triển kinh tế, xã hội. Về các vấn đề phía ADB nêu trên, NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, VRM nghiên cứu, kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ giải pháp phù hợp. Đối với chuyến thăm quan trọng của Chủ tịch ADB, Phó Thống đốc giao Vụ Hợp tác quốc tế trao đổi, phối hợp với VRM để chuẩn bị tốt nội dung, hoạt động và công tác hậu cần thiết.