Ủy ban SLC được thành lập năm 2011 với nhiệm vụ chính là đưa ra định hướng chỉ đạo và điều phối triển khai các sáng kiến về hội nhập tài chính ngân hàng trong khu vực ASEAN. Thành viên SLC bao gồm các Phó Thống đốc NHTW ASEAN, dưới sự đồng chủ trì luân phiên của một NHTW ASEAN-51 và một NHTW các nước BCLMV2 theo nhiệm kỳ 02 năm. Qua thời gian, SLC không chỉ là diễn đàn hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng mà còn là cầu nối hiệu quả giữa các Phó Thống đốc NHTW các nước thành viên ASEAN, giúp tăng cường đối thoại chính sách giữa các NHTW với các tổ chức tài chính quốc tế. Việc NHNN chủ trì SLC thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như vai trò dẫn dắt đối với tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN. Trong nhiệm kỳ đồng chủ trì SLC 2024 - 2026, NHNN và NHTW Indonesia sẽ tiếp tục kết nối các NHTW ASEAN và các cơ quan quản lý tài chính - ngân hàng khu vực, các đối tác quốc tế để thúc đẩy đối thoại chính sách vì sự ổn định khu vực tài chính, ngân hàng; đồng thời triển khai các sáng kiến đa phương liên khu vực, đa lĩnh vực.
Hội nghị SLC lần thứ 28 có sự tham gia của các Phó Thống đốc NHTW ASEAN, đồng chủ trì các Nhóm công tác ASEAN về hợp tác ngân hàng và đại diện các tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS, Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN - AMRO, Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của NHTW các nước Đông Nam Á - SEACEN, Ban Thư ký ASEAN - ASEC và Hiệp hội Ngân hàng ASEAN - ABA).
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ Hội nghị SLC lần thứ 28 được tổ chức trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng. Triển vọng kinh tế toàn cầu tích cực, các nền kinh tế đang dần phục hồi song vẫn tồn tại nhiều bất ổn và thách thức. Thị trường tài chính đang trải qua những biến động mạnh mẽ, động lực thương mại toàn cầu tiếp tục thay đổi, các tiến bộ công nghệ đang định hình lại cấu trúc nền kinh tế của các thành viên trong khu vực. Phó Thống đốc tái khẳng định cam kết của SLC trong hiện thực hóa các ưu tiên ASEAN năm 2024 về tăng cường khả năng phục hồi và thịnh vượng tại khu vực ASEAN. Phó Thống đốc nhấn mạnh, năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với ASEAN do đây là năm bản lề để đánh giá lại tiến trình triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và đề ra lộ trình của ASEAN trong tương lai thông qua xây dựng các Kế hoạch Chiến lược thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045.
Đối thoại chính sách giữa các Phó Thống đốc NHTW ASEAN và các tổ chức quốc tế về tình hình và triển vọng kinh tế vĩ mô khu vực và quốc tế
Mở đầu phiên thảo luận về diễn biến kinh tế vĩ mô khu vực và quốc tế, BIS nhận định kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ “hạ cánh mềm”, lạm phát giảm dần về mức mục tiêu của các NHTW song vẫn còn những áp lực tiềm ẩn như lạm phát kéo dài, bất ổn vĩ mô, tài chính và không gian tài khóa ngày càng thu hẹp. Theo BIS, các rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng hiện nay là khả năng lạm phát tái bùng phát và kịch bản kinh tế “hạ cánh cứng”. Trong bối cảnh đó, BIS dự báo tăng trưởng GDP trung hạn vẫn ảm đạm so với mức trước đại dịch Covid-19, đòi hỏi cần có các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy năng suất lao động. BIS nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ ổn định vĩ mô - tài chính để quản lý hiệu quả mối quan hệ giữa thị trường tài chính và các diễn biến kinh tế vĩ mô.
Toàn cảnh Hội nghị Ủy ban cấp cao về Hội nhập tài chính ASEAN
Về phía AMRO, tổ chức này nhận định khu vực ASEAN đang trên đà đạt được tăng trưởng ổn định vào năm 2024 và 2025 nhờ vào sự phục hồi của nhu cầu trong nước, xuất khẩu và du lịch. Lạm phát cơ bản tiếp tục ở mức vừa phải bất chấp áp lực từ chi phí năng lượng, vận tải toàn cầu tăng đột biến, song xu hướng giảm lạm phát toàn phần bị gián đoạn do các cú sốc về cung. Trong bối cảnh đó, về cơ bản AMRO giữ nguyên dự báo tăng trưởng của khu vực ASEAN ở mức 4,8% năm 2024 và 2025, đồng thời điều chỉnh giảm nhẹ dự báo lạm phát ở mức 6,3% năm 2024 và 4,4% năm 2025. Đối với Việt Nam, AMRO dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN (6,3% năm 2024 và 6,5% năm 2025), lạm phát ở mức 3,8% năm 2024 và 3,3% năm 2025. Theo AMRO, khu vực ASEAN vẫn đang phải đối mặt với các rủi ro, bao gồm: bất ổn toàn cầu và sự phân mảnh địa kinh tế gia tăng, giảm tăng trưởng tại Mỹ và EU, biến đổi khí hậu, thiên tai, các sự kiện thời tiết cực đoan, dịch bệnh, già hóa dân số.
Đồng chủ trì và các Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị SLC 2024
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc chia sẻ kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi. Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến và tiếp tục giảm về mức mục tiêu nhờ áp lực từ phía cung giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong bối cảnh đó, hệ thống tài chính đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kể. Tuy nhiên, thách thức chính hiện nay là khôi phục ổn định giá cả và hướng tới mục tiêu dài hạn về tăng trưởng bền vững và cân bằng. Theo đó, Phó Thống đốc cho rằng ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ hiện nay là điều chỉnh chính sách từ giảm lạm phát sang kiểm soát lạm phát, tái lập ổn định giá cả một cách vững chắc và tăng cường hơn nữa khả năng phục hồi của hệ thống tài chính.
Hoạt động của các Nhóm Công tác ASEAN về hợp tác ngân hàng khu vực
Trong khuôn khổ Hội nghị, dưới sự điều phối của NHNN và NHTW Indonesia, các Nhóm công tác về hợp tác ngân hàng ASEAN đã báo cáo tiến độ triển khai các sáng kiến/hoạt động trong năm 2024 cũng như định hướng hoạt động trong thời gian tới. Đồng quan điểm với các đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN đánh giá cao nỗ lực của các Nhóm công tác trong triển khai các hoạt động ưu tiên năm 2024 với các kết quả đáng ghi nhận như: Hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu tài chính toàn diện; Hoàn tất việc xây dựng Khuôn khổ giao dịch đồng bản tệ ASEAN; Thống nhất một số nội dung sửa đổi nâng cấp Thỏa thuận hoán đổi ASEAN (ASA); Đạt được tiến bộ đáng kể trong triển khai các sáng kiến nhằm thúc đẩy kết nối thanh toán xuyên biên giới, tài chính bền vững trong khu vực; Tổ chức nhiều hoạt động tăng cường năng lực hiệu quả và thiết thực cho các thành viên, qua đó góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chung theo Tầm nhìn ASEAN 2025. Các Phó Thống đốc chỉ đạo các Nhóm công tác tiếp tục tập trung hoàn thành các ưu tiên trong năm 2024 và đề xuất các ưu tiên trong năm 2025 trên cơ sở bám sát định hướng hoạt động của các Nhóm. Đặc biệt, các Phó Thống đốc nhấn mạnh các Nhóm cần dành ưu tiên cho việc xây dựng các hoạt động chiến lược và các chỉ số hoạt động (KPI) mới cho giai đoạn 2026-2030, phù hợp với Kế hoạch Chiến lược 2026 - 2030 đang trong quá trình xây dựng. Sự chỉ đạo sát sao của các Phó Thống đốc giúp các Nhóm công tác triển khai các hoạt động phù hợp với định hướng chung cũng như đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả của tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN.
Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Tại Hội nghị, đại diện NHNN - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, ông Tô Huy Vũ đã trình bày báo cáo cập nhật về các rủi ro chính đối với tài chính và kinh tế vĩ mô khu vực, theo đó phân tích đa chiều các rủi ro chính hiện nay, bao gồm suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát cao trở lại, biến động tỷ giá, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, căng thẳng địa chính trị, rủi ro an ninh mạng, biến đổi khí hậu và các thách thức liên quan đến thiếu hụt khuôn khổ pháp lý để theo kịp sự phát triển của công nghệ. Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến nhằm thúc đẩy tài chính bền vững, bao gồm ASEAN Taxonomy và ASEAN Green Map cũng như sự cần thiết của việc tiếp tục tăng cường và thúc đẩy các sáng kiến hợp tác tài chính, ngân hàng trong khu vực.
Đại diện NHNN phát biểu tại Hội nghị
Kết thúc Hội nghị, các Phó Thống đốc đánh giá cao và cảm ơn NHNN đã đăng cai tổ chức và đồng chủ trì thành công Hội nghị SLC lần thứ 28. Hội nghị ghi nhận các nỗ lực của NHNN và NHTW Indonesia trong thúc đẩy và chủ trì dẫn dắt triển khai hiệu quả các sáng kiến và hoạt động hợp tác trong khuôn khổ hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng và phát triển ổn định của khu vực ASEAN trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Hội nghị SLC lần thứ 29 dự kiến được tổ chức tại nước chủ nhà ASEAN 2025 - Malaysia.
1 Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan