Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để sáp nhập gây gián đoạn hành chính

22/04/2025 - 00:32
(Bankviet.com) Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định, không để sáp nhập đơn vị hành chính gây gián đoạn thủ tục, đồng thời thúc đẩy cải cách để tăng tốc phát triển.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: NVIDIA, Vingroup và dẫn chứng phát triển mới Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn dự hội thảo phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Phó Thủ tướng: Kiểm soát chặt xuất xứ hàng hoá, tăng tốc khai mở thị trường

Sáng 21/4, tại huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã có buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Tại đây, nhiều vấn đề lớn về tình hình đất nước và địa phương đã được người dân thẳng thắn nêu lên, trong đó nổi bật là lo ngại xung quanh việc sáp nhập đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, đảm bảo ổn định thủ tục hành chính và đời sống cán bộ, người dân.

Không để sáp nhập gây xáo trộn bộ máy, gián đoạn phục vụ người dân

Tại hội nghị, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc đã thông báo với cử tri những nội dung chính dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9, bao gồm sửa đổi Hiến pháp năm 2013, các luật liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, và báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024 – 2025. Đặc biệt, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh như đề xuất hợp nhất Phú Thọ – Vĩnh Phúc – Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ mới là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để sáp nhập gây gián đoạn hành chính
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Khánh Linh

Cử tri huyện Lập Thạch bày tỏ lo lắng rằng quá trình sáp nhập có thể khiến thủ tục hành chính bị gián đoạn, ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là các đối tượng yếu thế hoặc đang sống tại các vùng sẽ thay đổi địa giới hành chính. Một số ý kiến còn đề nghị Chính phủ có lộ trình rõ ràng, đồng thời ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức phải điều chuyển công tác, giúp họ an tâm cống hiến.

Phản hồi ý kiến cử tri, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định: “Tinh thần của Chính phủ là kiên quyết tinh gọn bộ máy, nhưng không để việc sáp nhập gây ra gián đoạn thủ tục hành chính, thiệt thòi quyền lợi của người dân hay bất ổn trong đội ngũ cán bộ.”

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc sáp nhập hành chính không chỉ là việc sắp xếp lại địa giới, mà còn là bước đi chiến lược nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng tốc độ phát triển, giảm chi phí công và tăng tính kết nối vùng. Tuy nhiên, Chính phủ xác định rõ: “Phải lắng nghe ý kiến nhân dân, đánh giá tác động toàn diện trước khi quyết định cuối cùng.”

Thích ứng với biến động quốc tế, giữ vững tốc độ tăng trưởng

Bên cạnh vấn đề hành chính, cử tri cũng đặc biệt quan tâm tới tình hình quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, sau khi phía Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng cao với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào đầu tháng 4. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn thông tin, ngay sau động thái này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có điện đàm với Tổng thống Donald Trump, thể hiện quyết tâm duy trì mối quan hệ đối tác toàn diện.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để sáp nhập gây gián đoạn hành chính
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Chính phủ đã thành lập Tổ công tác liên ngành, đồng thời lập Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn để xử lý vụ việc. “Chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, chủ động và kiên định quan điểm bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người lao động”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Việt Nam sẽ nỗ lực đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ để duy trì quan hệ thương mại – đầu tư ổn định, bền vững, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2025.”

Về giải pháp phục hồi kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương theo Nghị quyết 25/NQ-CP, trong đó Vĩnh Phúc được yêu cầu đạt mức tăng trưởng 9% trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương phải đồng hành cùng Chính phủ thực hiện: Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối 2025, chuẩn bị cho các dự án chiến lược như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đẩy mạnh khoa học công nghệ, khởi nghiệp, chuyển đổi số.

“Muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, không còn con đường nào khác ngoài đổi mới tư duy, tháo gỡ rào cản pháp lý và trao quyền chủ động cho địa phương”, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ kiến tạo, hành động: Cam kết đi đôi với kết quả

Kết thúc buổi tiếp xúc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tinh thần điều hành của Chính phủ là: “Đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là phải có kết quả cụ thể, đo lường, lượng hóa được.”

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để sáp nhập gây gián đoạn hành chính
Cử tri huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Khánh Linh

Ông đánh giá cao sự đóng góp thẳng thắn, trách nhiệm, đầy tâm huyết và trí tuệ của cử tri Vĩnh Phúc, coi đó là cơ sở để hoàn thiện chính sách, pháp luật phục vụ phát triển đất nước. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục đặt người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, kiên định mục tiêu “chính quyền kiến tạo phát triển”, trong đó tăng trưởng kinh tế phải đi kèm cải thiện chất lượng sống.

Cùng với đó, mọi cải cách về bộ máy hành chính, tổ chức nhân sự hay định hướng vùng, như sáp nhập địa giới đều phải đặt lên hàng đầu tiêu chí: ổn định - đồng thuận - minh bạch - hiệu quả. Với các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, trung tâm của đề án hợp nhất với tinh thần “chủ động, sáng tạo, không trông chờ” càng trở nên cấp thiết.

Buổi tiếp xúc cử tri của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại Vĩnh Phúc diễn ra trong bối cảnh đất nước đang đứng trước nhiều thách thức về cải cách hành chính, tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế. Những phát biểu thẳng thắn, minh bạch và định hướng rõ ràng của Phó Thủ tướng không chỉ giải tỏa phần nào băn khoăn của người dân, mà còn thể hiện rõ quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.

Thu Thủy

Theo: Báo Công Thương