Ngày 6/12, Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến do Ban Kinh tế trung ương tổ chức với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Tham dự còn có ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành và tổ chức quốc tế.
Hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số
Phát biểu khai mạc diễn đàn và dẫn đề, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, trước tác động của dịch COVID-19 đặt ra nhu cầu cấp bách là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn, đặc biệt khi Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 đang gặp phải những trở ngại lớn. Đó là mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển công nghiệp còn thiếu tính bền vững.
Bà Mary Hallward-Driemeier - cố vấn kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, công nghiệp 4.0 đang tăng tốc nhưng không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực và phân khúc của các chuỗi giá trị toàn cầu. Nền kinh tế kỹ thuật số là công cụ hướng tới tăng khả năng cạnh tranh và phục hồi sau COVID-19, Việt Nam cần đặt ra mục tiêu tham vọng cho nền kinh tế kỹ thuật số là 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. “Cần gắn chiến lược tăng trưởng xanh với công nghệ kỹ thuật số như phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả đầu ra của các quá trình sản xuất”, bà Mary Hallward-Driemeier chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hàn Quốc, ông Yong Hongtaek - Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho biết, để chuẩn bị đón đầu cơ hội khi trật tự thế giới mới sau COVID-19 được thiết lập, ba định hướng chính được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng.
Bao gồm tăng cường đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ vốn được dự báo sẽ tạo ra thay đổi trong tương lai, đặc biệt công ty khởi nghiệp từ phòng thí nghiệm, cho phép nhà khoa học trẻ tạo ra sản phẩm thiết yếu.
Tiếp đến là sự chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi số, đặc biệt mô hình làm việc từ xa, làm tiền đề cho sự phát triển của sáng tạo, đổi mới công nghệ, AI, dữ liệu lớn. Theo đó, Hàn Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành đạo luật khung về dữ liệu, thúc đẩy ngành công nghiệp dữ liệu.
Ngoài ra, Hàn Quốc xây dựng các cụm đổi mới sáng tạo, gọi là đặc khu cho phát triển, nơi quy tụ hàng trăm trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, 5.000 công ty và 60.000 nhà khoa học với quy mô vốn hỗ trợ lên tới 1.000 tỉ won.
Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, tham luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của các đại biểu trong việc phát triển kinh tế xã hội, lấy động lực là cách mạng công nghiệp 4.0 và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng thay mặt Chính phủ cảm ơn sự hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nước phát triển đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội và chống dịch COVID-19 vừa qua.
Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và sự đoàn kết chung tay của người dân, doanh nghiệp, sự hỗ trợ chân thành của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã vượt qua đại dịch, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, tạo tiền đề phát triển kinh tế. Gần 2 tháng nay, kinh tế ổn định trở lại, đời sống nhân dân cải thiện, đảm bảo an sinh xã hội, xuất nhập khẩu tăng cao, thu hút FDI, chuỗi cung ứng nối lại….
“Khó khăn hiện nay chỉ tạm thời, nền kinh tế Việt Nam vẫn ổn định và vững chắc, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế, tinh thần đại đoàn kết dân tộc tăng lên’, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, do đã có kinh nghiệm chống dịch nên dù khi xuất hiện chủng mới Omicron được dự báo là diễn biến phức tạp nhưng chúng ta không bị động, không hoảng sợ khi đối phó. Chương trình chống dịch và phục hồi kinh tế phải đi liền với nhau bởi không phát triển thì không có nguồn lực chống dịch và ngược lại. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế chống dịch, nâng cao năng lực y tế (nguồn lực con người, cơ sở vật chất, y tế dự phòng, y tế cơ sở….)
Đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, Thủ tướng cho rằng cần có chiến lược phát triển hạ hầng, trong đó có hạ tầng chuyển đổi số (viễn thông, mạng lưới điện…), phủ sóng viễn thông tới các vũng trũng, biên giới, hải đảo. “Không có điện, không có sóng thì không có công nghệ số, không có công dân số”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính sách tiền tệ và tài khóa gắn chặt với nhau, có sự lan tỏa nhằm tạo hiệu ứng cho các chính sách khác. Việc hồi phục, phát triển kinh tế phải dựa trên nội lực trên cơ sở hỗ trợ ngoại lực (công nghệ, nguồn vốn, quản trị….), phát huy hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển. “Không hy sinh an sinh xã hội, môi trường để đánh đổi tăng trưởng”, Thủ tướng khẳng định.
Chia sẻ về khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch COVID-19, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế xã hội nước ta, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Phương, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hằng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát; Nghị quyết 128/NQ-CP đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều ngành, lĩnh vực. Do vậy, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là rất cần thiết.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, mục tiêu của chương trình là khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn.
Bên cạnh đó là phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Ngoài ra cần bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để triển khai hiệu quả chương trình này, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng cần thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; thực hiện tốt an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngoài ra, cần phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, các chính sách cơ cấu lại nợ. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp; tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; hỗ trợ lãi suất cho vay hợp lý trong một số ngành, lĩnh vực, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của các ngân hàng thương mại để có dư địa giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho một số ngành, lĩnh vực ưu tiên như sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ vận tải, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển khu công nghiệp, khu công nghệ cao, xuất khẩu bền vững
Bảo Đăng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ