Phục hồi yếu ớt, kinh tế Trung Quốc cần thêm những “phép màu”

15/10/2023 - 17:04
(Bankviet.com) Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi tích cực trong năm nay nhưng thị trường bất động sản yếu kém đã làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng.
Hội chợ CAEXPO, nỗ lực thúc đẩy hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN Mỹ-Trung thống nhất cơ chế mới để giải quyết các vấn đề thương mại

Ngay cả kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng” của Trung Quốc năm nay kéo dài 8 ngày liên tiếp, bắt đầu từ ngày 29/9, chi tiêu và lượt đi lại cũng không được như kỳ vọng.

Phục hồi yếu ớt, kinh tế Trung Quốc cần thêm những “phép màu”
Phục hồi yếu ớt, kinh tế Trung Quốc cần thêm những “phép màu”. Ảnh minh họa

Số liệu chính thức cho thấy, số lượng du khách và doanh thu du lịch nội địa trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 8 ngày, kết hợp giữa Tết Trung thu và Quốc khánh Trung Quốc chỉ cao hơn một chút so với mức của năm 2019 - thời điểm trước đại dịch.

Tuy nhiên, hoạt động trên thị trường bất động sản - lĩnh vực mà các nhà phân tích cho rằng là nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc vẫn diễn biến mờ nhạt, với số người mua nhà mới trong kỳ nghỉ lễ ít hơn mong đợi.

Giữa bối cảnh kết quả tăng trưởng trong quý III/2023 của Trung Quốc dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới, các nhà phân tích sẽ tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế bằng các biện pháp kích thích bền vững.

Heron Lim - nhà kinh tế học Trung Quốc tại hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics, cho biết: “Nền kinh tế đang hồi phục”, “nhưng xét về mức độ tăng trưởng mạnh mẽ thì điều đó vẫn còn thiếu”.

Kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ phục hồi tích cực trong năm nay sau các lệnh phong tỏa vì Covid-19 hồi năm 2022 nhưng thị trường bất động sản yếu kém đã làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, thương mại và sản xuất cũng không mang lại điểm sáng khi nhu cầu nước ngoài sụt giảm đối với hàng xuất khẩu của nước này.

Các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng bằng việc cắt giảm yêu cầu đối với hoạt động cho vay thế chấp và hạ lãi suất, nhưng họ chỉ thực hiện các biện pháp kích thích từng phần để tránh làm tăng thêm nợ công.

Truyền thông nhà nước ca ngợi kỳ nghỉ “Tuần lễ Vàng’’ là một thành công, nhắc đến “những khung cảnh nhộn nhịp” trên khắp đất nước là “dấu hiệu mới nhất của… sự phục hồi kinh tế ổn định của Trung Quốc, trái ngược hoàn toàn với những dự đoán tiêu cực của truyền thông và chính trị gia phương Tây”.

Tuy nhiên, những ước tính ban đầu về du lịch nội địa không như dự báo. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cho biết, lượng khách du lịch nội địa trong thời gian nghỉ lễ cao hơn 4,1% so với mức năm 2019 và doanh thu du lịch nội địa cao hơn 1,5%. Trong khi đó, Goldman Sachs cho biết, trước kỳ nghỉ lễ, Chính phủ đã dự kiến số lượng du khách sẽ tăng 7,8% và doanh thu tăng 3,7%.

Trong lĩnh vực bất động sản, khối lượng bán hàng trung bình hàng ngày theo khu vực đã giảm 17% so với năm 2022, theo dữ liệu từ China Index Holdings - nơi theo dõi thị trường của 35 thành phố.

Lĩnh vực bất động sản có dấu hiệu suy yếu trở lại, bất chấp hàng loạt biện pháp nới lỏng được triển khai vào tháng 9”, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Nomura viết trong một nghiên cứu.

Theo giới chuyên gia, việc nới lỏng hạn chế đối với người mua ở các thành phố hàng đầu Trung Quốc có thể gây tổn hại đến nhu cầu ở các thành phố nhỏ hơn.

Tại Hongkong (Trung Quốc), lượng du khách xuyên biên giới trung bình mỗi ngày đạt 70% mức được ghi nhận trong các năm 2017 và 2018. Tuy vậy, các nhà phân tích cho biết, du khách đến từ Trung Quốc Đại lục có mức chi tiêu bình quân đầu người cho các hàng hóa và dịch vụ xa xỉ có giá trị cao ít hơn.

Theo Oliver Tong - người đứng đầu bộ phận bán lẻ tại Hongkong của Công ty Dịch vụ bất động sản JLL, khách du lịch “hiện nay thích 'check-in' trên mạng xã hội nhiều hơn là mua sắm” trong các chuyến nghỉ lễ.

Girish Jhunjhnuwala - người sáng lập Tập đoàn khách sạn Ovolo có trụ sở tại Hong Kong, cho biết: “Các nhà bán lẻ đang mất niềm tin vào triển vọng kinh doanh trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Sức chi tiêu đã giảm và điều này được phản ánh tại các nhà hàng và quán bar”.

Ray Chui - Chủ tịch của Kam Kee Holdings, công ty điều hành hơn 40 nhà hàng trên toàn thành phố - cho biết doanh thu dịp nghỉ lễ của họ đạt khoảng 75% so với mức của năm 2018. Chủ tịch Chui cho biết, trước đây, khách du lịch chi trung bình 300 đôla Hong Kong (HKD, tương đương 38 USD) mỗi người. “Bây giờ con số này chỉ còn khoảng 80 HKD”.

Tại Macao (Trung Quốc) - nơi có các sòng bạc phụ thuộc nhiều vào khách du lịch đại lục, số lượng du khách đạt 932.000 người, với lượng khách trung bình hàng ngày đạt khoảng 84% mức của năm 2019, Cơ quan du lịch Macao cho biết.

Nhà phân tích DS Kim của JPMorgan cho biết, tổng doanh thu liên quan đến các hoạt động cá cược trung bình trong kỳ nghỉ lễ ước tính là 830 triệu patacas (103 triệu USD)/ngày, tăng gần 30% so với kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động.

Nhà phân tích Kim nhận định, số liệu này “tốt hơn nhiều so với những gì chúng tôi và thị trường đã lo sợ”. Trong khi các sòng bạc được hưởng lợi, JLL cho biết du khách đã không vung tiền vào các cửa hàng trang sức và thời trang trong khu vực này.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng, dấu hiệu ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn còn mong manh do sự yếu kém trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản, trong khi việc lãi suất tăng cao ở các đối tác thương mại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nước này.

Nomura đã nâng dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2023 lên 4,8% từ mức 4,6%, nhưng vẫn duy trì dự báo tăng trưởng 3,9% cho năm tiếp theo với “triển vọng tăng trưởng thận trọng”.

Tâm An (theo Financial Times)

Theo: Báo Công Thương