CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) vừa công bố nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua điều chỉnh phương án chào bán riêng lẻ đã được ĐHĐCĐ thông qua tại cuộc họp thường niên năm 2021 vào tháng 4.
PNJ dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 15 triệu cổ phiếu, tương đương 6,6% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Sau phát hành, vốn điều lệ của PNJ dự kiến tăng từ 2.276 tỷ đồng lên 2.426 tỷ đồng
PNJ chưa công bố giá bán nhưng mức giá phát hành không thấp hơn bình quân giá đóng cửa 30 ngày giao dịch gần nhất trước ngày HĐQT thông qua giá phát hành.
Việc chào bán cổ phiếu nhằm giúp PNJ tăng cường năng lực sản xuất, cụ thể là mở rộng nhà máy sản tại Công ty TNHH Một thành viên Chế tác và Kinh doanh Trang sức PNJ để tăng công suất sản xuất, phục cho mảng bán lẻ.
Bên cạnh đó, số tiền thu được trong đợt chào bán sẽ được PNJ dùng để cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, mẫu mã sản phẩm; mở rộng thị trường trang sức và tài trợ lộ trình chuyển đổi số.
Thời gian phát hành riêng lẻ dự kiến ngay trong quý IV/2021 đến tháng 6 năm 2022, sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Trong một cuộc họp với các nhà phân tích hồi tháng 11, lãnh đạo PNJ đã chia sẻ thời gian phát hành riêng lẻ sẽ bị lùi sang quý I/2022 so với thời điểm dự kiến ban đầu là quý IV/2021, do tác động từ giãn cách xã hội trong quý III và một số điều chỉnh về luật từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Trên thị trường chứng khoán. tại phiên giao dịch ngày 29/12, cổ phiếu PNJ giảm 0,9% về mức 94.700đ/cp. Khối lượng giao dịch trung bình phiên đạt hơn 300.000 đơn vị.
Ngoài ra, lãnh đạo cũng PNJ chia sẻ kế hoạch mở rộng mạng lưới cửa hàng đến năm 2025 với hơn 500 điểm bán hàng từ 336 điểm vào cuối tháng 9/2021.
Trong kịch bản cơ sở của PNJ, nhu cầu đồ trang sức có thể cải thiện rõ ràng hơn vào nửa cuối năm 2022 với kỳ vọng từ việc triển khai gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ thúc đẩy tổng nhu cầu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo kỳ vọng rằng sự phục hồi sẽ không đồng đều, theo hình chữ K, trong đó phân khúc cao cấp sẽ phát triển mạnh nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trong dài hạn.
Ban lãnh đạo cũng lưu ý rằng lượng tiêu thụ trang sức cao cấp (trang sức gắn đá quý) của Việt Nam chỉ chiếm 30% tổng nhu cầu toàn ngành trong khi nhu cầu về trang sức truyền thống (trang sức có hàm lượng vàng cao) chiếm thị phần còn lại.
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam