Quản lý thị trường cả nước xử lý trên 30.000 vụ vi phạm trong 7 tháng năm 2024 Hà Nội: Kiểm tra hoạt động kinh doanh của 116 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vàng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra 50.445 vụ từ đầu năm đến nay Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với các địa phương và Tổng cục Quản lý thị trường |
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 thành phố cho biết, trong 8 tháng năm 2024, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội chủ động thực hiện, đấu tranh thông qua các kế hoạch kiểm tra chuyên đề, định kỳ, đột xuất. Nhiều ổ nhóm, tụ điểm phức tạp đã được lực lượng kiểm tra, rà soát và ngăn chặn kịp thời, từ đó không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, đúng quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Báo cáo nhanh của đơn vị cũng cho biết, trong 8 tháng 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã tổng kiểm tra 3.688 vụ việc, xử lý 3.572 vụ vi phạm; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng (đạt 101,32% kế hoạch). Trong số 3.572 vụ, có 38 vụ chuyển cơ quan điều tra. Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm trên thương mại tử; kinh doanh hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, trong 8 tháng 2024, lực lượng đã tổng kiểm tra 3.688 vụ việc, xử lý 3.572 vụ vi phạm |
Đặc biệt, theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, trong 8 tháng năm 2024, lực lượng đã tập trung giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử và phát hiện nhiều vi phạm. Các đối tượng thường xuyên thay đổi các hành vi vi phạm, chuyển kho hàng hóa về những địa điểm xa khu dân cư, đô thị để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Điển hình, ngày 25/12/2023, Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp kiểm tra địa điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại địa chỉ căn U04-L01 Khu đô thị mới Dương Nội, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông thuộc sở hữu của bà Nguyễn Hoàng Mai Ly, phát hiện, tạm giữ số lượng hàng hóa gồm 126.603 sản phẩm thuộc 242 chủng loại hàng hóa các loại. Số hàng hoá này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, tính hợp pháp của hàng hóa. Trị giá hàng hóa vi phạm xác định 20,1 tỷ đồng. Đây là vụ việc vi phạm điển hình trong kinh doanh trên thương mại điện tử có tính chất, quy mô phức tạp. Vụ việc đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra thụ lý.
Tiếp đến, ngày 2/1, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Công an thành phố kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Hữu Cương 89 (địa chỉ: số 40, ngõ 300b đường Nguyễn Xiển, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều), phát hiện thu giữ 19.497 sản phẩm mỹ phẩm các loại. Vụ việc đã được Cục Quản lý thị trường thành phố trình UBND thành phố Hà Nội ra quyết định xử phạt và tiêu hủy toàn bộ hàng hóa.
Hay ngày 3/1, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Công an quận Hà Đông khám 2 xe ô tô đang dừng đỗ tại địa chỉ 15 Ngô Thì Nhậm, phường Quang Trung, quận Hà Đông), phát hiện hàng ngàn sản phẩm nước giặt, dầu gội không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Rejoice và D-nee và chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hà Đông để tiếp tục điều tra làm rõ. Ngày 23/5, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Gạo - mặt hàng trọng điểm kiểm tra trong 8 tháng năm 2024 của lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội. Ảnh: Cục Quản lý thị trường Hà Nội |
Đáng chú ý, trong 8 tháng 2024, bên cạnh việc kiểm tra chấp hành pháp luật kinh doanh đối với các mặt hàng là mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng... lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội cũng đã tăng cường kiểm tra mặt hàng vàng, xăng dầu, thuốc lá nhập lậu, khí hóa lỏng...
“Trong 8 tháng 2024, lực lượng đã kiểm tra 69 vụ việc liên quan đến thuốc lá điếu nhập lậu; 105 vụ việc liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra 14 vụ việc liên quan đến hoạt động kinh doanh vàng; kiểm tra xử lý 31 vụ việc liên quan đến xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng LPG...” - Cục trưởng Chu Xuân Kiên thông tin và nhấn mạnh, hoạt động kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã góp phần giữ thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong những tháng cuối năm, dự báo tình hình thị trường tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lượng, để giữ ổn định thị trường, Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục thực hiện, triển khai các kế hoạch, công tác đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng. Cùng với đó, chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện các nhiệm vụ theo phân công chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác về Thương mại điện tử của Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội.
“Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng tâm, địa bàn trọng điểm, trong đó chú trọng đến mặt hàng vàng, xăng dầu, mỹ phẩm, quần áo...” - Cục trưởng Chu Xuân Kiên thông tin và cho biết, lực lượng cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi kinh doanh hoạt động kinh doanh vận chuyển trái phép khoáng sản, tiếp tục thực hiện kiểm tra về công tác an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận chuyển, kinh doanh đối với mặt hàng khoáng sản, hóa chất (khí N2O), gạo, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…
Ngoài ra, những tháng cuối năm trùng vào nhiều dịp Lễ, Tết, do vậy trong Quý IV/2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành Kế hoạch cao điểm về kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm 2024 và dịp Tết Dương lịch, trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội Ất Tỵ (năm 2025).