Xử lý 423 vụ, phạt hành chính gần 3,6 tỷ đồng
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội TP. Hải Phòng năm 2023 gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, tình hình thị trường luôn được kiểm soát tốt, hoạt động lưu thông hàng hoá trên địa bàn thành phố diễn ra bình thường, không có sự biến động. Cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yêu trên địa bàn thành phố ổn định, lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Tại các siêu thị, chợ và các điểm mua bán lẻ trên địa bàn thành phố, các mặt hàng lương thực, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện tử… được đảm bảo về số lượng, nhiểu mẫu mã đa dạng, phong phú được lưu thông thông suốt.
Giá cả hàng hóa tăng, giảm phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường, không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa hay tình trạng tăng giá bất hợp lý cũng như không xảy ra hiện tượng găm hàng, đầu cơ, tích trữ hàng hóa…
Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng phát hiện một số lượng lớn giày, dép các loại giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên địa bàn quận Hải An. |
Trong năm 2023, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi vi phạm được kiểm tra, phát hiện, xử lý chủ yếu là kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ; các hành vi vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh; giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện; vi phạm quy định về nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết…
Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng đã chủ động kiểm tra 773 vụ (tăng 11,87% so với năm 2022). Tổng số vụ xử lý: 423 vụ (tăng 50% so với năm 2022). Số tiền vi phạm hành chính: 3.579.200.000 đồng (tăng 110,18% so với năm 2022).
Số tiền thu buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính: 60.995.600 đồng; Số tiền thu được từ bán hàng hóa là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu: 6.185.043.900 đồng (tăng 85,74% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng đã xây dựng, triển khai thực hiện 02 kế hoạch chuyên đề về an toàn thực phẩm. Đồng thời, thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên, chưa phát hiện, xử lý vụ việc nào có liên quan đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Song song với đó, đơn vị đã chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; phối hợp cùng cơ quan công an kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh trái phép hóa chất, các sản phẩm thời trang giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng, xăng dầu.
Ngoài ra, lực lượng Quản lý thị trường còn tích cực tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện khi có yêu cầu kết phối hợp của các cơ quan chức năng trên địa bàn quản lý.
Trong công tác chuyên môn, Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: Tổ chức chuyến đi dâng hương “Tri ân tưởng nhớ” các Anh hùng liệt sỹ tại tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa nhân ngày Thương binh Liệt sĩ; đơn vị vinh dự nhận được Giải nhất cuộc thi ảnh “ Lắng trong vườn đời”; Hưởng ứng tháng hành động vì trẻ em năm 2023...
Năm 2024- tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp. Các đối tượng sẽ lợi dụng xu hướng người tiêu dùng mua sắm hàng hoá bằng hình thức online trên các trang thương mại điện tử, trang mạng xã hội,…để kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Đoàn Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng thắp hương tri ân tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên tỉnh Hà Giang. |
Trong năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của Cục Quản lý thị trường TP. Hải Phòng là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Tổng Cục, UBND thành phố giao: Quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo của Bộ Công Thương và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ tết hoặc thiên tại, dịch bệnh; Thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được giao.
Tập trung kiểm tra việc kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa trên thị trường nội địa; chủ trì và phối hợp với lực lượng Công an và các cơ quan liên quan triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả và nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương;
Nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Phối hợp tốt với các cơ quan báo chí và người dân tuyến truyền để người dân không sử dụng hàng giả, hàng nhái.
Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng: Công an, hải quan, thuế, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành trong đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm.
Đức Lâm