Tổng cục Quản lý thị trường tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao 6 nhiệm vụ trọng tâm cho lực lượng Quản lý thị trường |
Liên tiếp trong các ngày từ 16-22/1/2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức các Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ Quản lý thị trường tại 3 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai và Phú Yên.
Trong các Hội nghị, nhiều lần ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường từng nhấn mạnh 2024 sẽ là năm mà lực lượng phải tập trung triển khai rất nhiều công việc, với những tính chất và yêu cầu mới, ngày càng phức tạp.
Do vậy để triển khai có hiệu các nhiệm vụ đã được giao, ông Trần Hữu Linh chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương phải hiểu và xác định được tầm quan trọng của công tác kiểm tra chuyên đề, kiểm tra định kỳ, từ đó bám sát sát địa bàn, giữ thị trường ổn định; góp phần xây dựng kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho doanh nghiệp, người dân yên tâm sản xuất và lao động.
Trong Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho rằng, 2024 sẽ là một năm khó khăn, do vậy đề nghị toàn lực lượng thay đổi tư duy, suy nghĩ; hướng tới xây dựng Quản lý thị trường trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả. Ảnh DMS |
Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, qua 5 năm thành lập, bước sang năm thứ 6 vai trò, trách nhiệm của lực lượng ngày càng được khẳng định, từng bước đáp ứng được những kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Chính vì vậy, trong năm 2024 toàn lực lượng cần thay đổi suy nghĩ, tư duy; xác định các Đội Quản lý thị trường là hạt nhân trong hoạt động thanh, kiểm tra; hướng tới xây dựng Quản lý thị trường trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động hiệu quả trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.
Liên quan đến công tác thanh tra chuyên ngành và nâng cao chất lượng kiểm tra định kỳ, kiểm tra nội bộ, ông Ngô Văn Phong - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh tra - Kiểm tra cho biết, đối với lĩnh vực kiểm tra định kỳ, trong năm 2023 số tiền xử phạt vi phạm hành chính thu nộp NSNN đạt khoảng 41,362 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2022, tăng 3 lần so với các năm 2020 và 2021.
“Số liệu trên cho thấy hoạt động kiểm tra theo kế hoạch định kỳ của lực lượng Quản lý thị trường ngày càng hiệu quả. Hoạt động kiểm tra, thanh tra tập trung đúng, chính xác vào đối tượng, lĩnh vực cần được kiểm tra và phát hiện vi phạm” - ông Ngô Văn Phong thông tin.
Cũng theo ông Phong, trong năm 2023, Tổng cục đã cử công chức tham gia 17 Đoàn thanh tra chuyên ngành xăng dầu do các Cục Quản lý thị trường thành lập. Đây là lần đầu tiên hoạt động thanh tra chuyên ngành của các Cục có sự tham gia phối hợp, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra của công chức đang công tác tại Tổng cục ở trung ương, đảm bảo cuộc thanh tra chất lượng, hiệu quả và đúng định hướng chung trong lực lượng.
Ông Kiều Dương trao đổi về thực trạng công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường trong thời gian qua. Ảnh DMS |
Song, đánh giá về thực trạng công tác kiểm tra xử lý vi phạm hành chính của lực lượng trong thời gian qua, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế thẳng thắn cho rằng, trong năm 2023 công tác kiểm tra thi hành pháp luật tại các địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Còn tồn tại tình trạng nể nang, né tránh trong công tác bảo đảm tuân thủ pháp luật trong hoạt động xử phạt vi phạm hành chính.
Nguyên nhân đến từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có nhiều thay đổi trong thời gian ngắn; chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, rõ ràng, khó áp dụng. Việc triển khai ứng dụng Hệ thống Xử lý vi phạm hành chính (INS) tại một số đơn vị còn nhiều bất cập. Cùng đó là năng lực, trình độ công chức chưa đồng đều, còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Chưa kể, công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát chưa quyết liệt, còn lỏng lẻo, thiếu nghiêm túc...
Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường cũng cho biết, trong năm 2023, công chức Quản lý thị trường chưa tạo thói quan cập nhật thông tin lên Hệ thống lên INS dẫn đến tình trạng thiếu dữ liệu trong triển khai kế hoạch hành động. Trong bối cảnh các đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, hiểu luật và sử dụng các phương tiện hiện đại để thực hiện các hành vi vi phạm... thì nhiều Cục Quản lý thị trường chưa có phương pháp quản lý địa bàn hiệu quả.
Ông Nguyễn Đức Lê đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường. Ảnh DMS |
Đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, cần chấn chỉnh tác phong làm việc, tạo thói quen thường xuyên rà soát, cập nhật dữ liệu của các cơ sở kinh doanh lên Hệ thống INS; đồng thời gắn trách nhiệm đến từng công chức, lãnh đạo trong công tác quản lý địa bàn.
“Khuyến khích đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý địa bàn bằng giải pháp sử dụng các công nghệ hiện đại; gắn liền công tác quản lý địa bàn với hoạt động tuyên truyền pháp luật; thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình thực hiện đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc về Tổng cục để có sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời...” - ông Nguyễn Đức Lê đề xuất.
Trong khi đó, ông Kiều Dương kiến nghị, giải pháp trong thời gian tới cần nhận thức đúng đắn sứ mệnh, giá trị cốt lõi của lực lượng Quản lý thị trường, từ đó hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng. Ông Kiều Dương cho rằng, cần đề cao yếu tố con người, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng theo hướng thực chất, hiệu quả; lựa chọn, sử dụng, đánh giá nhân sự hợp lý, khoa học gắn với năng lực thực thi nhiệm vụ.
Song song đó, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm sai phạm trong thực thi công vụ. Triển khai có hiệu quả chính sách đãi ngộ, trọng dụng, khen thưởng và tôn vinh các giá trị nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của công chức Quản lý thị trường.
Liên tiếp trong các ngày từ 16-22/1/2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức các Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ Quản lý thị trường tại 3 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai và Phú Yên. Ảnh DMS |
Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, để nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cần thực hiện nghiêm các Kế hoạch thanh tra, trong đó cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị về công tác này. Đồng thời, các đơn vị phải xây dựng Kế hoạch thanh tra - kiểm tra phù hợp, nâng cao chất lượng ngay từ công tác lập Kế hoạch.
Ngoài ra, bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông nhằm thông tin kịp thời đến doanh nghiệp, người dân những hành vi vi phạm trên thị trường, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh cho lực lượng Quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại hơn.
Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường trong công tác xử lý vi phạm hành chính và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại các đơn vị thuộc Tổng cục, trong các ngày từ 16-22/1/2024, Tổng cục Quản lý thị trường đã liên tiếp tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ Quản lý thị trường tại 3 tỉnh, thành phố là: Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh và Phú Yên. Tham dự các Hội nghị có Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Lãnh đạo các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục và Lãnh đạo các Cục, Phòng, Đội Quản lý thị trường tại các khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. |
Khánh An