Quản lý thương mại chiến lược của Philippines có gì đặc biệt?

10/04/2025 - 17:25
(Bankviet.com) Philippines xây dựng mô hình kiểm soát thương mại chiến lược từ năm 2015 nhằm tuân thủ cam kết trong Nghị quyết số 1540 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Chính sách kiểm soát thương mại chiến lược: Kinh nghiệm quốc tế Kiểm soát thương mại chiến lược: Không thể chậm trễ Kiểm soát thương mại chiến lược: Bước đi quan trọng Kiểm soát thương mại chiến lược: Đòn bẩy tái cân bằng xuất nhập khẩu

Mô hình quản lý thương mại chiến lược của Philippines, Việt Nam học được gì?

Ngày 1/4/2025 vừa qua, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược để lấy ý kiến rộng rãi.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước, việc xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Song, quá trình xây dựng dự thảo nghị định đã gặp không ít khó khăn, đặc biệt, trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa có một nước nào xây dựng các văn bản, nghị định tương tự để Việt Nam có thể học hỏi, tham khảo.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể học hỏi các mô hình quản lý thương mại chiến lược của các quốc gia trong khu vực.

Khung pháp lý kiểm soát thương mại chiến lược tại Philippines

Chia sẻ về mô hình quản lý thương mại chiến lược của Philippines, ông Phùng Văn Thành - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines - cho biết, ngày 13/11/2015, Tổng thống Philippine Benigno S. Aquino III đã ký ban hành Luật số 10697 - Đạo luật ngăn chặn sự phát triển và phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt thông qua kiểm soát hoạt động mua bán các sản phẩm hàng hóa chiến lược, kiểm soát việc cung ứng dịch vụ liên quan và cung ứng sản phẩm hàng hóa chiến lược cho các mục đích khác (gọi tắt là Luật Kiểm soát thương mại chiến lược - Strategic Trade Management Act).

Quản lý thương mại chiến lược của Philippines có gì đặc biệt?
Việc ban hành Luật Kiểm soát thương mại chiến lược số 10697 là hiện thực hóa cam kết của Philippines về việc tuân thủ Nghị quyết số 1540 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Ảnh: Danh Tùng

Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, việc ban hành Luật Kiểm soát thương mại chiến lược số 10697 là hiện thực hóa cam kết của Philippines về việc tuân thủ Nghị quyết số 1540 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã được hầu hết các nước thành viên biểu quyết thông qua năm 2004. Theo đó, yêu cầu các nước thành viên xây dựng và thực thi các biện pháp kiểm soát thương mại chiến lược để ngăn chặn sự phát triển/phổ biến các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học hoặc sinh học và việc mua, bán, vận chuyển chúng. Luật số 10697 là khung pháp lý để kiểm soát thương mại chiến lược tại Philippines.

Tại Điều 2, Luật số 10697 có nêu chính sách của nhà nước Philippines là không có vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD - weapons of mass destruction) trong khu vực lãnh thổ, phù hợp với lợi ích quốc gia, đảm bảo tuân thủ với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế, bao gồm cả Nghị quyết Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc số 1540; xây dựng và thực hiện các biện pháp hiệu quả để tạo lập hành lang pháp lý, các cơ chế quản lý nội địa nhằm ngăn chặn sự phát triển và phổ biến của các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như việc vận chuyển chúng. Đồng thời, duy trì an ninh và hòa bình thế giới; khuyến khích phát triển kinh tế bằng việc thúc đẩy giao thương và đầu tư thông qua việc kiểm soát các hoạt động mua bán sản phẩm hàng hóa chiến lược và kiểm soát việc cung ứng các dịch vụ liên quan.

Luật số 10697 áp dụng đối với bất kỳ thể nhân hoặc cá nhân đang hoạt động kinh doanh trong phạm vi lãnh thổ Philippines có tham gia hoặc ý định tham gia xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa chiến lược từ Philippines, bao gồm cả các đặc khu kinh tế và cầu cảng xuất khẩu tự do; nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa chiến lược vào Philippines, hoặc vận chuyển hoặc tàu chuyên chở các sản phẩm hàng hóa chiến lược qua lãnh thổ Philippines và cung ứng các dịch vụ liên quan; áp dụng đối với tất cả những người Philippines cung ứng các dịch vụ này bất kể ở đâu.

Đồng thời, luật này cũng áp dụng với việc tái xuất sang nước khác các sản phẩm hàng hóa chiến lược đã được nhập khẩu vào Philippines.

Cấu trúc, cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược

Điều 6, Luật số 10697 quy định về Cơ quan kiểm soát trung tâm, theo đó một Ủy ban thường trực đặt dưới Hội đồng an ninh quốc gia (NSC - National Security Council) được đặt tên là Ủy ban kiểm soát thương mại chiến lược (NSC-Strategic Trade Management Committee) gọi tắt là NSC-STMCom là cơ quan kiểm soát trung tâm được trao thẩm quyền quản lý và quyết định mọi vấn đề liên quan tới hoạt động mua bán các sản phẩm hàng hóa chiến lược.

Thành phần của Ủy ban kiểm soát thương mại chiến lược này bao gồm: một Bộ trưởng thường trực cấp cao làm Chủ tịch Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó Chủ tịch Ủy ban; và các thành viên của Ủy ban bao gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Bộ trưởng Bộ Nội địa và chính quyền địa phương; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Cố vấn An ninh quốc gia; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp; Bộ trưởng Bộ Y tế. Tổng số thành viên của Ủy ban là 13 thành viên.

Các thành viên của Ủy ban không phải là Chủ tịch, Phó Chủ tịch có thể ủy quyền đại diện tham gia thành viên Ủy ban cho cá nhân với chức danh không thấp hơn Thứ trưởng tại cơ quan mình. Cứ 05 thành viên của Ủy ban sẽ cho phép thành lập một tiểu ban quyết định một vấn đề liên quan tới giao dịch thương mại chiến lược.

Trung tâm quản lý chương trình (PMC - Program Management Center) thuộc Hội đồng chống khủng bố (ATC - Anti-Terrorism Council) đảm nhiệm chức năng là Ban Thư ký.

Luật số 10697 cũng quy định thành lập Văn phòng Quản lý thương mại chiến lược (STMO - Strategic Trade Management Office) thuộc Bộ Công Thương, là cơ quan trực tiếp thực thi các chính sách kiểm soát thương mại chiến lược.

Mô hình quản lý thương mại chiến lược của Philippines, Việt Nam
Philippines quy định rõ danh mục hàng hóa thuộc danh mục kiểm soát thương mại chiến lược. Ảnh: Thái Hưng

Danh mục hàng hóa thuộc danh mục kiểm soát thương mại chiến lược gồm các sản phẩm/hàng hóa quân sự là các sản phẩm/hàng hóa, phần mềm và công nghệ kỹ thuật được nghiên cứu, thiết kế, sản xuất cho mục đích quân sự; các sản phẩm/hàng hóa lưỡng dụng là những sản phẩm/hàng hóa, phần mềm, công nghệ kỹ thuật được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự);

Cùng với đó là các sản phẩm/hàng hóa do nhà nước kiểm soát là những sản phẩm/hàng hóa do nhà nước kiểm soát vì lý do an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao, chống khủng bố, kiểm soát tội phạm và an ninh cộng đồng.

Quy trình đăng ký cấp phép đối với việc mua bán sản phẩm hàng hóa chiến lược bao gồm đăng ký (đối với các sản phẩm thuộc danh mục kiểm soát thương mại chiến lược). Văn phòng Quản lý thương mại chiến lược thuộc Bộ Công Thương tiếp nhận hồ sơ đăng ký để xác định xem sản phẩm/hàng hóa có thuộc danh mục hàng hóa chiến lược hay không. Nếu các sản phẩm hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa chiến lược thì cơ quan này sẽ cấp phép hoặc từ chối cho phép nhập khẩu.

Phục vụ và hỗ trợ cho các hoạt động của Ủy ban kiểm soát thương mại chiến lược NSC-STMCom bao gồm các cơ quan có liên quan Cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính; Cục Quản lý động vật thuộc Bộ Nông nghiệp; Cục Quản lý dược và thực phẩm và Cục Kiểm dịch thuộc Bộ Y tế; Viện nghiên cứu hạt nhân và Cục Công nghệ thông tin và viễn thông thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; các cơ quan Quân đội Philippine, Cảnh sát Philippine, Hải cảnh Philippine, Cục An toàn giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục Điều tra thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng chưởng lý thuộc Văn phòng Tổng thống, Cục dẫn độ đặc biệt và dẫn độ tội phạm, và các cơ quan cần thiết khác.

Các hành vi vi phạm quy định về kiểm soát thương mại chiến lược có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất và mức độ của hành vi.

Việt Nam tham khảo được gì?

Có thể nói, kể từ khi ban hành Luật kiểm soát thương mại chiến lược, Philippines đã kiểm soát được sự phát triển/phổ biến các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa hoặc sinh học và việc mua, bán, vận chuyển chúng cùng với đó, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Thông qua mô hình kiểm soát thương mại chiến lược của Philippines, Việt Nam cũng có thể học hỏi, tham khảo được một số điểm sau:

Về vũ khí hủy diệt hàng loạt: Luật kiểm soát thương mại chiến lược của Philippines nêu rõ: “không có vũ khí hủy diệt hàng loạt trong khu vực lãnh thổ, phù hợp với lợi ích quốc gia, đảm bảo tuân thủ với các cam kết và nghĩa vụ quốc tế...”, Việt Nam có thể nghiên cứu xem xét, tham khảo vừa để khuyến khích phát triển kinh tế bằng việc thúc đẩy giao thương và đầu tư thông qua việc kiểm soát các hoạt động mua bán sản phẩm hàng hóa chiến lược và kiểm soát việc cung ứng các dịch vụ liên quan.

Đồng thời, cần xác định rõ phạm vi "vũ khí hủy diệt hàng loạt" có bao gồm các công nghệ AI hoặc robot quân sự hay không?...

Về danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm soát thương mại chiến lược: Cần chỉ ra mặt hàng nào được cho là mặt hàng thương mại chiến lược; mặt hàng nào được cho là công nghệ chiến lược; mặt hàng nào thuộc về bí mật, công nghệ cần được bảo hộ. Làm rõ các khái niệm này để tránh tình trạng các mặt hàng này được ở ngoài thị trường một cách tự do sau đó họ chuyển thành vũ khí hay vũ khí chiến lược.

Bộ Công Thương cho rằng, công tác kiểm soát thương mại chiến lược vừa là nghĩa vụ của Việt Nam trong thực thi các cam kết quốc tế, cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong bảo vệ an ninh, hòa bình quốc tế.

Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất và có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia và có diện mặt hàng xuất nhập khẩu đa dạng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực triển khai nhiều giải pháp cụ thể để hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững với nhiều đối tác thương mại lớn, ví dụ như Hoa Kỳ hay Liên minh châu Âu.

Vì vậy, việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ thị trường này, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.

Chiều 1/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược. Phát biểu chỉ đạo cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương