Quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT, Karofi có đang lừa dối người tiêu dùng?

31/07/2024 - 05:13
(Bankviet.com) Karofi quảng cáo sản phẩm máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT dù sản phẩm không nằm trong đối tượng áp dụng của quy chuẩn này.
EVNGENCO3 trao tặng hệ thống máy lọc nước nhiễm mặn cho người dân tỉnh Cà Mau Hòa Phát và Điện máy Xanh hợp tác chiến lược phân phối máy lọc nước và các sản phẩm điện gia dụng Cảnh giác với máy lọc nước kém chất lượng tràn lan thị trường

Karofi quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT

Ngày 2/6/2010, Bộ Y tế ban hành Thông tư 34/2010/TT-BYT về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai (QCVN 6-1:2010/BYT).

QCVN 6-1:2010/BYT quy định về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý đối với nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai được sử dụng với mục đích giải khát.

Về đối tượng áp dụng, QCVN 6-1:2010/BYT áp dụng với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT, Karofi có đang lừa dối người dùng?
QCVN 6-1:2010/BYT áp dụng với các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Các sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn này.

Về quy trình, để có thể công bố hợp quy sản phẩm phù hợp với QCVN 6-1:2010/BYT, doanh nghiệp phải tiến hành lấy mẫu, kiểm nghiệm sản phẩm nước khoáng thiên nhiên, nước khoáng đóng chai xem có đạt các chỉ tiêu nêu ra trong QCVN 6-1:2010/BYT hay không. Nếu kết quả đạt, doanh nghiệp sẽ cần được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo QCVN 6-1:2010/BYT. Bước cuối cùng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường là tiến hành công bố hợp quy sản phẩm theo QCVN 6-1:2010/BYT.

Mặc dù quy chuẩn QCVN 6-1:2010/BYT được ban hành để quản lý chất lượng sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai, tuy nhiên, thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm máy lọc nước được quảng cáo đã đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT. Trong đó, có sản phẩm máy lọc nước của Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi.

Cụ thể, trên website karofi.com (thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi) có thông tin quảng cáo “chứng nhận máy lọc nước Karofi đạt chuẩn quốc gia nước uống tinh khiết QCVN 6-1:2010/BYT”. Nội dung quảng cáo trên website còn nêu rõ đơn vị chứng nhận cho sản phẩm của Karofi đạt QCVN 6-1:2010/BYT là Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế).

Quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT, Karofi có đang lừa dối người dùng?
Karofi quảng cáo máy lọc nước được chứng nhận đạt QCVN 6-1:2010/BYT bởi Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế). Tuy nhiên, máy lọc nước không thuộc đối tượng áp dụng nêu trong QCVN 6-1:2010/BYT.

Cũng trên website karofi.com, nhiều sản phẩm máy lọc nước của Karofi cũng được quảng cáo đã đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT. Thậm chí, website này còn cho chạy dòng chữ “Đến hiện tại, Karofi là đơn vị ĐẦU TIÊN và DUY NHẤT đạt chuẩn quốc gia nước uống tinh khiết do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường – Bộ Y Tế chứng nhận”. Đồng thời, đăng tải cả logo chứng nhận QCVN 6-1: 2010/BYT.

Việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi quảng cáo sản phẩm máy lọc nước được chứng nhận đạt QCVN 6-1:2010/BYT không khỏi khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn về tính xác thực của thông tin quảng cáo này.

Bởi trên thực tế, QCVN 6-1:2010/BYT không áp dụng cho sản phẩm máy lọc nước. Vậy thông tin máy lọc nước của Karofi đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT có thật hay không? Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường có cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 6-1:2010/BYT cho sản phẩm máy lọc nước của Karofi? Nếu có, việc cấp chứng nhận này được tiến hành trên cơ sở nào, có đúng quy định pháp luật?

Quảng cáo máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT, Karofi có đang lừa dối người dùng?
Theo quảng cáo của Karofi, doanh nghiệp này là đơn vị đầu tiên và duy nhất có được chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT cho sản phẩm máy lọc nước.

Doanh nghiệp cần có bằng chứng, không nên quảng cáo theo kiểu ‘mập mờ”

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng nhận sản phẩm cho biết, QCVN 6-1:2010/BYT không áp dụng cho sản phẩm máy lọc nước, do đó, việc quảng cáo sản phẩm máy lọc nước đạt QCVN 6-1:2010/BYT là không phù hợp.

“Quy chuẩn QCVN 6-1: 2010/BYT không quy định đối tượng áp dụng là máy lọc nước. Vì vậy, việc cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 6-1: 2010/BYT cho sản phẩm máy lọc nước là khiên cưỡng, không phù hợp”, vị chuyên gia cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay, còn có trường hợp doanh nghiệp tự mang mẫu nước sau lọc đi thử nghiệm theo các chỉ tiêu của QCVN 6-1:2010/BYT sau đó tuyên bố đạt chứng nhận QCVN 6-1:2010/BYT. Việc này là sai quy định. "Nếu chỉ dựa vào kết quả kiểm nghiệm để tuyên bố sản phẩm đạt QCVN 6-1:2010/BYT là sai về luật và bản chất", vị chuyên gia nói.

Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên Báo Công Thương đã liên hệ, đặt lịch làm việc với Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Karofi.

Mặc dù cả hai đơn vị đã nhận giấy giới thiệu và hứa sẽ có phản hồi thông tin sớm. Tuy nhiên, đã nhiều ngày nay, cả hai đơn vị đều chưa có phản hồi.

Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo nghiêm cấm hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Tại khoản 7, Điều 109 Luật Thương mại nghiêm cấm hành vi quảng cáo sai sự thật về một trong các nội dung số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, xuất xứ hàng hóa, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của hàng hóa, dịch vụ.

Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng, cấm làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Phong Lâm

Theo: Báo Công Thương