Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Báo cáo 105/BC-UBND về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Báo cáo nêu, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5/2024 giảm 3,1% so tháng trước, nhưng tăng 22% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp toàn tỉnh tăng 9,1% so cùng kỳ. Trong đó tăng mạnh nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo (11,9%).
Trong đó, sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp đạt 30.600 chiếc (tăng 21,7%), vải dệt thoi từ sợi bông có tỷ trọng bông từ 85% trở lên (919.000 m2, tăng 11,3%)… nằm trong số những sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh có tăng trưởng cao nhất.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt 6.052 tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động thương mại đạt hơn 79.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 10,7%.
Sản phẩm sản xuất, lắp ráp ô tô nằm trong số những sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Quảng Nam ghi nhận tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm 2024 |
Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ở Quảng Nam khoảng 3,1 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế khoảng 1,87 triệu lượt, tăng 9%. Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 3.470 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 8.155 tỷ đồng.
Về tình hình đầu tư xây dựng, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 8.779,005 tỷ đồng (ngân sách TƯ 3.039,168 tỷ đồng; ngân sách địa phương 5.448,654 tỷ đồng). Tại 17/5/2024, giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Nam ở mức 1.271,942/8.779,005 tỷ đồng, đạt 14,5%.
5 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách Nhà nước tại Quảng Nam đạt 10.237 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ và bằng 43% dự toán năm 2024. Trong đó, thu nội địa đạt 8.612 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 1.596 tỷ đồng, đạt 46%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn khoảng 9.519 tỷ đồng, đạt 34% so với dự toán, bằng 132% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý chỉ sau 5 tháng đầu năm, có 619 doanh nghiệp tại Quảng Nam rút khỏi thị trường, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Nghĩa là bình quân mỗi ngày có hơn 4 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trong đó, có 562 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (+10,4%), 26 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (+23,8%) và 31 doanh nghiệp giải thể (+158,3%).
Ở chiều ngược lại, toàn tỉnh có 152 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký thành lập mới chỉ đạt khoảng 569 tỷ đồng, giảm đến 44,4% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới chỉ ở mức 3,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2023 đạt 6,7 tỷ đồng). Ngoài ra trong 5 tháng đầu năm, có 188 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giải pháp cải thiện chỉ số PCI Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam đã có kiến nghị lên UBND tỉnh này, về giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024. Trước đó vào đầu tháng 5/2024, VCCI đã công bố xếp hạng PCI năm 2023 và Quảng Nam nằm ngoài TOP 30, tụt hạng so với năm 2022. Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam kiến nghị tập trung cải thiện 2 chỉ số thành phần bị giảm điểm so với năm 2022 (tiếp cận đất đai và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp), trong đó cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh và sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Được biết sau khi nhận được kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở KHĐT chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu các kiến nghị này; rà soát, kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định. |
Cao Thái