Phát triển văn hoá còn chậm so với phát triển kinh tế Phát triển kinh tế đêm tại Quảng Trị: Sẽ triển khai đề án với kinh phí gần 15.000 tỷ đồng? |
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trên cơ sở 321 ý kiến nhất trí, 63 ý kiến tham gia của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng GDP
Theo đó, về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đồng ý với Mục tiêu tổng quát. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể như: Chăm lo các đối tượng chính sách; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và thể hiện như dự thảo Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (Ảnh:Quochoi.vn) |
Liên quan đến một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0 - 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
“Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết” - báo cáo nêu rõ.
Đối với các ý kiến đề nghị làm rõ tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2024 đang để thấp hơn năm 2023.
Theo báo cáo giải trình, công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn khó khăn do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng sản xuất dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô.
Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục diễn ra sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm do một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi.
"Dự kiến mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2024 khoảng 4,8% - 5,3%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% - 24,2% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và dự báo về tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động, vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thông tin.
Các nhóm giải pháp được điều chỉnh
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉnh sửa một số nội dung, giải pháp. Cụ thể, tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ nhất: Đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia; khai thác tối đa nguồn thu còn dư địa và có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả, bền vững. Đồng thời, trên cơ sở rà soát nội dung, để bảo đảm không trùng lặp, thuận tiện trong công tác theo dõi, giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chuyển nội dung về: “Cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ vướng mắc của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia”; “cho phép kéo dài nguồn kinh phí 03 chương trình mục tiêu quốc gia”; “Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm phân cấp trọn gói thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện” sang Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Toàn cảnh phiên họp chiều 9/11 (Ảnh:Quochoi.vn) |
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ hai, đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ, thị trường năng lượng; “khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành đầy đủ các định mức kinh tế - kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng, dịch vụ công”.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ ba, đã sửa đổi, bổ sung nội dung: “Khẩn trương ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp”; “đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ tư, đã sửa đổi, bổ sung nội dung: Thúc đẩy phát triển và quản lý chặt chẽ các thị trường thương mại điện tử, tiền tệ, chứng khoán, bảo hiểm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...; tăng cường liên kết giữa tổ chức kinh tế tập thể, “hợp tác xã” với các thành phần kinh tế.
Ngoài ra, các nhiệm vụ giải pháp về giáo dục, văn hóa - thể thao, tài nguyên - môi trường, biến đổi khí hậu, an ninh - quốc phòng cũng đã được tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.
Giữ nội dung như dự thảo Nghị quyết
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng giải trình một số nội dung. Trong đó, có ý kiến đề nghị chỉ đưa vào Nghị quyết các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được thực hiện trong năm 2024; đề nghị ghi rõ thời gian hoàn thành, khắc phục việc nói chung chung, hạn chế sử dụng các cụm từ “khẩn trương”, “sớm”, “tích cực”. Trên cơ sở định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sẽ xây dựng, ban hành Nghị quyết triển khai, trong đó sẽ cụ thể hóa cả về tiến độ, thời gian của các nhiệm vụ, giải pháp, giao cho các Bộ, ngành và địa phương, do đó, xin Quốc hội cho giữ nội dung như dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. NHNN cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Theo đó, xin Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Nghị quyết.
Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về: Quản lý hiệu quả hoạt động thương mại trên các nền tảng số; rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai; ban hành thủ tục xác nhận mức độ sử dụng năng lượng tái tạo; ban hành cơ chế về điện mặt trời áp mái; triển khai thí điểm mô hình nhà máy điện ảo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu...
Chiều 9/11, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024 với tỷ lệ tán thành đạt 90,49% (Ảnh:Quochoi.vn) |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng, đây là những vấn đề cụ thể, cần quan tâm, quyết liệt xử lý.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chủ động điều hành theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, một số nội dung sẽ được rà soát, nghiên cứu thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Do vậy, xin không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý, quan tâm, có giải pháp thực hiện các kiến nghị nêu trên.
Kết quả, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với tỷ lệ 90,49% đại biểu tán thành. |
Thu Hường