Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel, UPCoM: TVN) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 8.698 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng, lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 138 tỷ đồng, giảm mạnh 22%, kéo theo biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 1,58%.
Nhờ 2 quý đầu năm khởi sắc, VNSteel vẫn ghi nhận kết quả tích cực sau 3 quý. |
Về mảng tài chính, VNSteel báo cáo doanh thu tài chính đạt 49 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty cũng giảm nhẹ 7% xuống còn hơn 93 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm hơn 77 tỷ đồng.
Trong quý này, khoản lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết đạt 4,8 tỷ đồng, một sự cải thiện đáng kể so với khoản lỗ âm 118,5 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 16% và 10% so với năm trước, lần lượt ở mức 60,7 tỷ đồng và 162,8 tỷ đồng. Theo đó, VNSteel ghi nhận lỗ sau thuế gần 124 tỷ đồng trong quý 3/2024, giảm so với mức lỗ 172 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2024, VNSteel đạt doanh thu 26.538 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế đạt gần 115,4 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 453,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Kết quả tích cực này được đóng góp bới 2 quý đầu năm kinh doanh khởi sắc, với mức lợi nhuận sau thuế ở quý 1 và quý 2/2024 lần lượt ở mức 46 tỷ đồng và 193 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của VNSteel đạt mức tăng 3,6% so với đầu năm, tương đương với việc gia tăng thêm 900 tỷ đồng. Tài sản chủ yếu của công ty là các tài sản dở dang dài hạn với giá trị 6.864,5 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tài sản. Theo thuyết minh, dự án cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn 2 ghi nhận chi phí xây dựng cơ bản dở dang 6.797 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với hồi đầu năm. Ngoai ra, tồn kho của công ty ghi nhận 4.514,2 tỷ đồng, chiếm 18,5% tổng tài sản.
Về vốn chủ sở hữu, tính đến cuối quý 3/2024, VNSteel đạt hơn 9.276 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 1.864 tỷ đồng. Công ty cũng ghi nhận khoản nợ vay tài chính ở mức 9.430 tỷ đồng, cao hơn gần 2% so với vốn chủ sở hữu.
Triển vọng ngành thép trong nước
Sau giai đoạn khó khăn chung của ngành thép toàn cầu, thị trường thép trong nước đang dần đón nhận những tín hiệu tích cực về triển vọng phục hồi. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng 1,7% vào năm 2024, đạt 1.793 triệu tấn và tiếp tục tăng thêm 1,2% trong năm 2025, lên 1.815 triệu tấn. Đây là nền tảng để ngành thép Việt Nam kỳ vọng vào sự hồi sinh trong thời gian tới.
Trong nước, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, từ nửa cuối năm 2024, sản lượng tiêu thụ nội địa có dấu hiệu phục hồi nhờ vào sự hồi sinh của lĩnh vực bất động sản nhà ở và nhiều dự án mới được cấp phép. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng dự báo, sản xuất thép trong năm 2024 sẽ tăng khoảng 10% và tiếp tục tăng 8% vào năm 2025 khi nhu cầu sử dụng thép trong các ngành kinh tế trong nước được thúc đẩy mạnh mẽ. Đáng chú ý, sự gia tăng đầu tư công trong các dự án hạ tầng giao thông sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nhu cầu thép.
Cũng trong báo cáo mới đây của Chứng khoán MB (MBS) công bố cuối tháng 9, tiêu thụ thép nội địa trong quý 3/2024 đã trở thành điểm sáng với mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là thép xây dựng đạt mức tăng ấn tượng 25%. MBS nhận định, biên lợi nhuận gộp toàn ngành sẽ được cải thiện khi giá nguyên vật liệu giảm mạnh, bao gồm than giảm 17% và quặng giảm 12%, trong khi giá thép xây dựng cũng giảm khoảng 9%.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp thép trong nước đang trông đợi cơ hội giành thêm thị phần từ thị trường trong quý 4/2024, khi thuế chống bán phá giá dự kiến sẽ được áp dụng từ tháng 12/2024. Theo KBSV, triển vọng tăng trưởng từ năm 2025 đến 2027 của ngành thép rất tích cực, nhờ sự hồi phục nhu cầu nội địa từ nửa cuối năm 2024, sản lượng gia tăng khi các nhà máy mới đi vào hoạt động và thị trường bất động sản Trung Quốc cũng có dấu hiệu hồi phục chậm từ năm 2025.
Triển vọng ngành thép đang mở ra nhiều kỳ vọng, không chỉ từ nhu cầu trong nước mà còn từ các yếu tố hỗ trợ quốc tế, tạo động lực để các doanh nghiệp ngành thép sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển ổn định hơn trong những năm tới.
Kết quả kinh doanh quý 3 Novaland: Nhiều chuyển động tích cực sau hơn 20 tháng tái cấu trúc Ngày 30/10/2024, Novaland (HoSE: NVL) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với nhiều chuyển động tích cực trong công tác đẩy mạnh thi ... |
Hòa Phát ghi nhận lãi lớn trong quý III/2024, dự án 85.000 tỷ đồng sắp được vận hành Hòa Phát ghi nhận doanh thu quý III/2024 đạt gần 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.022 tỷ, tăng 51%. Dự án Dung Quất ... |
Phạm Hường