Mới đây, Quỹ Đầu tư Khám phá Giá trị Việt Nam (VVDIF) thông báo đã mua 2,8 triệu cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán Everest (HNX: EVS), chiếm 93,3% khối lượng đã đăng ký trước đó. Giao dịch bắt đầu được thực hiện từ ngày 22/9. VVDIF cho biết do điều kiện thị trường chưa phù hợp nên quỹ đầu tư chỉ mua được 2,8 triệu cổ phiếu EVS trong số 3 triệu cổ phiếu đã đăng ký.
Sau giao dịch, quỹ đầu tư này tăng sở hữu tại EVS từ 1,77 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1,72%) lên gần 4,6 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,44%.
Về mối liên hệ, ông Nguyễn Hải Châu vừa là Chủ tịch HĐQT EVS vừa là Phó Chủ tịch HĐQT của quỹ đầu tư VVDIF. Cá nhân ông Châu đang sở hữu 3 triệu cổ phiếu EVS, tương đương tỷ lệ 2,91%.
Bên cạnh đó, ông Vũ Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT EVS đồng thời là Chủ tịch HĐQT quỹ VVDIF, đang là cổ đông lớn của Công ty với tỷ lệ sở hữu 9,71%, tương đương 10 triệu cổ phiếu.
Đóng cửa phiên thực hiện giao dịch 22/09/2022, giá cổ phiếu EVS chốt ở mức 19.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 56% so với mức đỉnh 43.200 đồng/cổ phiếu đầu tháng 2 năm nay. Chiếu theo mức giá này, ước tính quỹ đầu tư đã chi hơn 53 tỷ đồng để gia tăng sở hữu.
Diễn biến giá cổ phiếu EVS thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Hồi cuối tháng 9 vừa qua, Chứng khoán Everest đã công bố thông tin nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục thuế TP Hà Nội. Theo đó, EVS bị xử phạt do: Kê khai nhầm chỉ tiêu trên tờ khai thuế GTGT; kê khai giảm doanh thu không chịu thuế tiền nợ của khách hàng không đúng quy định nhưng không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp; hạch toán thiếu doanh thu, thừa chi phí.
Thêm nữa, công ty chứng khoán này còn khai sai chỉ tiêu số thuế TNCN đã khẩu trừ trên tờ khai quyết toán thuế TNCN 2021 nhưng không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp; kê khai thiếu mã số thuế của cá nhân. Với các lỗi trên, tổng số tiền thuế truy thu, tiền phạt và tiền chậm nộp đối với Chứng khoán Everest là hơn 215 triệu đồng.
Ngoài ra, EVS chi nhánh Bà Triệu cũng bị Cục thuế TP Hà Nội xử phạt. Nguyên nhân do Chi nhánh này đã kê khai nhầm chỉ tiêu doanh thu bán ra không chịu thuế nhưng không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này còn khai sai chỉ tiêu số thuế TNCN đã khẩu trừ trên tờ khai quyết toán thuế TNCN 2021 nhưng không ảnh hưởng đến số thuế phải nộp; kê khai thiếu mã số thuế của cá nhân. Tổng số tiền phạt EVS chi nhánh Bà Triệu là 13,1 triệu đồng.
Cũng trong tháng 9, EVS vừa bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do sai phạm trong việc tư vấn phát hành trái phiếu và công bố thông tin, liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp thuộc "họ" Tân Hoàng Minh.
Cụ thể, EVS bị xử phạt 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được.
EVS là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán cho Công ty CP Cung điện Mùa Đông (CĐMĐ) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu WTPCH2125003. Tuy nhiên, EVS chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP).
Cụ thể, Tại mục III.B Bản Công bố thông tin (CBTT) của CĐMĐ về việc đáp ứng các điều kiện chào bán trái phiếu của CĐMĐ ghi nhận “CĐMĐ thực hiện thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành”. Tuy nhiên, tại mục II.4 Bản CBTT của CĐMĐ (trang 22) nêu nội dung về tình hình thanh toán gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán các khoản nợ đến hạn trong 3 năm liên tiếp trước đợt phát hành như sau: Trong 3 năm trước đợt chào bán, CĐMĐ đã phát hành 2 mã trái phiếu WTPCH2124001, WTPCH2124002 với tổng trị giá 450 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 30/11/2021 chưa kết thúc các đợt phát hành này và chưa phát sinh nợ gốc, lãi trái phiếu.
Như vậy, thông tin tại mục III.B Bản CBTT về việc “CĐMĐ thực hiện thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành” là không đảm bảo chính xác so với thông tin nêu tại mục II.4 Bản CBTT; (ii) Tại điểm 3.1 mục II Bản CBTT của CĐMĐ (trang 18, 19) đưa ra thông tin về các hoạt động kinh doanh chủ yếu của CĐMĐ, trong đó nêu một số dự án CĐMĐ đã và sắp triển khai. Đối với dự án sắp triển khai là Dự án Khu Du lịch phức hợp Hoàng Hải (Vị trí: Khu 6, khu phức hợp Bãi Trường, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), tại EVS không có hồ sơ, tài liệu thể hiện vai trò của CĐMĐ liên quan đến Dự án này.
Ngoài ra, EVS bị phạt thêm 150 triệu đồng do báo cáo có nội dung sai lệch. Căn cứ theo Biên bản nghiệm thu và thanh lý Hợp đồng dịch vụ đại lý phát hành trái phiếu riêng lẻ ngày 25/02/2022 được ký giữa EVS và CĐMĐ, tính đến thời điểm ký kết Biên bản nghiệm thu và thanh lý hợp đồng (ngày 25/2/2022), tổng giá trị trái phiếu WTPCH2125003 do EVS chào bán thành công tính theo mệnh giá trái phiếu phát hành là: 0 đồng. Tuy nhiên, EVS đã báo cáo sai lệch về khối lượng trái phiếu CĐMĐ chào bán thành công do EVS làm đại lý phát hành và phương thức phát hành của trái phiếu CĐMĐ, cụ thể: tại Báo cáo định kỳ tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp số 51A/2022/EVS ngày 13/1/2022 (kỳ báo cáo quý IV/2021) và số 69/2022/EVS ngày 25/1/2022 (kỳ báo cáo năm 2021) của EVS gửi UBCKNN, EVS báo cáo CĐMĐ đã phát hành 3.220/3.230 tỷ đồng trái phiếu WTPCH2125003 vào ngày 01/12/2021 theo phương thức đại lý phát hành; nội dung này tại Báo cáo số 206/2022/EVS ngày 15/4/2022 (kỳ báo cáo quý I/2022) là 10/3.230 tỷ đồng trái phiếu WTPCH2125003 vào ngày 16/12/2021 theo phương thức đại lý phát hành;
Tại Báo cáo số 210/2022/EVS ngày 15/4/2022 về tình hình đăng ký, lưu ký trái phiếu (kỳ báo cáo Quý 1/2022) gửi HNX, EVS báo cáo các số liệu về mã trái phiếu WTPCH2125003 như sau: khối lượng trái phiếu đăng ký trong kỳ là 0,01 tỷ đồng, khối lượng trái phiếu lưu ký trong kỳ là 0,01 tỷ đồng, khối lượng trái phiếu đăng ký tính tại thời điểm cuối kỳ là 3230 tỷ đồng, khối lượng trái phiếu lưu ký tại thời điểm cuối kỳ là 3230 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 210/2022/EVS ngày 15/4/2022 của EVS gửi Đoàn kiểm tra thì các số liệu nêu trên đều bằng 0.
Tại Báo cáo số 207/2022/EVS ngày 15/4/2022 về cơ cấu nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu (kỳ báo cáo Quý 1/2022) gửi HNX, EVS báo cáo số lượng nhà đầu tư nắm giữ mã trái phiếu WTPCH2125003 là 2 nhà đầu tư tổ chức trong nước. Tuy nhiên, tại bản văn bản số 207/2022/EVS ngày 15/4/2022 của EVS báo cáo Đoàn kiểm tra này thì số liệu này là 0).
Với những lỗi vi phạm trên, EVS bị phạt tổng số tiền 400 triệu đồng. Công ty cũng buộc phải cải chính thông tin để khắc phục hậu quả.
Chứng khoán Everest tiền thân là CTCP Chứng khoán Đại Dương, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán. Công ty đã niêm yết cổ phiếu EVS từ cuối tháng 6/2019 và hiện đang có vốn điều lệ 1.030 tỷ đồng Về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2022 đã soát xét, 6 tháng đầu năm, Chứng khoán Everest ghi nhận doanh thu hoạt động gần 650,5 tỷ đồng, tăng 72,18% so với cùng kỳ năm ngoái; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế giảm 20,3%, đạt xấp xỉ 142 tỷ đồng. |
Linh Đan