Chính phủ sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu Việt Nam thu hút gần 4,29 tỉ USD dòng vốn FDI |
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài để hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư (Ảnh minh hoạ) |
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài để hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư.
Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và xin ý kiến gồm 4 chương và 22 điều. Nghị định hướng dẫn chi tiết về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư; Quỹ áp dụng đối với các doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam và các tổ chức, cá nhân có liên quan; Quỹ Hỗ trợ đầu tư là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có chức năng hỗ trợ đầu tư, khuyến khích, thu hút đầu tư tại Việt Nam và do Thủ tướng Chính phủ thành lập.
Quỹ hoạt động theo nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận; Quỹ chịu trách nhiệm trong phạm vi hỗ trợ của mình; Quỹ hỗ trợ đúng đối tượng và đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định. Mục tiêu hoạt động của Quỹ nhằm ổn định môi trường đầu tư; Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến cho Nghị định vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn đã tham dự. Điển hình là bà Virginia Foote, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham); ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM); ông Takeo Nakajima, Trưởng Văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp FDI như Samsung, LG, Intel, Nidec, Canon…
Được biết, đa số các đại biểu tham dự đều thống nhất, việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư là cần thiết và kịp thời trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời khẳng định, nếu Nghị định được ban hành sẽ góp phần ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư; đánh giá cao tinh thần của Nghị định là không có sự phân biệt, đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp.
Tại sự kiện, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào các nội dung cụ thể của Dự thảo như: Phạm vi, điều kiện, đối tượng được hỗ trợ; các tiêu chí, điều kiện theo từng dự án; hình thức hỗ trợ; thủ tục hỗ trợ đầu tư; nguyên tắc ưu đãi và hỗ trợ đầu tư…
Quỹ Hỗ trợ đầu tư được thành lập sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam thu hút được những tập đoàn đa quốc gia (Ảnh minh hoạ) |
Trước đó, trao đổi với báo chí về thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tại Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu quan điểm, cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; và ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cần phải bảo đảm 6 mục tiêu và yêu cầu, bao gồm: Thứ nhất, bảo đảm sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam; Thứ hai, cần có tính chọn lọc, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và phát triển ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; Thứ ba, tác động tối thiểu đến ngân sách nhà nước; Ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, hài hòa cho các đối tượng áp dụng, bao gồm doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nhà đầu tư mới cả ở trong nước và nước ngoài; Thứ tư, phù hợp với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu thuộc Trụ cột 2 và hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); Thứ năm, không vi phạm các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Thứ sáu, bảo đảm tính khả thi, dễ thực hiện.
Nguyễn Hòa