Quý III bứt tốc, Ricons tiến sát mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ, nợ vay tăng vọt

07/11/2022 - 20:34
(Bankviet.com) Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons là doanh nghiệp xây dựng hiếm hoi cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng dương trong quý III.
Quý III ảm đạm của Coteccons, biên lãi gộp chỉ 1,05%, lỗ trước thuế 3 tỷ

Giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh

Quý III/2022, doanh thu của Ricons tăng mạnh 84% so với cùng kỳ năm trước - đạt 3.591 tỷ đồng, chỉ theo sau Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (3.778 tỷ đồng) và vượt qua “người họ hàng cũ” Coteccons (3.113 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp tăng 75%, đạt 70 tỷ đồng. Song do giá vốn tăng cao nên biên lợi nhuận gộp giảm từ 2,05% xuống 1,9%.

Trong quý, hoạt động tài chính khá sôi nổi khi ghi nhận doanh thu tăng vọt hơn 3 lần, đạt 26 tỷ đồng, do Ricons ghi nhận thêm 13 tỷ đồng khoản cổ tức được chia. Đáng chú ý, công ty phát sinh 5 tỷ đồng chi phí tài chính, đều là chi phí lãi vay, cùng kỳ không ghi nhận khoản này. Chi phí quản lý cũng tăng 52%, đạt 44 tỷ đồng.

Kết quý III, lợi nhuận trước thuế của Ricons “phi mã" 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 43 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận của Ricons đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ nă,m trước. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 67%, đạt 8.356 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp giảm 5%, đạt 173 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng giảm mạnh từ 3,65% còn 2,07%.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng thêm 20 tỷ đồng, đạt 49 tỷ đồng. Công ty phát sinh thêm 12 tỷ đồng chi phí lãi vay, còn các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Bên cạnh đó, Ricons có thêm 15 tỷ đồng lợi nhuận khác, tăng đột biến gấp 7 lần. Khép lại 9 tháng, công ty có 103 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 26%. Lợi nhuận sau thuế đạt 80,5 tỷ đồng, tăng 29%.

Ricons kết quả kinh doanh
Khả năng năm 2022, Ricons sẽ lần đầu tiên chạm ngưỡng 10.000 tỷ đồng doanh thu. Ảnh minh hoạ: Ricons

Năm 2022, Ricons đặt kế hoạch doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 100 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 25% so với thực hiện trong năm 2021. Với kết quả kinh doanh 9 tháng này, Ricons có khả năng sẽ lần đầu tiên chạm đến ngưỡng 10.000 tỷ đồng doanh thu – điều mà Coteccons đã làm được từ năm 2015 và Hòa Bình làm được từ 2016.

Chất lượng tài sản ở mức khá

Không chỉ có tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng tài sản của Ricons khá tốt so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác. Tính tới ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Ricons tăng 19% so với đầu năm, đạt 6.515 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền tăng mạnh 98%, đạt 593 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (là trái phiếu có kỳ hạn dưới 1 năm và tiền gửi ngân hàng) tăng 4 lần, đạt 990 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý trong cơ cấu tổng tài sản của Ricons là các khoản phải thu ngắn hạn, dù chiếm quá nửa tổng tài sản (57%) nhưng đã giảm so với giai đoạn trước, đạt 3.728 tỷ đồng ( giai đoạn 2020 - 2021 khoản phải thu lần lượt chiếm 69% và 80% tổng tài sản). Đại đa số tập trung tại khoản “phải thu ngắn hạn của khách hàng” (3.208 tỷ đồng). Đây là khoản mục ghi nhận phần việc Ricons đã hoàn thành, đã lập hóa đơn, chỉ chờ khách hàng thanh toán.

Thêm nữa Ricons không để xảy ra tình trạng tồn đọng công nợ phải thu lớn. Dự phòng phải thu ngắn hạn của công ty cao nhất chỉ ở mức 19 tỷ đồng, trong khi ở nhiều doanh nghiệp khác lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc quý III/2022 là 4.880 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm, hầu hết là nợ ngắn hạn. Trong cơ cấu nợ phải trả của Ricons, chiếm 55% là các khoản phải trả (phải trả người bán ngắn hạn và người mua trả tiền trước ngắn hạn), đạt 2.697 tỷ đồng. Về bản chất, đây là khoản tiền/giá trị Ricons đã chiếm dụng được của đối tác.

Một điểm lưu tâm là nợ vay ngắn hạn của Ricons đã tăng gấp đôi so với đầu năm, đạt 548 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả đã tăng từ 1,6 lần lên 2 lần.

Dòng tiền kinh doanh 9 tháng của Ricons khá đẹp, dương 658,5 tỷ đồng (cùng kỳ âm 220,5 tỷ đồng); nguyên nhân do tăng các khoản phải trả (659 tỷ đồng). Đáng chú ý, trong kỳ, dòng tiền vay/trả của công ty tăng mãnh liệt, đạt 860 tỷ đồng/551 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ công ty chỉ đi vay 5 tỷ đồng. Tăng cường vay mượn cũng chính là nguyên nhân khiến chi phí lãi vay của công ty tăng đột biến (như trên đã phân tích).

Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 293 tỷ đồng, giúp lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng lên 593 tỷ đồng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.

Hải Thu

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán