Đó là nhận định của đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh về 3 vấn đề quan trọng: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực của nước ra trong giai đoạn hiện nay.
Thế giới đang tiến tới 5.0 thì Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn của nền công nghệ 2.0
Đóng góp ý kiến về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, thành tựu lớn trong thời gian qua là nước ta là đã chống chịu và vượt qua đại dịch, vững vàng trước những biến động toàn cầu, tiếp tục phục hồi, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, chưa mang lại thay đổi đáng kể về cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng; tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế thực hiện chậm, có nguy cơ bỏ lỡ các cơ hội phát triển.
"Thể chế, hạ tầng và nhân lực là 3 vấn đề cần cải cách nhanh hơn. Hiện thể chế, hạ tầng và nhân lực nước ta vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn của nền công nghệ 2.0, 3.0, trong khi thế giới đang ở giai đoạn cuối của cách mạng 4.0 và tiến tới 5.0", đại biểu Nghĩa nói.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần tham gia tích cực và sâu rộng vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam phải xây dựng xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số, vượt thoát bẫy thu nhập trung bình và bẫy nợ công, thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, thoát khỏi mô hình chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, lao động gia công giá rẻ.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, trong khi đất nước đang nỗ lực đồng hành với thế giới trong cuộc cách mạng số thì nhiều nội dung trong thể chế, hạ tầng, nhân lực vẫn còn chưa đạt được tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của nền công nghệ 2.0, 3.0. Việt Nam vẫn chưa có thể chế, hạ tầng nhân lực cơ bản của một quốc gia công nghiệp hóa. Do vậy, đại biểu Nghĩa cho rằng, cần quyết liệt “thanh toán những món nợ” về thể chế, hạ tầng, nhân lực của các giai đoạn phát triển trước mà chúng ta còn thiếu, việc này cũng quan trọng không kém các nỗ lực số hóa nền kinh tế.
Bỏ “chiếc áo” thể chế đã quá “chật”, tạo đột phá hạ tầng và đầu tư nhân lực chất lượng cao
Về mặt thể chế, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế để đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được những quy định pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời phải gỡ bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ, công chức và doanh nghiệp. Bởi theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, “thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị cần nghiên cứu và đặt ra giới hạn về tần suất, phạm vi các cuộc thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, cần bổ sung ngay chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đồng thời, phải triển khai thiết thực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, đang làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa qua các quy định về vấn đề này. Trong thời điểm khủng hoảng thì giải pháp kinh điển trực diện có thể phát huy hiệu quả trực tiếp, nhanh nhất là bơm tiền của nền kinh tế.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, trước những chuyển dịch địa chính trị, địa kinh tế và cạnh tranh chiến lược trên thế giới, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã chủ động triển khai những hoạt động đối ngoại đỉnh cao ở tầm chiến lược để có thể hóa giải các thách thức và triển khai việc xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đối với tất cả cường quốc lớn. Các kết quả hoạt động đối ngoại trong thời gian qua đã là một minh chứng khẳng định sự tôn trọng của các nước lớn và cộng đồng quốc tế đối với vị thế, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và uy tín cá nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Và điều đó đã mở ra cho chúng ta những cơ hội để trở thành trung tâm, nơi đối thoại của các đối thoại hòa bình và là điểm đến của các dòng dịch chuyển về thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới.
Đồng tình với ý kiến cần cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa nhưng đại biểu Trần Hữu Hậu - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng cần xem xét kĩ và có cách làm khác đối với đề xuất thể chế hóa việc bảo vệ cán bộ, doanh nghiệp, dám nghĩ, dám làm. Đại biểu Trần Hữu Hậu nêu rõ, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Theo đó, cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm là những người trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ đã đề xuất và thực hiện những việc nhằm tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đại biểu của đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, việc quyết liệt rà soát hàng trăm văn bản để tìm ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc theo Nghị quyết 101/2023/QH15 là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các quy định xử lý những vướng mắc, tồn tại từ nhiều năm, tạo hành lang pháp lý cho cán bộ ta an tâm hơn, chủ động hơn trong thực thi công vụ. Tuy nhiên, thực tế luôn biến động, chất lượng xây dựng pháp luật lúc này lúc khác chưa cao, những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn mới sẽ phát sinh. Do đó, cần tìm những phương thức xây dựng pháp luật phù hợp.
Đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Ban hành quy phạm pháp luật theo hướng cho phép trình và thông qua Quốc hội một luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật chỉ với một hoặc một vài nội dung cụ thể theo quy trình, thủ tục ngắn gọn trong một kỳ họp. Điều này sẽ đáp ứng yêu cầu cơ bản trong xây dựng pháp luật là luật phải xây dựng từ thực tiễn, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của thực tiễn để phát huy cao nhất tiềm lực phát triển đất nước.
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng cho rằng cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế. Cần coi thể chế như một nguồn lực, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng, cần đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ Nhà nước – thị trường. "Việc các địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy cái áo thể chế của chúng ta đã quá chật hẹp, cần rà soát đồng bộ để có đổi mới toàn diện thay vì vá víu một cách ngắn hạn", đại biểu Lê Thanh Vân nói.
Về hạ tầng, chỉ ra những tồn tại về mặt thể chế trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là tạo đột phá về hạ tầng giao thông, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng một số dự luật, đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc, chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế. Qua rà soát, nhiều văn bản pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, đấu giá, tài sản công, tài chính…
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc, bất cập, chủ động đề xuất xem xét, điều chỉnh, bổ sung, thay thế kịp thời để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khai thông nguồn lực, tạo điều kiện đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội.
Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cũng cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số gắn với triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Về nhân lực, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhấn mạnh việc cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính phủ cần tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài và xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc.
Đánh giá cao việc Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng dự thảo về thu hút nhân lực chất lượng, đại biểu Lê Thanh Vân mong sớm có đạo luật để có quy tắc chung cho toàn xã hội trong vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng việc tập trung cải thiện, nâng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng tình với việc cần tập trung nâng cao năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng đây là vấn đề cốt lõi của Việt Nam hiện nay, là nhiệm vụ cấp bách, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Nếu không tạo được năng suất lao động đột phá trong 3 đến 5 năm tới, Việt Nam khó vượt qua bẫy thu nhập trung bình, mục tiêu đạt thu nhập cao trước khi dân số già đi khó thành hiện thực.
Tuy nhiên, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp chỉ tiêu quan trọng này không đạt được mục tiêu đề ra giai đoạn 2021 – 2025. Với tầm quan trong và tính cấp bách của việc nâng cao năng suất lao động, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ quan tâm xây dựng và khẩn trương triển khai hiệu quả các giải pháp nâng cao năng suất lao động để nước ta đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, thịnh vượng và bao trùm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cũng nhận định cần đầu tư hiệu quả vào yếu tố con người bởi con người là yếu tố rất quan trọng, quyết định thành bại của mọi chính sách khác. Các chính sách lớn chậm được triển khai, lúng túng trong thực hiện thì nguyên nhân chính là do nguồn lực thực hiện còn hạn chế, năng suất lao động thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, nguồn nhân lực thiếu và yếu trong một số ngành mũi nhọn.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy đề nghị cần đầu tư nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào yếu tố con người, thực hiện hiệu quả các chính sách về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa cho giáo dục và đào tạo, xây dựng chính sách phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, khơi dậy sức mạnh dân tộc, tinh thần yêu nước và khát vọng vươn lên của người Việt, tạo nền tảng bền vững và lâu dài cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Minh Nhật