Phân kỳ thực hiện quy hoạch đô thị, nông thôn theo từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội Vì sao quy hoạch đô thị và nông thôn đang đứng trước thách thức lớn? |
Ngày 31/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học rà soát dự thảo Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Minh Khôi |
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, đây là lần đầu tiên quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xây dựng theo Luật Quy hoạch. Trước đây, trong từng giai đoạn đều có định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị, nông thôn.
Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn được xác định là quy hoạch ngành quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành lĩnh vực quản lý phát triển hệ thống đô thị, nông thôn theo mô hình "mạng lưới" trên cơ sở kết nối các ngành, vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Quan điểm hàng đầu của quy hoạch là phát triển đô thị trở thành động lực, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Nông thôn là nền tảng để phát triển bền vững đô thị. Không gian đô thị, nông thôn gắn với không gian, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, có trọng tâm, trọng điểm, gắn kết hiệu quả với hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia.
Theo đó, hệ thống đô thị phát triển theo chuỗi, dài và chùm đô thị; tập trung tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực chất lượng cao và các tiềm năng, lợi thế khác để hình thành vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các đô thị vừa và nhỏ, đô thị miền núi và hải đảo, thúc đẩy đô thị hóa nông thôn.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Số lượng đô thị toàn quốc khoảng 1.000 - 1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 85%.
Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh….
Khu vực nông thôn có môi trường sống kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị, văn minh, xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị.
Phát biểu tại cuộc họp, các ý kiến đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định mục tiêu, chiến lược phát triển để làm căn cứ xây dựng hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn có sức sống, thống nhất, đồng bộ, không xung đột với các quy hoạch khác. Việc quy hoạch phải tạo thành chuỗi đô thị, vùng nông thôn có đặc trưng riêng, phù hợp với lịch sử, địa hình, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội…
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, xây dựng quy hoạch đô thị, nông thôn là nhiệm vụ mới, lần đầu tiên được triển khai. Bộ Xây dựng phải làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học và mối quan hệ của quy hoạch đô thị, nông thôn với các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh.
Đồng thời, rà soát, đánh giá tác động của phương pháp lập quy hoạch đô thị, nông thôn đối với các quy hoạch liên quan đã được phê duyệt; công tác quản lý, sử dụng các sản phẩm của quy hoạch (quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết). Trong quy hoạch cũng cần xác định rõ vai trò, vị trí, phạm vi của khu vực nông thôn đối với quá trình đô thị hóa.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê quyệt.