Rời rổ VN30, cổ phiếu này lộ rõ điểm yếu của các mã thiên về phòng thủ?
Cổ phiếu này bị loại khỏi rổ VN30 do không đạt tiêu chí thanh khoản, lộ rõ điểm yếu của nhóm cổ phiếu phòng thủ.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa qua đã công bố kết quả rà soát chỉ số VN30 quý II/2025, trong đó cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt chính thức bị loại khỏi danh mục, nhường chỗ cho DGC. Đây là kết quả không gây nhiều bất ngờ khi nhiều công ty chứng khoán trước đó đã đưa ra dự báo tương tự, dựa trên bộ tiêu chí mới được HoSE áp dụng.

Theo phiên bản 4.0 của bộ nguyên tắc xây dựng chỉ số, các cổ phiếu trong rổ VN30 phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu về thanh khoản. Trong đó, BVH chỉ đạt giá trị giao dịch trung bình khoảng 26 tỷ đồng/phiên trong 12 tháng qua – thấp hơn ngưỡng tối thiểu 30 tỷ đồng mà HoSE quy định. Việc bị loại ra khỏi rổ chỉ số dẫn đến việc các quỹ ETF mô phỏng VN30 có thể bán ra khoảng 310.000 cổ phiếu BVH trong kỳ cơ cấu lần này, đồng thời mua vào gần 2 triệu cổ phiếu DGC.
BVH từng được xem là cổ phiếu tiêu biểu của ngành bảo hiểm trên thị trường chứng khoán, là một trong số ít mã ngành này có mặt trong VN30 suốt thời gian dài. Việc rời khỏi chỉ số không chỉ làm mất đi vị thế biểu tượng mà còn làm nổi bật một thực tế: những giới hạn nội tại trong việc tiếp cận dòng tiền thị trường vẫn đang là điểm nghẽn lớn với cổ phiếu này.
Một trong những nguyên nhân chính khiến BVH khó cải thiện thanh khoản là cơ cấu sở hữu quá cô đặc. Hơn 90% cổ phần đang nằm trong tay ba cổ đông lớn: Bộ Tài chính nắm 65% vốn điều lệ (482 triệu cổ phiếu), SCIC nắm gần 3%, và cổ đông chiến lược Sumitomo Life đến từ Nhật Bản nắm hơn 22%. Điều đó đồng nghĩa, chỉ còn khoảng 74 triệu cổ phiếu BVH thực sự “tự do chuyển nhượng” trên thị trường – phần lớn thuộc về các nhà đầu tư cá nhân. Với tỷ lệ tự do lưu hành (free float) quá thấp, việc hình thành mặt bằng thanh khoản đủ lớn trở nên rất khó khăn.
Tập đoàn Bảo Việt từng chia sẻ kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước về còn 51% sau năm 2026, thông qua các phương án tăng vốn hoặc phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, kế hoạch vẫn còn nằm trên giấy và chưa có lộ trình cụ thể. Ngay cả khi triển khai, phần lớn lượng cổ phiếu mới phát hành nhiều khả năng sẽ lại rơi vào tay các tổ chức lớn, chứ không trực tiếp cải thiện tính thanh khoản cho thị trường tự do. Thêm vào đó, quy định "giam lệnh" với cổ phiếu riêng lẻ cũng khiến việc cải thiện thanh khoản trở nên chậm chạp.
Không chỉ vì yếu tố sở hữu, bản thân ngành bảo hiểm cũng không phải là “đất diễn” của dòng tiền đầu cơ. Theo giới phân tích, cổ phiếu bảo hiểm thường được xếp vào nhóm phòng thủ, phù hợp với nhà đầu tư dài hạn hơn là những người ưa thích giao dịch ngắn hạn. So với các nhóm cổ phiếu sôi động như ngân hàng, chứng khoán hay bất động sản – vốn dễ tạo sóng và thu hút dòng tiền nhanh – nhóm bảo hiểm nói chung và BVH nói riêng hiếm khi ghi nhận đột biến về giá.
Thống kê cho thấy khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất của BVH hiện chỉ hơn 450.000 đơn vị, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung các cổ phiếu bluechip. Trong khi đó, đà phục hồi của BVH cũng khá khiêm tốn. Dù đã tăng khoảng 36% từ đáy tháng 4/2025 (39.100 đồng/cổ phiếu) lên 52.400 đồng/cổ phiếu hiện nay, nhưng nếu tính từ đầu năm, mức tăng của BVH chỉ khoảng 4% – kém xa mức tăng hai con số của VN-Index và nhiều mã trong rổ VN30.

Việc bị loại khỏi rổ chỉ số quan trọng nhất thị trường cho thấy sự chuyển hướng rõ nét của nhà đầu tư – từ những cổ phiếu phòng thủ thiên về sự ổn định sang các cổ phiếu tăng trưởng có thanh khoản tốt hơn. Trong bối cảnh dòng tiền đang dồi dào và thị trường hướng đến việc vượt đỉnh lịch sử, những cổ phiếu như BVH có thể sẽ tiếp tục bị “bỏ lại phía sau”, nếu không có sự chuyển mình quyết liệt về chiến lược tài chính lẫn cấu trúc cổ đông.