Đô la Mỹ (USD) chiếm một tỷ trọng quá lớn trong hoạt động ngân hàng xuyên biên giới toàn cầu, dự trữ ngoại hối, giao dịch tiền tệ, vốn tài trợ bên ngoài và là đồng tiền thanh toán cho các đơn hàng. Đối với ASEAN+3, hơn 80% vận đơn thương mại được tính bằng USD, trong khi hơn một nửa tài sản và nợ phải trả xuyên biên giới của các ngân hàng được tính bằng đồng USD. Gần 85% các giao dịch tiền tệ ASEAN+3 thực hiện bằng đồng USD và các ngân hàng trung ương châu Á - Thái Bình Dương phân bổ 68% dự trữ của mình cho các tài sản bằng đồng USD. Mặc dù mức độ rủi ro thương mại và đầu tư của ASEAN+3 với Mỹ đã giảm trong thập kỷ qua, nhưng sự thống trị của đồng USD trong các hoạt động xuyên biên giới vẫn còn nguyên vẹn.
Sự thống trị của đồng USD trong vốn huy động từ bên ngoài của ASEAN+3 vượt xa thương mại trực tiếp, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các liên kết đầu tư danh mục với Mỹ. Phân tích thống kê cho thấy, tỷ trọng của một loại tiền tệ trong vốn huy động từ bên ngoài chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tỷ trọng lịch sử của nó, phản ánh quán tính trong lựa chọn tiền tệ. Các điểm đến xuất khẩu và nguồn danh mục đầu tư trong nước cũng tác động đến việc lựa chọn tiền tệ cho nguồn vốn huy động từ bên ngoài.
Chuỗi cung ứng USD - cách mà đồng USD lưu thông - trong hệ thống tài chính ASEAN+3 rất phức tạp, với dòng tiền vào từ xuất khẩu và phát hành trái phiếu USD và dòng tiền ra từ nhập khẩu và trả nợ bằng đồng USD. Các trung gian tài chính phi ngân hàng, chẳng hạn như các nhà đầu tư tổ chức và các nhà quản lý tài sản, cung cấp các dịch vụ chuyển đổi rủi ro tín dụng, đáo hạn và tiền tệ, trong khi các ngân hàng cung cấp các khoản vay, tiền gửi và dịch vụ quản lý rủi ro bằng USD, thường giữ lại một số rủi ro về tiền tệ và kỳ hạn từ các hoạt động của khách hàng. Các tập đoàn, trung gian tài chính phi ngân hàng và ngân hàng được kết nối với nhau thông qua các giao dịch và nhu cầu kinh doanh, từng bên đều đóng một vai trò trong việc định hướng dòng USD trong hệ thống tài chính ASEAN+3. Đến lượt mình, sự ưa thích và cách thực hành của những bên tham gia này lại có tác động đáng kể đến động lực tỷ giá hối đoái và tính thanh khoản của USD.
Rủi ro đối với hệ thống tài chính ASEAN+3
Sự phụ thuộc quá nhiều của ASEAN+3 vào đồng USD đã tạo ra 2 rủi ro chính đối với sự ổn định tài chính của khu vực.
Đầu tiên, khu vực này phải chịu áp lực về nguồn vốn USD, thường tăng lên trong thời kỳ thị trường biến động mạnh và kỳ vọng tiền tệ mất giá. Áp lực này làm tăng chi phí vay, hạn chế khả năng tiếp cận vốn và hạn chế các dịch vụ phòng ngừa rủi ro ngoại hối do các trung gian tài chính ASEAN+3 cung cấp, làm tăng rủi ro thanh khoản bằng USD cho các công ty phi tài chính do sự sụt giảm mạnh về hạn mức tín dụng và phòng ngừa rủi ro.
Thứ hai, đồng USD đóng vai trò là kênh truyền dẫn các cú sốc toàn cầu, bao gồm cả sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ, khuếch đại các hiệu ứng lan tỏa thông qua việc tái cân bằng danh mục đầu tư và các kênh tỷ giá hối đoái. Trong thời kỳ căng thẳng của thị trường toàn cầu, những cú sốc này được truyền đến các thị trường ASEAN+3 thông qua vị thế của đồng USD với tư cách là một tài sản an toàn.
Đáng ngạc nhiên là việc FED tăng lãi suất kể từ năm 2022 không gây ra căng thẳng về nguồn vốn bằng USD tại các thị trường ASEAN+3. Khả năng phục hồi này một phần là do vị thế bên ngoài mạnh mẽ của ASEAN+3 và các yếu tố hỗ trợ của thị trường vi mô, chẳng hạn như tiền gửi bằng USD tăng từ các nhà đầu tư trong nước, giảm vay bằng USD và chi phí chuyển nhượng âm đối với các khoản đầu tư đòn bẩy.
Hơn nữa, bối cảnh tài trợ vốn của Mỹ đã ổn định kể từ cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực hồi tháng 3/2023. Việc FED chấm dứt thắt chặt định lượng, cùng với khả năng cắt giảm lãi suất, có thể làm dịu thêm tình trạng thanh khoản của đồng USD.
Khuyến nghị chính sách
Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách ASEAN+3 nên ưu tiên tăng cường khả năng chống chịu trước những cú sốc bên ngoài truyền dẫn qua đồng USD bằng cách duy trì nền tảng kinh tế vững chắc, vốn đã giúp ổn định khu vực trong đợt tăng lãi suất của FED giai đoạn 2022-2023.
Các nhà hoạch định chính sách nên tăng cường giám sát thanh khoản USD và dòng vốn xuyên biên giới để có các phản ứng chính sách hỗ trợ kịp thời. Các quy định thận trọng vĩ mô mạnh mẽ đối với các ngân hàng và các tổ chức trung gian tài chính phi ngân hàng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tài trợ bằng USD.
Quan trọng không kém, hợp tác khu vực và các thỏa thuận tài trợ vốn có thể hỗ trợ các nền kinh tế ASEAN+3 đang phải đối mặt với áp lực thanh khoản USD trong các cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán.
Về lâu dài, các nền kinh tế ASEAN+3 nên giảm sự phụ thuộc vào đồng USD để tăng cường khả năng chống chịu. Đa dạng hóa tiền tệ sẽ giúp giảm thiểu rủi ro nếu một loại tiền tệ nào đó trở thành nguồn gây căng thẳng.
Hơn nữa, việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ tiền tệ của các nước trong các giao dịch thương mại và tài chính khu vực, được hỗ trợ bởi sự phối hợp các quy định và công nghệ, có thể khiến các đồng nội tệ hấp dẫn hơn đối với các giao dịch xuyên biên giới. Điều này không chỉ làm giảm tác động lan tỏa từ các yếu tố bên ngoài, mà các đồng tiền trong khu vực cũng có thể đóng vai trò có ý nghĩa trong hệ thống tài chính ASEAN+3.
Tóm lại, trong khi sự thống trị của đồng USD đem lại một số hiệu quả nhất định cho hệ thống tài chính ASEAN+3, thì nó cũng gây ra những rủi ro đáng kể đối với sự ổn định tài chính của khu vực. Để tăng cường khả năng chống chịu, các nhà hoạch định chính sách ASEAN+3 nên tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế, tăng cường giám sát thanh khoản USD và dòng tiền chảy xuyên biên giới, và thực hiện các biện pháp thận trọng vĩ mô mạnh mẽ. Thông qua các nỗ lực phối hợp trong khu vực và đa dạng hóa chiến lược, các nền kinh tế ASEAN+3 có thể tăng cường khả năng chống chịu về tài chính và thúc đẩy hệ sinh thái tiền tệ cân bằng hơn.
V.A