Khi khách hàng liều lĩnh làm giả giấy tờ
Một trong những rủi ro phổ biến là rủi ro do khách hàng làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe. Khi nhận xe ô tô làm tài sản bảo đảm, ngân hàng có quy trình chặt chẽ bao gồm thẩm định, định giá tài sản cho đến ký kết hợp đồng, công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm để đảm bảo chiếc xe không được mua bán, chuyển nhượng và quyền ưu tiên xử lý chiếc xe thu hồi nợ thuộc về ngân hàng. Tuy nhiên, khi khách hàng cố ý làm giả giấy tờ thì khoản vay của ngân hàng từ chỗ có tài sản bảo đảm đột nhiên trở thành cho vay “tín chấp”.
Chẳng hạn như vụ án đang được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội giải quyết liên quan đến thế chấp tài sản bảo đảm là xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350 và xe Landrover. Theo đó, năm 2018, Lại Duy Cương (SN 1983, ở huyện Đông Anh) muốn vay 1,2 tỷ đồng để mở thêm gara ô tô, nhưng không có tài sản đảm bảo. Để vay được tiền, Cương nhờ Hoàng Văn Hiểu (nhân viên làm việc tại gara ô tô của Cương tại xã Tiên Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) ký khống hợp đồng mua bán xe ô tô nhãn hiệu Lexus RX350 để thế chấp ngân hàng. Hợp đồng được Văn phòng công chứng Nam Từ Liêm chứng thực và sau đó được đăng ký giao dịch bảo đảm.
Sau khi hoàn tất các thủ tục vay, ngày 31/8/2018, ngân hàng đã giải ngân 1,2 tỷ đồng. Đến hạn thanh toán hợp đồng, Cương không trả được nợ ngân hàng. Tính đến năm 2020, Lại Duy Cương chiếm đoạt của ngân hàng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Kết quả tra cứu tại Phòng Cảnh sát giao thông – CA TP Hà Nội và Tổng cục Hải quan xác định không có thông tin về xe ô tô Lexus có số khung, số máy như trong hồ sơ vay vốn. Biển kiểm soát của chiếc Lexus thực chất được cấp cho một chiếc xe Toyota Corolla. Dấu đỏ trên giấy chứng nhận đăng ký ô tô là dấu giả được tạo ra bằng phương pháp in màu kỹ thuật số.
Ngoài ra, Cương còn tiếp tục nhờ Hiểu ký giúp thêm một hợp đồng khống mua bán xe Land rover với Phạm Ánh Hậu (SN 1991, ở quận Hoàn Kiếm). Hậu đã cầm hợp đồng khống, giấy đăng ký xe để thế chấp vay tiền ngân hàng. Đến hạn thanh toán, Hâu không có khả năng thanh toán, chiếm đoạt của ngân hàng 1,1 tỷ đồng và bỏ trốn đến 8/5/2021 thì bị bắt theo lệnh truy nã.
Cơ quan điều tra xác định, dấu đỏ trên giấy chứng nhận đăng ký ô tô chiếc Landrover là dấu giả, được in màu kỹ thuật số, không có chiếc xe Landrover với số máy, số khung như trong hồ sơ vay vốn, biến số của chiếc Landrover thực chất là biển số của chiếc Toyota Fortuner đứng tên 1 doanh nghiệp ở quận Hà Đông, Hà Nội.
Tại cơ quan điều tra, Cương khai sử dụng số tiền vay để mở thêm gara sửa ô tô ở TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Do làm ăn thua lỗ nên hiện gara này đã ngừng hoạt động. Bị cáo không có khả năng trả lại tiền cho ngân hàng. Với hành vi trên, Cương, Hậu và Hiểu bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhiều rủi ro khác...
Thực tế, với loại tài sản là xe ô tô, ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro khác. Chẳng hạn, xe bị tại nạn, giá trị xe bị suy giảm, ngân hàng có thể không kịp làm thủ tục để được hưởng bảo hiểm hoặc nếu có kịp làm thì vẫn có nguy cơ bị hang bảo hiểm từ chối bồi thường. Hoặc có khi khách hàng đã đem bán xe cho bên thứ 3 và việc giải quyết tài sản này để thu hồi nợ trở nên rắc rối cho phía ngân hàng.
Một rủi ro khác, khi tài trợ vốn cho khách hàng là các nhà phân phối hoặc đại lý bán xe ô tô, các ngân hàng được nhận tài sản bảo đảm là các lô xe ô tô chưa được cấp đăng ký và quản lý bản gốc các giấy tờ bắt buộc trong hồ sơ đăng ký xe như bản gốc Tờ khai nguồn gốc xe ô tô nhập khẩu đối với xe nhập khẩu; Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Khách hàng chỉ có thể làm thủ tục xin cấp đăng ký sau khi đã được ngân hàng hoàn trả bản gốc các giấy tờ nêu trên.
Tuy nhiên, hiện cơ quan chức năng cho phép người dân được đăng ký phương tiện giao thông điện tử. Các giấy tờ là căn cứ để cấp đăng ký, biển số xe theo quy định (giấy tờ nguồn gốc xe) được thay thế bằng dữ liệu điện tử. Như vậy, việc đăng ký xe sẽ được thực hiện mà không cần đến bản chính các giấy tờ ngân hàng giữ làm hồ sơ tài sản bảo đảm. Bên thế chấp không cần phải giải chấp và nhận lại hồ sơ tài sản bảo đảm trước khi thực hiện việc bán, chuyển giao tài sản cho bên thứ ba.
Khi nhận tài sản thế chấp là xe ô tô, các ngân hàng đều thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay chưa có sự phối hợp tốt giữa Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Bộ Tư pháp và Cơ quan đăng ký quyền sở hữu tài sản của Bộ Công an. Do đó, thông tin thế chấp xe không được Cơ quan Cảnh sát giao thông lưu giữ đầy đủ kịp thời. Ngân hàng đang nhận thế chấp cũng không có đầy đủ tài liệu về việc tài sản đã áp dụng biện pháp “ngăn chặn” tại Cơ quan Cảnh sát giao thông. Việc này tạo cơ hội cho bên thế chấp cố tình vi phạm, trục lợi, ảnh hưởng đến việc thu giữ, quản lý tài sản bảo đảm mà ngân hàng đang nhận thế chấp hợp pháp.
Cần kiểm tra tình trạng thế chấp trước khi cấp mới, cấp lại đăng ký xe
Trước rủi ro trên, gần đây, Hiệp hội Ngân hàng đã lên tiếng kiến nghị Bộ Công an và Bộ Tư pháp về một số vấn đề liên quan đến việc cấp mới và cấp lại giấy đăng ký xe. Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông) có văn bản chỉ đạo hướng dẫn các Cơ quan đăng ký xe trước khi cấp mới đăng ký xe; hoặc cấp lại đăng ký xe cần kiểm tra tình trạng thế chấp đối với xe ô tô trên hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm của Cục đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp.
Trường hợp xe ô tô được ghi nhận là đang thế chấp, Cơ quan đăng ký xe sẽ chỉ cấp đăng ký, biển số nếu có văn bản giải chấp hoặc văn bản chấp thuận của ngân hàng đang nhận bảo đảm.
Hiệp hội Ngân hàng cũng đề nghị Bộ Công an sớm sửa đổi Thông tư 58/2020/TT-BCA theo hướng bổ sung quy định về việc kiểm tra tình trạng thế chấp với xe ô tô trong trường hợp cấp mới đăng ký xe.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ