Rủi ro vật lý
Rủi ro vật lý liên quan đến khí hậu được định nghĩa là rủi ro đối với tài sản, công ty hoặc danh mục đầu tư do các hiện tượng thời tiết vật lý gây ra hoặc trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Những rủi ro này có thể gây ảnh hưởng đến các tài sản riêng lẻ mà đối tác sở hữu, chẳng hạn như nhà kho bị lũ lụt phá hủy và ảnh hưởng đến hoạt động của đối tác thông qua tác động đến chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng khu vực/công cộng hoặc ảnh hưởng đến các bộ phận khác của nền kinh tế (ví dụ: lực lượng lao động dư thừa do doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bị phá sản hay giải thể).
Hầu hết các công ty đều đánh giá thấp rủi ro khí hậu vật lý một cách có hệ thống và chỉ có 21% báo cáo ước tính định lượng về những tác động dự kiến của rủi ro khí hậu vật lý đối với hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các tác động có thể rất lớn. Một ước tính về tác động đối với tài sản tài chính toàn cầu từ tác động khí hậu vật lý (tác động trực tiếp và thiệt hại còn lại) khiến giá trị rủi ro trung bình trong một kịch bản kinh doanh thông thường là 1,8%, tương đương 2,5 nghìn tỷ đô la Mỹ, vào năm 2100, với trường hợp xấu nhất đặt 16,9% tài sản vào rủi ro, tương đương hơn 24 nghìn tỷ đô la Mỹ. Trường hợp thứ hai sẽ tạo thành một sự sụt giảm đáng kể của tất cả các tài sản kinh tế toàn cầu. Các ước tính về thiệt hại do suy thoái vốn tự nhiên và mất đa dạng sinh học cũng ở mức độ đáng kể. Từ năm 1992 đến năm 2014, trong khi giá trị của vốn sản xuất (ví dụ, hàng hóa, nhà máy) và vốn con người bình quân đầu người tăng trên toàn cầu, thì vốn tự nhiên được ước tính đã giảm gần 40%. Các ước tính cho thấy từ năm 1997 - 2011, thế giới đã mất 4–20 nghìn tỷ USD hằng năm trong các dịch vụ hệ sinh thái (các ngành khai thác môi trường tự nhiên như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy hải sản) do thay đổi việc sử dụng đất và 6,3–10,6 nghìn tỷ USD hằng năm do suy thoái đất.
Rủi ro vật lý liên quan tới khí hậu đặc biệt lớn tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, theo tính toán, phần lớn miền Nam Việt Nam, bao gồm toàn bộ TP. Hồ Chí Minh, một vùng đô thị với 20 triệu dân, sẽ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng vào năm 2050. Các phân tích gần đây cho thấy, mặc dù trận lụt 100 năm có một ở TP. Hồ Chí Minh vào thời điểm hiện nay sẽ gây thiệt hại khoảng 200–300 triệu đô la Mỹ, nhưng con số này sẽ tăng lên 500 triệu đến 1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2050 nếu không đầu tư vào các biện pháp thích ứng. Một trận lũ lụt vào năm 2050 cũng sẽ có tác động kinh tế gấp 20 lần ước tính của một trận lũ lụt quy mô tương tự ngày nay, bao gồm cả việc đóng cửa một phần hệ thống tàu điện ngầm ảnh hưởng đến khoảng một triệu chuyến đi. Vẫn tập trung vào Đông Nam Á, một mô hình đánh giá tích hợp dự đoán rằng Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thiệt hại tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm do khí hậu gây ra là 2,2% vào năm 2100, dẫn tới thiệt hại ước tính 5,7% nếu tính đến cả các tác động phi thị trường liên quan đến sức khỏe và hệ sinh thái.
Người ta ước tính rằng mực nước biển dâng cao có thể khiến thế giới thiệt hại hơn 14 nghìn tỷ đô la Mỹ hàng năm vào năm 2100, nếu mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 2°C mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đặt ra không đạt được. Các tài sản có nguy cơ mắc kẹt cao do nước biển dâng đã được các nhà đầu tư định giá với mức chiết khấu. Đáng chú ý, các bất động sản ven biển ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng do mực nước biển dâng được bán với mức chiết khấu xấp xỉ 7% so với các bất động sản khớp tương tự không bị ảnh hưởng. Các bất động sản chịu ảnh hưởng khi mực nước biển dâng cao 1 ft (30 cm) được bán với mức chiết khấu trung bình là 14,7%. Các bất động sản chịu ảnh hưởng khi mực nước biển dâng cao 6 ft (180 cm)- mức không được mong đợi sẽ xảy ra trong một thế kỷ - cũng đã được giao dịch với mức chiết khấu 4,4% so với các bất động sản tương tự, không bị ảnh hưởng.
Nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu những tác động tiềm ẩn này của rủi ro vật lý không được giải quyết, chúng có thể ảnh hưởng tới sự ổn định đối với hệ thống tài chính. Ví dụ, việc gia tăng rủi ro vật lý liên quan đến khí hậu có thể tạo ra nguy cơ gia tăng đối với các công ty bảo hiểm cung cấp bảo hiểm cho tài sản dễ bị rủi ro vật lý và đến lượt công ty bảo hiểm có thể từ chối bảo hiểm. Nếu những tài sản này không được bảo đảm, bảng cân đối kế toán của các hộ gia đình và các tập đoàn bị ảnh hưởng xấu có thể dẫn đến thiệt hại cho các ngân hàng và nhà đầu tư.
Rủi ro pháp lý
Rủi ro trách nhiệm pháp lý có khả năng đóng vai trò vừa là động lực, vừa là hậu quả của các tác động vật lý của biến đổi khí hậu và của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng. Việc kiện tụng có thể dẫn đến nhiều hệ quả làm phát sinh tài sản bị mắc kẹt: tiền phạt hoặc hình phạt, bồi thường thiệt hại cho công chúng, chi phí pháp lý, thay đổi trong định giá, thay đổi xếp hạng tín nhiệm, thiệt hại danh tiếng, loại trừ khỏi thị trường, giám sát trực tiếp, tịch thu tài sản và hạn chế bảo hiểm. Nó cũng có thể gây ra các chi phí nội bộ gián tiếp khác cho doanh nghiệp, chẳng hạn như sự phân tâm của ban giám đốc và tinh thần của nhân viên. Đối với thị trường tài chính, rủi ro trách nhiệm liên quan đến khí hậu đặc biệt khó đánh giá và định giá trước. Kiện tụng về khí hậu dựa trên nhiều nguồn và hệ thống tương tác, tự nhiên và con người, các hệ thống pháp lý, tài chính và lý sinh. Điều này được kết hợp bởi các yếu tố khác nhau và các yếu tố cụ thể của vụ kiện tụng. Đầu tiên, kiện tụng có một yếu tố hành vi — những người yêu cầu bồi thường tiềm năng phải quyết định có nên khởi kiện, kiện khi nào, kiện ai và sẽ kiện như thế nào. Thứ hai, tranh tụng về khí hậu không phải là một loại vụ việc hoặc một đặc điểm của một cơ quan tài phán. Hơn 1.600 vụ kiện được nộp cho tới cuối năm 2020 đại diện cho vô số lý thuyết pháp lý, tác hại, nguyên nhân hành động, khu vực pháp lý và biện pháp cứu trợ được tìm kiếm. Ngay cả đối với các tình huống thực tế tương tự và nguyên nhân dẫn đến hành động - ví dụ, các vụ kiện về thiệt hại do khí hậu chống lại các cơ sở phát thải carbon lớn — các tòa án ở các khu vực tài phán khác nhau đã ra phán quyết rất khác nhau về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý.
Là những người được ủy thác, hội đồng quản trị công ty không chỉ có thể xem xét các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu mà còn có trách nhiệm thực hiện điều đó, giống như cách xử lý đối với bất kỳ vấn đề rủi ro tài chính quan trọng nào khác. Năm 2018, một thành viên quỹ hưu trí Úc đã kiện công ty nhận ủy thác quỹ hưu trí của mình, cáo buộc họ không cung cấp thông tin liên quan tới rủi ro kinh doanh do biến đổi khí hậu và có kế hoạch để đối phó với những rủi ro đó. Đơn kiện cáo buộc rằng để thực hiện các nhiệm vụ pháp lý của người được ủy thác, công ty nhận ủy thác cần phải xem xét các khuyến nghị của Lực lượng Đặc nhiệm về Công khai Tài chính Liên quan đến Khí hậu (TCFD) về quản lý và báo cáo rủi ro khí hậu. Các bên đã đạt được một thỏa thuận ngay trước khi bắt đầu phiên điều trần vào tháng 11/2020. Mặc dù điều đó có nghĩa là không có tiền lệ chính thức trong trường hợp ủy thác rủi ro khí hậu, nhưng các điều khoản mà các bên đồng ý giải quyết cho thấy tiêu chuẩn về sự thận trọng trong lĩnh vực này đã trở nên cao như thế nào. REST thừa nhận những rủi ro mà biến đổi khí hậu gây ra cho quỹ của mình, cam kết liên tục phát triển các hệ thống, chính sách và quy trình để đảm bảo những rủi ro khí hậu này được xác định, giảm thiểu và quản lý phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, bao gồm cả một mục tiêu về danh mục đầu tư không phát thải ròng vào năm 2050.
Ngoài những vấn đề cụ thể về biến đổi khí hậu, còn cần xem xét cả trách nhiệm pháp lý liên quan tới đa dạng sinh học. Mức rủi ro trách nhiệm pháp lý như một rủi ro tài chính liên quan đến đa dạng sinh học và liệu nó có quan trọng đối với bất kỳ tổ chức tài chính, hệ thống hoặc nền kinh tế cụ thể nào hay không, có thể được tóm tắt như một hàm của ba yếu tố: bản chất và phạm vi của các khoản nợ tiềm tàng qua vô số các nguyên nhân của hành động sẵn có, các cơ chế truyền dẫn trong và giữa nền kinh tế thực và khu vực tài chính, các động lực luật pháp và thị trường trong khu vực tài phán. Cũng giống như rủi ro trách nhiệm liên quan đến khí hậu, hiểu được phạm vi rủi ro trách nhiệm liên quan đến đa dạng sinh học tiềm ẩn sẽ nâng cao vị thế của các tổ chức tài chính trong việc xác định, định giá và giảm thiểu những tác động trực tiếp cũng như gián tiếp và để các cơ quan quản lý tài chính tích hợp những rủi ro này vào các hoạt động giám sát của mình.
Rủi ro pháp lý còn đến từ các chính sách không nhất quán. Sự không nhất quán về chính sách khí hậu (cho dù do biến động chính trị hay do vận động hành lang của các ngành kinh doanh) cũng có thể làm tăng rủi ro tài sản mắc kẹt. Khi các chính phủ không thể cam kết một cách đáng tin cậy đối với các chính sách dài hạn trong tương lai, họ cũng có thể không đưa ra được các phản ứng chính sách như các doanh nghiệp mong đợi. Các doanh nghiệp đối mặt với các chính sách khí hậu không đáng tin cậy ít có khả năng giảm rủi ro tài sản mắc kẹt, điều này có thể tăng lên khi hành động bị trì hoãn, ràng buộc ngân sách các-bon dẫn đến chính sách trong tương lai thắt chặt và mức độ nghiêm trọng của các chính sách trong tương lai hoặc các cú sốc khác tăng lên.
Động thái của các cơ quan quản lý
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), được công nhận là ngân hàng trung ương đầu tiên bắt đầu xem xét những vấn đề về biến đổi khí hậu vào năm 2014. Báo cáo đầu tiên của BoE, Tác động của Biến đổi khí hậu đối với Lĩnh vực Bảo hiểm Vương quốc Anh, được xuất bản vào ngày 29/9/2015, và bài phát biểu cùng ngày của Thống đốc BoE lúc bấy giờ, Mark Carney, đánh dấu lần đầu tiên một ngân hàng trung ương kêu gọi xem xét các rủi ro liên quan đến khí hậu và tài sản mắc kẹt trong giám sát tài chính. Báo cáo và bài phát biểu đó cũng đưa ra các nguyên tắc về cách BoE tiếp cận với biến đổi khí hậu trong tương lai và xác nhận rằng tổ chức coi việc quản lý rủi ro liên quan đến khí hậu là một phần nhiệm vụ theo luật định của mình.
Từ đó tới nay, mối đe dọa của biến đổi khí hậu và các rủi ro liên quan đến môi trường khác của tài sản mắc kẹt đã thúc đẩy công việc của nhiều cơ quan giám sát tài chính và ngân hàng trung ương, những tổ chức đã công bố kỳ vọng giám sát mới và những bài kiểm tra sức chịu đựng của các tổ chức tài chính trước biến đổi khí hậu (cùng với nhiều biện pháp khác) để giúp cải thiện khả năng thanh toán của các tổ chức tài chính, như một phần của những gì được gọi là giám sát vi mô, cũng như bảo vệ và nâng cao khả năng phục hồi của toàn bộ hệ thống tài chính, thông qua các chính sách khác thuộc nhóm giám sát vi mô. Một bổ sung quan trọng cho hoạt động của các cơ quan giám sát và ngân hàng trung ương là kết quả của TCFD - được hình thành vào năm 2015 và việc xuất bản một khuôn khổ và bộ khuyến nghị vào năm 2017 để giúp các công ty và tổ chức tài chính đo lường, quản lý và báo cáo các rủi ro liên quan đến khí hậu một cách nhất quán.
Các quy định giám sát vi mô
Nhiều ngân hàng trung ương của các nước châu Âu, như Ngân hàng Trung ương Pháp (BdF), Ngân hàng Trung ương Hà Lan (DNB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), đã xây dựng những yêu cầu nội bộ cần thiết để tích hợp các rủi ro liên quan tới môi trường và các quy định giám sát khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại. Chẳng hạn như ở Vương quốc Anh, Cơ quan Luật lệ An toàn (PRA) trực thuộc BoE đã công bố những kỳ vọng chi tiết của cơ quan quản lý về cách các doanh nghiệp tiếp cận với rủi ro tài chính liên quan tới khí hậu trong 4 lĩnh vực chính: quản trị, quản lý rủi ro, phân tích các kịch bản và công bố thông tin. Tuyên bố Giám sát được PRA công bố vào năm 2019, trong đó đưa ra những kỳ vọng này, đã có những tác động báo hiệu mạnh mẽ đến thị trường tài chính và nâng cao trách nhiệm giải trình của các tổ chức được giám sát. Các tuyên bố tương tự đã được Ngân hàng Trung ương châu Âu, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) và Cơ quan Giám sát tài chính và bảo hiểm Úc (APRA) cùng nhiều cơ quan quản lý khác công bố.
Một yếu tố quan trọng mà cơ quan quản lý bắt đầu mong đợi là các doanh nghiệp được giám sát tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu thông qua quản trị. Có nghĩa là, họ mong đợi các tổ chức tài chính có cấu trúc phù hợp để các rủi ro liên quan đến khí hậu được quản lý tích cực bởi ban lãnh đạo cấp cao và hội đồng quản trị. Ví dụ, ở Vương quốc Anh, các công ty được yêu cầu chỉ định các cá nhân chịu trách nhiệm về rủi ro khí hậu theo Chế độ quản lý cấp cao (theo quy định này, các lãnh đạo cấp cao phải được cơ quan quản lý phê duyệt trước khi nhận chức và phải xác nhận bằng văn bản các trách nhiệm của họ, ngoài ra tổ chức tài chính phải xác nhận lại hàng năm việc một lãnh đạo cấp cao vẫn phù hợp với vai trò được giao) trước ngày 15/10/2019. Các kỳ vọng tương tự đã được đặt ra bởi Ngân hàng Trung ương Brazil, Ngân hàng Trung ương Malaysia, MAS, Ngân hàng Trung ương Italia, Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha và Cơ quan Dịch vụ Tài chính Dubai.
Một trụ cột quan trọng khác là đảm bảo các tổ chức tài chính có đầy đủ các thủ tục quản lý rủi ro để phân tích rủi ro liên quan đến khí hậu. Ví dụ, các công ty có thể được mong đợi sử dụng phân tích kịch bản hoặc kiểm tra sức chịu đựng rủi ro để đánh giá rủi ro tài chính ngắn hạn và dài hạn. Các cơ quan quản lý cũng có thể yêu cầu các ngân hàng kết hợp rủi ro khí hậu vào các khuôn khổ quản trị và quản lý rủi ro nội bộ, chẳng hạn như Quy trình đánh giá tính đầy đủ vốn nội bộ (ICAAP). Phân tích kịch bản có thể được sử dụng để xác định khả năng phục hồi và các điểm yếu của mô hình kinh doanh của một công ty đối với một loạt các sự kiện. Chẳng hạn, PRA kỳ vọng “các phương pháp phân tích kịch bản sẽ phát triển và hoàn thiện theo thời gian”. Dưới sự bảo trợ của NGFS, một số ngân hàng trung ương hiện đang phát triển các bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro khí hậu với phạm vi chi tiết và mốc thời gian khác nhau. BoE sử dụng bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro khí hậu tiến hành hai năm một lần (lần đầu vào năm 2021) để khám phá rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu gây ra theo cách tiếp cận từ dưới lên nhằm kiểm tra khả năng phục hồi của các mô hình kinh doanh hiện tại của các tổ chức tài chính quan trọng nhất. Các cuộc kiểm tra như vậy là yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng trung ương hiểu về khả năng phục hồi của các tổ chức tài chính cụ thể và hệ thống tài chính rộng. Nếu các cuộc kiểm tra phát hiện ra rằng các rủi ro liên quan đến khí hậu là quan trọng, thì các bộ đệm vốn có hệ thống có thể được áp dụng để giảm thiểu tác động của các rủi ro này. Trên thực tế, trọng tâm chính của các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát tài chính ở giai đoạn này là giúp các tác nhân tài chính làm quen với phân tích kịch bản và tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các biện pháp đó trong quản lý rủi ro nội bộ.
Anh và New Zealand gần đây đã tuyên bố việc công bố thông tin theo TCFD sẽ là bắt buộc. Các cơ quan quản lý ở Pháp đã triển khai việc bắt buộc công bố thông tin trong nỗ lực hệ thống hóa việc công bố thông tin và cho phép đánh giá rủi ro minh bạch và nhất quán bằng cách yêu cầu các công ty tài chính và phi tài chính tiết lộ các rủi ro liên quan đến khí hậu mà họ phải chịu theo Điều 173 của Luật Chuyển đổi năng lượng vì tăng trưởng xanh của Pháp. Ở các nước châu Âu, điều này có thể đạt được bằng cách rà soát Chỉ thị về công bố thông tin phi tài chính để bắt buộc các doanh nghiệp phải tiết lộ thông tin. Nhóm chuyên gia kỹ thuật về tài chính bền vững, do Ủy ban EU thành lập, tìm cách cung cấp hướng dẫn cách cải thiện việc công bố thông tin của doanh nghiệp về các rủi ro liên quan đến khí hậu.
Nhìn chung, sự phát triển của các chính sách liên quan đến khí hậu khác nhau đáng kể giữa các nước phát triển và đang phát triển do phạm vi nhiệm vụ khác nhau của các tổ chức liên quan và sự khác biệt có hệ thống trong việc sử dụng các công cụ quản lý. Ví dụ, các ngân hàng thương mại và tổ chức phi ngân hàng ở Bangladesh được yêu cầu phân bổ 5% tổng danh mục cho vay của họ cho các lĩnh vực xanh. Các quốc gia như Trung Quốc và Lebanon đã thiết lập các yêu cầu dự trữ khác biệt tương ứng với danh mục cho vay xanh của các ngân hàng địa phương. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng thừa công suất thép vào năm 2002, chính phủ Trung Quốc đã tách các tài sản kém hiệu quả thành các tổ chức chuyên biệt để xử lý. Cách tiếp cận này, kể từ khi được công ty RWE của Đức áp dụng, có thể là một lựa chọn cho những cơ quan quản lý sẵn lòng và có khả năng sử dụng “ngân hàng xấu” công để “tiêu hóa” tài sản mất giá. Ngân hàng Trung ương Brazil đã áp dụng các chính sách tín dụng theo ngành và ban hành một loạt các quy định về ngân hàng xanh theo chủ đề và cụ thể cho từng ngành nhằm thu hút và ưu tiên đầu tư cho một số lĩnh vực nhất định.
Các quy định giám sát vĩ mô
Giám sát vi mô liên quan đến sức khỏe tài chính và sự lành mạnh của các tổ chức cụ thể, giám sát vĩ mô liên quan đến sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung, các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát nhận định rằng các rủi ro liên quan đến khí hậu và môi trường có thể có ảnh hưởng mang tính hệ thống.
Trong các tình huống rủi ro liên quan đến khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng khoản vay trong các lĩnh vực sử dụng nhiều các-bon (rủi ro chuyển đổi) hoặc trên tất cả các lĩnh vực (rủi ro vật lý), nhiều ngân hàng có thể chịu tổn thất tài chính ngay lập tức hoặc liên tiếp. Điều này có thể gây ra các hiệu ứng khuếch đại trong khu vực ngân hàng và hệ thống tài chính rộng lớn hơn, làm tăng lãi suất giữa các ngân hàng và làm chậm lại hoạt động kinh tế, điều từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Để giảm thiểu các tác động tiềm ẩn của rủi ro liên quan đến môi trường, các cơ quan giám sát vĩ mô đã bắt đầu tích hợp những rủi ro này vào bộ công cụ của họ.
Sau đây là các ví dụ về cách rủi ro liên quan đến môi trường có thể được tích hợp vào giám sát vĩ mô và các lĩnh vực hiện đang được các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát tích cực thử nghiệm.
Các bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro khí hậu: Một bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro khí hậu bao gồm việc tích hợp các kịch bản khí hậu vào một khuôn khổ kiểm tra sức chịu đựng vĩ mô và tìm hiểu cách các tổ chức tài chính trong toàn bộ hệ thống tài chính bị tác động, bên cạnh các tác động kinh tế vĩ mô khác. Ví dụ, Battiston và các đồng nghiệp đã tiến hành một cuộc kiểm tra sức chịu đựng với rủi ro khí hậu của hệ thống tài chính và nhận thấy rằng khung thời gian của chính sách khí hậu rất quan trọng. Một khung chính sách sớm và ổn định sẽ cho phép điều chỉnh giá trị tài sản suôn sẻ.
Ngược lại, một khung chính sách muộn và đột ngột có thể gây ra những hậu quả hệ thống bất lợi. Điều này nhất quán với Thomä và Chenet, những người kết luận rằng có thể đề ra chính sách can thiệp để giải quyết các thất bại của thị trường và rủi ro định giá sai tiềm ẩn liên quan, từ kết quả của các bài kiểm tra sức chịu đựng. Nâng cao nhận thức về rủi ro liên quan tới tài sản mắc kẹt cũng thúc đẩy việc kêu gọi ngân hàng trung ương mua tài sản theo các chương trình nới lỏng định lượng để điều chỉnh những rủi ro này bằng cách phân bổ tỷ trọng thấp hơn đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
DNB, BdF, BoE và Ngân hàng Trung ương châu Âu hiện đang phát triển các bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro khí hậu với các phạm vi khác nhau (ví dụ: mức độ chi tiết, các kịch bản chính sách và khí hậu riêng biệt, thời gian khác nhau, lập mô hình các vòng phản hồi). Các bài kiểm tra sức chịu đựng đó đóng vai trò rất quan trọng việc giúp các ngân hàng trung ương hiểu về khả năng phục hồi của các tổ chức tài chính riêng lẻ và hệ thống tài chính rộng lớn hơn.
Bộ đệm vốn ngược chu kỳ các-bon: các tổ chức tài chính được yêu cầu xây dựng một vùng đệm vốn, tức là, cơ sở vốn cao hơn, trong thời kỳ tăng trưởng tín dụng thâm dụng các-bon ở mức tổng thể. Cơ chế này có thể hỗ trợ sự ổn định tài chính theo hai cách: thứ nhất, bằng cách hạn chế mức độ rủi ro tín dụng sử dụng nhiều các-bon của các ngân hàng trong quá trình gia tăng của chu kỳ tín dụng thâm dụng các-bon - tức là, hoạt động như một “giới hạn tốc độ” - và thứ hai, bằng cách xây dựng các vùng đệm sẵn có để giảm nhẹ các cú sốc đối với các khoản vay sử dụng nhiều các-bon (ví dụ, do việc hình thành tài sản mắc kẹt).
Giới hạn rủi ro tín dụng: Khi cân nhắc về biến đổi khí hậu, biện pháp áp dụng hạn mức tín dụng có thể hạn chế rủi ro của ngân hàng liên quan tới các tài sản sử dụng nhiều các-bon có nguy cơ mắc kẹt cao. Ví dụ, điều này có thể bảo vệ các tổ chức tài chính khi đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng do rủi ro khí hậu vật lý gây ra và hạn chế thiệt hại phát sinh do sự vỡ nợ đột ngột của các đối tác đơn lẻ có giá trị đáng kể. Các mục tiêu tương tự cũng đạt được với các giới hạn cho vay theo ngành hoặc tài sản cụ thể. Biện pháp này có thể được thay đổi để hạn chế cấp tín dụng quá mức đối với một nhóm tài sản được nhắm mục tiêu - trong trường hợp này là tài sản sử dụng nhiều các-bon. Trọng tâm ở đây không nằm ở quy mô của một hợp đồng cụ thể, mà là tập trung vào bản chất của mức độ rủi ro. Điều này có thể được chứng minh, nếu có bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng các loại tài sản khác nhau vốn có liên quan đến rủi ro cao hơn do biến đổi khí hậu (ví dụ: tài sản liên quan đến cơ sở sản xuất ở khu vực bão lớn hoặc vùng biển ven biển ở nguy cơ ngập lụt cao).
Ngược lại với giới hạn cho vay, một số ngân hàng trung ương, khi quản lý danh mục đầu tư của riêng mình, đã đưa ra các biện pháp triệt để hơn, bao gồm từ chối các tổ chức phát hành trái phiếu có lượng phát thải các-bon lớn - như trong trường hợp của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, hoặc BdF và DNB đã thông qua Điều lệ Đầu tư có trách nhiệm để quản lý các quỹ của chính mình.
Hợp tác quốc tế: NGFS đã thiết lập 5 quy trình làm việc về giám sát vi mô, các vấn đề tài chính vĩ mô, mở rộng quy mô tài chính xanh, thu hẹp khoảng cách dữ liệu và nghiên cứu. Là một phần của chuỗi công việc này, NGFS đã xuất bản các báo cáo khác nhau nhằm nâng cao hiểu biết về rủi ro tài chính do biến đổi khí hậu và đưa ra các khuyến nghị rộng rãi sau đó đi kèm với các nghiên cứu cụ thể hơn.
Trong lĩnh vực giám sát vĩ mô, NGFS đề xuất tích hợp các rủi ro liên quan đến khí hậu vào giám sát ổn định tài chính và đánh giá rủi ro hệ thống trong hệ thống tài chính, bằng cách (a) lập bản đồ các kênh truyền rủi ro vật lý và chuyển tiếp trong hệ thống tài chính và áp dụng các chỉ số rủi ro chính để giám sát những rủi ro này và (b) tiến hành phân tích định lượng rủi ro liên quan đến khí hậu để xác định mức độ rủi ro trên toàn hệ thống tài chính, sử dụng một tập hợp các kịch bản định hướng bằng dữ liệu một cách nhất quán và có thể so sánh được bao gồm một loạt các trạng thái tương lai hợp lý khác nhau của thế giới.
Với những lĩnh vực khác, NGFS đã xuất bản hướng dẫn phân tích kịch bản khí hậu cho các ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát nhằm khuyến khích các tổ chức này xây dựng năng lực nội bộ và nâng cao hiểu biết về phân tích kịch bản thông qua hợp tác. Về vấn đề này, các ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát dự kiến sẽ phát triển các phương pháp luận và công cụ cho phép tích hợp phân tích kịch bản theo ngành cụ thể vào các bài kiểm tra sức chịu đựng rủi ro vĩ mô. Ví dụ, danh mục đầu tư liên quan đến ngành điện có thể được kiểm tra theo các kịch bản với các yếu tố công suất suy giảm và các hạn chế về bổ sung vốn các-bon cao. Với bản chất hướng tới tương lai của các rủi ro và sự không chắc chắn vốn có liên quan đến các rủi ro liên quan đến khí hậu và môi trường, các công cụ này là cần thiết để nắm bắt đầy đủ rủi ro hệ thống. NGFS cũng khuyến khích các bên liên quan cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển
(lược dịch từ nghiên cứu của các tác giả Ben Caldecott, Alex Clark, Krister Koskelo, Ellie Mulholland và Conor Hickey trên Annual Reviews).
Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 12 năm 2022
Nguyễn Anh Tuấn