Thông tin chi tiết các ca mắc mới như sau:
Ca bệnh BN3986-BN3990, BN3992, BN3995, BN3999, BN4023-BN4112 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang: liên quan đến ổ dịch Công ty Hosiden và Khu công nghiệp Quang Châu đã được cách ly và nằm trong khu phong tỏa trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 15/5/2021 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Bắc Giang.
Ca bệnh BN4000-BN4022 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: Là F1 liên quan tới ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 15/5/2021 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Ninh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, Bệnh viện dã chiến Gia Bình, Bệnh viện dã chiến Tiên Du, và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ca bệnh BN3991 ghi nhận tại tỉnh Hòa Bình: Bệnh nhân nữ, 42 tuổi, địa chỉ tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình; là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 15/5/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Ca bệnh BN3993-BN3994, BN3996-BN3998 ghi nhận tại tỉnh Điện Biên: là F1 của BN3758, đã được cách ly từ trước. Kết quả xét nghiệm ngày 15/5/2021 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Điện Biên Phủ.
Cũng theo Bộ Y tế, nước ta có thêm 7.335 người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trong ngày 15/5/2021.
Tính đến 16 giờ ngày 15/5/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 977.032 liều cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 22.512 người.
Hà Nội đã lấy 9.441 mẫu xét nghiệm cho người từng đến Đà Nẵng
Sáng 16/5, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, thực hiện công văn khẩn số 146/SYT-NVY của Sở Y tế Hà Nội về việc rà soát, quản lý, xét nghiệm cho người từng đến Đà Nẵng, sơ bộ ban đầu, các quận, huyện đã rà soát và thống kê được 5.599 trường hợp (tính đến ngày 14/5).
Theo đó, ngày 15/5, 30 quận, huyện, thị xã bắt đầu thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng này. Tuy nhiên, con số lấy mẫu thực tế cao hơn rất nhiều số người khai báo y tế.
Cụ thể, tính đến 22 giờ 30 phút đêm qua (15/5), toàn TP đã lấy 9.441 mẫu xét nghiệm trên tổng số 5.599 trường hợp khai báo y tế. 3.337 mẫu đã được chuyển đến CDC Hà Nội xét nghiệm; 6.104 mẫu được chuyển đến các bệnh viện được công nhận đủ tiêu chuẩn xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, trong đợt dịch này từ 27/4 đến nay, Hà Nội đã lấy và xét nghiệm gần 25.000 mẫu, trung bình 1.000-1.500 mẫu/ngày; có ngày cao điểm là 6.000-7.000 mẫu tại 9 đơn vị xét nghiệm RT PCR toàn TP.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng chỉ ra những nguyên nhân khiến dịch ở Bắc Giang bùng phát mạnh
Tại cuộc họp giữa Bộ Y tế và UBND tỉnh Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đêm 15/5, TS. Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết truy vết người tiếp xúc tại Bắc Giang thực hiện chưa tốt.
Theo TS. Tấn, đội truy vết của Bộ Y tế đã chọn ngẫu nhiên 60 số điện thoại của người tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh tại Bắc Giang để “kiểm tra” thì các số được gọi cho biết, họ chưa được quan tâm, chưa được địa phương quản lý chặt chẽ.
Do đó, TS Tấn cho rằng, nếu không nắm được danh sách những người có liên quan này sẽ tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ lớn. Bởi, Bắc Giang có mật độ và số lượng công nhân rất đông. Khi công nhân về nơi lưu trú mà không được quản lý kịp nếu chẳng may họ dương tính sẽ lây nhiễm cho người khác.
Vì thế, theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bắc Giang cần nhanh chóng chuyển danh sách F1 cho huyện, xã để phối hợp truy vết chống dịch. Bắc Giang dồn sức dập dịch ở KCN nhưng không được bỏ quên các khu vực cộng đồng.
“Nếu trong cộng đồng vẫn còn người mang mầm bệnh thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Chúng tôi đề nghị tỉnh triển khai giám sát toàn bộ người có biểu hiện ho, sốt, quản lý khai báo y tế, đưa cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ở khu vực nguy cơ cao”, Cục trưởng Tấn đề nghị.
Cũng theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến đợt dịch bùng phát lần này tại Bắc Giang vẫn từ 2 nguồn lây chính.
Thứ nhất là liên quan 2 vợ chồng mắc COVID-19 ở Lạng Sơn. Hai người này là công nhân ở khu công nghiệp Vân Trung, Việt Yên, Bắc Giang.
Nguồn lây thứ 2 cũng liên quan trường hợp làm việc tại KCN Vân Trung. Sau đó, từ F0 này dẫn đến sự lây nhiễm cho công nhân tại KCN Quang Châu.
“Có thể thấy, mức độ lây nhiễm ở Bắc Giang rất phức tạp. Chúng tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân, chủ yếu trong đó là vấn đề giãn cách, vệ sinh môi trường lao động, quá trình đưa đón công nhân có đoạn đường di chuyển dài. Việc tiếp xúc trên xe trong thời gian dài, môi trường kín là một trong những điều kiện khiến dịch lây lan”, TS Tấn nói.
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cũng lo ngại, hiện tại, dịch chỉ mới được ghi nhận trong khỏang 1-2 ngày đầu. Rất có thể vài ngày tới, khi hết chu kỳ ủ bệnh, số lượng F0, F1 tăng lên rất nhiều.
Theo đó, TS. Tấn đề xuất tỉnh khẩn trương rà soát khu cách ly để chủ động truy vết, cách ly được hết số lượng F1. Để thực hiện thành công việc truy vết thần tốc, Bắc Giang cần huy động toàn bộ lực lượng từ các hệ thống tổ dân phố, công an, phát huy vai trò của tổ COVID-19 cộng đồng.
Lãnh đạo đơn vị hàng không chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh COVID-19
Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa có văn bản hỏa tốc gửi các cơ quan, đơn vị trong Ngành hàng không về tăng cường phòng, chống COVID-19 theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, Cục HKVN yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 89/TB-VPCP ngày 01/5/2021 và Thông báo số 98/TB-VPCP ngày 12/5/2021 đến toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc, họp trực tuyến. Trường hợp cần thiết phải tổ chức họp tập trung, các cơ quan, đơn vị hạn chế tối đa thành phần tham dự và phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.
Không tổ chức các chuyến công tác nếu không thật cần thiết. Trường hợp cần thiết phải hạn chế số người và phải đi đúng thành phần, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về việc để xảy ra lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 tại cơ quan, đơn vị do không chấp hành nghiêm các quy định về phóng, chống dịch bệnh.
Cục giao các Cảng vụ hàng không triển khai các nội dung trên đến tất cả các hãng hàng không nước ngoài và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động tại cảng hàng không, sân bay.
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tuân thủ thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập và Khai báo y tế. |
Tuệ An (t/h)
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam