Sau một năm bùng nổ, cổ phiếu công nghệ sẽ thế nào trong năm nay?

14/01/2025 - 23:39
(Bankviet.com) Các chuyên gia nhận định nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ các chính sách hỗ trợ và xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, mức định giá cao khiến các cơ hội đầu tư dài hạn trở nên hạn chế, trong khi nhà đầu tư chỉ có thể tìm kiếm cơ hội ngắn hạn trong các nhịp điều chỉnh.

Một năm thành công của cổ phiếu công nghệ

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên có hai doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - viễn thông lọt vào Top 10 công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm FPT và VGI.

Cổ phiếu FPT đạt mức tăng trưởng 82%, kết phiên cuối năm ở mức 152.500 đồng/cổ phiếu, với giá trị vốn hóa 224.395 tỷ đồng, tăng hơn 103.000 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này giúp FPT vượt qua các tên tuổi lớn như Hòa Phát, Vingroup, Vinhomes để trở thành công ty tư nhân có giá trị lớn nhất thị trường.

Sau một năm bùng nổ, cổ phiếu công nghệ sẽ thế nào trong năm nay?
FPT vượt qua các tên tuổi lớn như Hòa Phát, Vingroup, Vinhomes để trở thành công ty tư nhân có giá trị lớn nhất thị trường

Cổ phiếu VGI của Viettel Global thậm chí còn ấn tượng hơn khi tăng 256%, đạt 91.700 đồng/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa của VGI đạt 279.726 tỷ đồng, đưa doanh nghiệp này vươn lên vị trí thứ hai trên thị trường, vượt qua BIDV, ACV và nhiều công ty lớn khác.

Bên cạnh FPT và VGI, một số cổ phiếu công nghệ khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm qua như FOX (+80,2%), CMG (+25,3%), ELC (+29,2%).

Các chuyên gia từ Chứng khoán KB (KBSV) dự báo, ngành công nghệ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 với chi tiêu công nghệ thông tin ước đạt hơn 5.700 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm trước, theo báo cáo của Gartner.

Ba phân khúc chính đóng góp cho sự tăng trưởng này bao gồm hệ thống trung tâm dữ liệu, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Việt Nam, với định hướng trở thành trung tâm công nghệ và bán dẫn toàn cầu, được kỳ vọng sẽ không nằm ngoài xu hướng này.

Chính phủ cũng đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy ngành công nghệ. Trong chiến lược phát triển bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này, với FPT là một trong những doanh nghiệp được hưởng lợi nhờ tham gia vào các dự án thiết kế và sản xuất chip. Ngoài ra, chiến lược phát triển hạ tầng số tập trung vào mạng 5G, dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây (Cloud) sẽ tạo cơ hội cho các cổ phiếu như CTR và FOX.

Sau một năm bùng nổ, cổ phiếu công nghệ sẽ thế nào trong năm nay?

Các doanh nghiệp dẫn đầu và cơ hội đầu tư

FPT – Động lực từ bán dẫn và AI

FPT tiếp tục được kỳ vọng trở thành đầu tàu trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip. Công ty cũng mở rộng hợp tác với Nvidia trong các lĩnh vực AI, công nghệ đám mây và đào tạo nhân lực. Đồng thời, FPT đang tận dụng thế mạnh từ hệ thống giáo dục của mình, đặc biệt là Đại học FPT, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực AI, công nghệ thông tin và bán dẫn, giúp củng cố vị thế cạnh tranh và tăng trưởng dài hạn.

CMG – Hưởng lợi từ chuyển đổi số

Tập đoàn CMC (CMG) đang tận dụng nhu cầu tăng cao về dữ liệu lớn và điện toán đám mây để mở rộng các dịch vụ công nghệ thông tin. CMG cũng được dự báo sẽ nhận được nhiều cơ hội từ cuộc chạy đua phát triển AI, thúc đẩy sự gia tăng các trung tâm dữ liệu nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng.

CTR – Tiềm năng từ 5G và hạ tầng viễn thông

Viettel Construction (CTR), với vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng viễn thông, được dự báo hưởng lợi lớn từ quá trình thương mại hóa 5G. Dự án xây dựng các trạm phát sóng phục vụ cho mạng 5G dự kiến sẽ tạo ra khối lượng công việc lớn, mang lại triển vọng tăng trưởng tích cực cho công ty.

Dù triển vọng ngành công nghệ và viễn thông được đánh giá tích cực, nhưng chuyên gia từ KBSV và TVS đều cảnh báo rằng định giá của nhóm ngành này hiện không còn rẻ. Tính đến cuối năm 2024, hệ số P/E của nhóm công nghệ thông tin và viễn thông lần lượt đạt 29,7 lần và 59,3 lần, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 3 năm.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Chứng khoán Thiên Việt (TVS), nhận định rằng các cơ hội mua dài hạn tại các nền giá tích lũy lớn đã qua. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội giải ngân ngắn hạn trong các nhịp điều chỉnh, nhằm tận dụng lợi thế từ các kỳ vọng tăng trưởng trung hạn.

Nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông tiếp tục có triển vọng tăng trưởng nhờ xu hướng toàn cầu và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, mức định giá hiện tại đã phản ánh phần lớn kỳ vọng tương lai, đặc biệt là từ mảng AI và chuyển đổi số. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về chiến lược giải ngân, ưu tiên mục tiêu ngắn hạn và theo dõi sát sao các tín hiệu điều chỉnh của thị trường.

Cơ hội "sắm Tết" cho các nhà đầu tư chứng khoán ngay trong tháng 1

Thị trường chứng khoán tháng đầu năm 2025 chứng kiến VN-Index giảm 4%, nhưng chuyên gia vẫn kỳ vọng sóng hồi về 1.250 - 1.260 ...

Chứng khoán phiên sáng 14/1: Diễn biến giằng co, tiền vào nhỏ giọt

Thị trường chứng khoán phiên sáng nay chưa thấy tín hiệu khả quan nào rõ nét, khi sức ép trên diện rộng lại xuất hiện ...

Đầu tư công hứa hẹn "mở khóa" tiềm năng Giao thông Đèo Cả (HHV)

Năm 2025, Chính phủ chi 790.700 tỷ đồng cho đầu tư công, tập trung các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán