Số hóa dịch vụ logistics: Không để doanh nghiệp ‘lạc nhịp’ cuộc chơi 4.0

24/04/2025 - 17:14
(Bankviet.com) Chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yếu tố sống còn với ngành dịch vụ logistics Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0.
Lựa chọn dịch vụ logistics mới cho hàng xuất khẩu đi châu Âu Bộ Công Thương đồng hành cùng ngành dịch vụ logistics Gia Lai tăng cường liên kết để dịch vụ logistics ‘cất cánh’

Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp, đặc biệt là khối vừa và nhỏ, vẫn còn hạn chế do vướng mắc về chi phí, công nghệ và con người. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Xuân Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) – đã chỉ ra những rào cản lớn, đồng thời chia sẻ các sáng kiến cụ thể từ Hiệp hội nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số bền vững và toàn diện.

Số hóa dịch vụ logistics: Không để doanh nghiệp ‘lạc nhịp’ cuộc chơi 4.0
Ông Nguyễn Xuân Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) - Ảnh: VLA

Mức độ sẵn sàng còn thấp

- Thưa ông, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, nhưng không dễ với doanh nghiệp logistics Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. VLA đánh giá ra sao về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Đúng là chuyển đổi số đang là xu hướng không thể đảo ngược trong mọi lĩnh vực, trong đó có logistics – ngành đóng vai trò huyết mạch trong chuỗi cung ứng quốc gia. Tuy nhiên, theo khảo sát và đánh giá của chúng tôi, mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp logistics Việt Nam hiện nay chỉ ở mức trung bình khá, tức khoảng 2,5 đến 3 trên thang điểm 5. Điều đó có nghĩa là mới khoảng 50% doanh nghiệp có sự chuẩn bị và triển khai ban đầu cho chuyển đổi số, chủ yếu là ở những doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc được đầu tư từ nước ngoài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là tính chất đặc thù của ngành dịch vụ logistics – với các hoạt động tác nghiệp trải dài từ vận tải, kho bãi, giao nhận, thông quan cho đến phân phối – thường diễn ra tại hiện trường, liên quan tới nhiều đối tác, khách hàng và đơn vị trung gian. Điều đó khiến quá trình số hóa không thể thực hiện một cách đơn lẻ, mà cần sự phối hợp đồng bộ từ hạ tầng công nghệ, nguồn lực con người đến quy trình quản trị. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa hiện nay vẫn đang bị động, thiếu chiến lược rõ ràng và chưa có đủ năng lực tài chính, công nghệ để đầu tư bài bản cho chuyển đổi số.

Số hóa dịch vụ logistics: Không để doanh nghiệp ‘lạc nhịp’ cuộc chơi 4.0
Chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp logistics (Ảnh minh hoạ)

Đâu là rào cản lớn?

- Thưa ông, đâu là những thách thức cụ thể khiến doanh nghiệp logistics vẫn chậm chuyển đổi số? Đó là vấn đề chi phí, công nghệ hay tư duy quản trị?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Thách thức đến từ nhiều phía, nhưng nổi bật nhất là chi phí đầu tư và khả năng lựa chọn giải pháp công nghệ phù hợp. Việc chuyển đổi số trong logistics không chỉ là mua một phần mềm hay thiết bị công nghệ về là xong, mà đó là quá trình tái cấu trúc tổng thể từ quản trị, quy trình, nhân sự đến văn hóa doanh nghiệp.

Về công nghệ, hiện có rất nhiều giải pháp, từ trong nước đến quốc tế, phục vụ cho từng công đoạn trong chuỗi logistics như quản lý kho (WMS), vận tải (TMS), theo dõi đơn hàng (OMS), định tuyến tối ưu, tự động hóa xử lý đơn hàng... Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách lựa chọn giải pháp phù hợp với mô hình kinh doanh, quy mô hoạt động và năng lực tài chính của mình. Thực tế, nhiều doanh nghiệp bị choáng ngợp bởi sự đa dạng của các giải pháp, nhưng lại thiếu đội ngũ kỹ thuật đủ hiểu biết để đánh giá và triển khai.

Một rào cản lớn khác là nguồn nhân lực. Đội ngũ làm logistics ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, từ tài xế, nhân viên kho đến nhân sự văn phòng, cán bộ kỹ thuật và quản lý cấp trung – cấp cao. Tuy nhiên, nhận thức và kỹ năng công nghệ của lực lượng lao động này còn nhiều hạn chế, thiếu đồng đều. Điều đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đầu tư công nghệ xong không sử dụng được hiệu quả, hoặc áp dụng rời rạc, thiếu kết nối giữa các khâu.

Tư duy quản trị cũng là vấn đề không nhỏ. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), vẫn quen với cách làm truyền thống, ngại thay đổi hoặc chưa thực sự hiểu được lợi ích dài hạn của chuyển đổi số. Họ lo ngại rủi ro khi thay đổi mô hình vận hành, e ngại chi phí ban đầu cao mà chưa nhìn thấy được giá trị bền vững từ việc ứng dụng công nghệ vào logistics.

Không để doanh nghiệp “tự bơi”

- Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã và đang triển khai những sáng kiến gì nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng chuyển đổi số?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Với vai trò tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam, chúng tôi xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo của VLA đã được thành lập để thực hiện nhiệm vụ này một cách bài bản và chiến lược.

Cụ thể, VLA tổ chức thường xuyên các hội thảo, toạ đàm chuyên đề, mời các chuyên gia công nghệ, đại diện các công ty giải pháp số chia sẻ trực tiếp với doanh nghiệp về kinh nghiệm triển khai, bài học thực tiễn, mô hình thành công trong nước và quốc tế. Chúng tôi xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về các giải pháp chuyển đổi số đã được kiểm chứng trong ngành logistics, từ đó tư vấn và giới thiệu cho hội viên theo từng nhu cầu cụ thể.

Ngoài ra, VLA cũng chủ động kết nối các doanh nghiệp hội viên với các công ty công nghệ – đặc biệt là các công ty đang là thành viên của VLA – để hỗ trợ khảo sát, phân tích và triển khai giải pháp số phù hợp với từng doanh nghiệp. Việc kết nối này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo điều kiện hình thành các “hệ sinh thái số” trong ngành logistics.

Gần đây nhất, chúng tôi triển khai hai mô hình hỗ trợ chuyên biệt: “Logistics số cho thương mại điện tử” và “Logistics cho nông nghiệp”. Đây là hai lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng mạnh và yêu cầu rất cao về khả năng thích ứng công nghệ. Trong cả hai mô hình, VLA đóng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và các nhà phát triển giải pháp công nghệ, đảm bảo hai bên cùng hiểu, cùng hợp tác hiệu quả.

Một trong những định hướng lớn của VLA là tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi mô hình, tiêu chuẩn và công nghệ tiên tiến. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi học tập kinh nghiệm tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Singapore – những quốc gia có hệ thống logistics hiện đại hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, sự kiện Đại hội FIATA toàn cầu sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 10/2025 – đây là cơ hội rất lớn để chúng ta tiếp cận trực tiếp các nhà cung cấp giải pháp logistics quốc tế, từ công nghệ quản lý kho, tự động hóa vận hành đến nền tảng dữ liệu kết nối chuỗi cung ứng. Tại hội nghị này, VLA sẽ tổ chức các phiên chuyên đề về chuyển đổi số, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư, nhà cung cấp phần mềm và chuyên gia tư vấn quốc tế.

Chúng tôi cũng duy trì các chương trình đào tạo trực tuyến, hội thảo chuyên đề hàng quý để cập nhật xu hướng công nghệ mới và cách tiếp cận toàn diện trong xây dựng hệ sinh thái logistics thông minh – bền vững. Đặc biệt, tiêu chuẩn hóa dữ liệu và liên kết hệ thống đang là ưu tiên hàng đầu, bởi đó là nền tảng để các công nghệ mới như blockchain, AI hay IoT phát huy hiệu quả.

Con người – “nút thắt” quyết định thành bại của chuyển đổi số

- Theo ông, yếu tố nào là quan trọng nhất để xây dựng hệ sinh thái logistics số bền vững tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Theo tôi, yếu tố then chốt vẫn là con người. Dù công nghệ có tiên tiến đến đâu, chính sách có ưu đãi cỡ nào, thì nếu thiếu đội ngũ nhân lực am hiểu, có kỹ năng và tư duy công nghệ, thì việc chuyển đổi số vẫn chỉ là khẩu hiệu.

Đội ngũ nhân sự tham gia vào chuỗi logistics – từ lái xe, nhân viên kho, nhân viên giao nhận đến bộ phận điều phối, kế toán, phân tích dữ liệu – đều phải được đào tạo bài bản, hiểu rõ vai trò của mình trong chuỗi và sử dụng thành thạo các công cụ số. Muốn vậy, cần một chiến lược đào tạo dài hạn, đồng bộ giữa nhà trường – doanh nghiệp – hiệp hội.

Chúng tôi cũng đề xuất xây dựng khung năng lực số ngành logistics, làm cơ sở cho việc phát triển chương trình đào tạo chuẩn hóa, cấp chứng chỉ nghề nghiệp số, và đánh giá mức độ sẵn sàng số của doanh nghiệp theo ngành. Chỉ khi nào nhân lực sẵn sàng, hệ sinh thái logistics số mới thực sự vận hành hiệu quả và bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Chiều ngày 24/4/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương (số 23 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Báo Công Thương phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0”. Hội thảo nhằm thảo luận các vấn đề cốt lõi để ngành logistics Việt Nam phát triển bền vững, bao gồm: chuyển đổi số, logistics xanh, tăng cường kết nối vận tải đa phương thức, phát triển kho thông minh, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain vào tối ưu chuỗi cung ứng. Đây là sự kiện chuyên ngành quan trọng, góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách và kết nối hợp tác giữa cơ quan quản lý – doanh nghiệp – tổ chức trong nước và quốc tế.

Phương Lan

Theo: Báo Công Thương