Theo VNDirect, 4 doanh nghiệp nội địa là Viettel, VNPT, FPT Telecom và CMC Telecom - nắm giữ 97% thị phần trng tâm dữ liệu trong nước, nhờ việc tận dụng lợi thế từ nền tảng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tại thời điểm tháng 4/2024, Viettel chính thức khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 tại Hòa Lạc, nâng tổng số trung tâm dữ liệu mà doanh nghiệp này sở hữu lên con số 14 với công suất 87 MW. Đây là mức lớn nhất tại thị trường Việt Nam, song vẫn nhỏ so với tiêu chuẩn quốc tế, nơi những trung tâm lớn có thể đạt từ 100 đến 200 MW. Đáng chú ý, trung tâm dữ liệu Hòa Lạc của Viettel có diện tích sàn 21.000 m², hơn 60.000 máy chủ, 2.400 tủ rack và công suất điện 30 MW. Điều này giúp nó trở thành trung tâm dữ liệu có công suất điện lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, danh hiệu "lớn nhất" lại không chỉ có một tiêu chí. Trước đó, vào tháng 10/2023, VNPT đã khai trương Trung tâm dữ liệu VNPT IDC Hòa Lạc với quy mô 23.000 m² và 2.000 tủ rack. Mặc dù VNPT không công bố công suất điện, nhưng tại thời điểm khai trương, đây là trung tâm dữ liệu có tổng diện tích lớn nhất và nhiều tủ rack nhất. Nhưng với sự xuất hiện của trung tâm Viettel Hòa Lạc, VNPT IDC Hòa Lạc hiện tại chỉ còn giữ danh hiệu trung tâm có tổng diện tích sử dụng lớn nhất.
FPT cũng là một cái tên đáng chú ý trong cuộc đua này. Năm 2020, doanh nghiệp này khởi công xây dựng trung tâm dữ liệu tại Khu Công nghệ cao, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, với diện tích 10.000 m² và 3.600 tủ rack. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, đây sẽ là trung tâm dữ liệu có lượng tủ rack lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, dự án này đã nhiều lần trì hoãn, từ kế hoạch ban đầu năm 2021 đến nay dời sang 2025. Bên cạnh đó, FPT hiện đang vận hành ba trung tâm dữ liệu gồm FPT Duy Tân (Hà Nội), FPT Tân Thuận (TP. Hồ Chí Minh) và FPT Fornix (Hà Nội), với tổng năng lực đáp ứng 8.000 m² và 3.400 tủ rack.
Không chỉ có Viettel, VNPT và FPT, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam còn ghi nhận sự tham gia của VNG và ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC). Cả hai hợp tác xây dựng hai trung tâm dữ liệu tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó STT VNG Ho Chi Minh City 1 được đổi tên từ VNG Data Center (khai trương năm 2022). Trung tâm STT VNG Ho Chi Minh City 2, dự kiến hoạt động vào năm 2026, sẽ có công suất điện 60 MW, hứa hẹn trở thành trung tâm dữ liệu có công suất điện lớn nhất khi hoàn thiện.
Ngoài việc cạnh tranh về quy mô, công suất và số lượng tủ rack, một số doanh nghiệp còn hướng tới các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng dịch vụ. CMC Corp, dù không sở hữu trung tâm dữ liệu lớn nhất, lại nhấn mạnh vào tiêu chuẩn bảo mật. Doanh nghiệp này đang vận hành ba trung tâm dữ liệu và tự hào là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn An toàn Hệ thống thông tin Cấp độ 4. Trung tâm CMC Tân Thuận với diện tích 10.000 m² và 1.200 tủ rack được đánh giá là hiện đại và an toàn nhất vào năm 2022.
Bên cạnh đó, một xu hướng mới đang dần định hình ngành trung tâm dữ liệu, khi công suất điện và khả năng làm mát ngày càng được xem trọng hơn số lượng tủ rack. Điều này xuất phát từ nhu cầu xử lý dữ liệu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực AI. GreenNode, đơn vị thuộc VNG, đã hợp tác cùng NVIDIA và STT GDC để khai trương trung tâm xử lý dữ liệu AI tại Bangkok (Thái Lan), một trong những cơ sở AI Cloud lớn đầu tiên tại Đông Nam Á.
Nhìn chung, danh hiệu "trung tâm dữ liệu lớn nhất" tại Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Viettel đang dẫn đầu về tổng công suất điện và số trung tâm dữ liệu, VNPT giữ vững vị trí về diện tích sử dụng, trong khi FPT hứa hẹn sở hữu trung tâm có lượng tủ rack lớn nhất sau khi hoàn thành dự án tại TP. Hồ Chí Minh. VNG và STT GDC cũng không kém cạnh khi đặt mục tiêu thiết lập trung tâm dữ liệu có công suất điện 60 MW vào năm 2026. Trong bối cảnh nhu cầu lưu trữ và xử lý dữ liệu tiếp tục tăng cao, cuộc đua giữa các "ông lớn" này chắc chắn sẽ còn nhiều diễn biến đáng chú ý trong thời gian tới.
Giải thích các khái niệm liên quan đến trung tâm dữ liệu: Rack (tủ rack): Là khung hoặc tủ chuyên dụng để lắp đặt và sắp xếp các thiết bị phần cứng trong trung tâm dữ liệu. Các thiết bị này bao gồm máy chủ, bộ chuyển mạch (switch), bộ định tuyến (router), thiết bị lưu trữ và nhiều hệ thống khác. Việc sử dụng tủ rack giúp tối ưu không gian, quản lý cáp gọn gàng và đảm bảo luồng không khí để làm mát thiết bị hiệu quả. Công suất điện (MW): Là tổng lượng điện mà trung tâm dữ liệu tiêu thụ để vận hành tất cả các thiết bị bên trong, bao gồm cả hệ thống máy chủ, thiết bị mạng, hệ thống làm mát và các thành phần khác. Công suất điện càng lớn, trung tâm dữ liệu càng có khả năng chứa nhiều thiết bị hơn và xử lý khối lượng công việc lớn hơn. Diện tích (m²): Chỉ không gian vật lý mà trung tâm dữ liệu sử dụng để lắp đặt thiết bị phần cứng, hệ thống làm mát, nguồn điện và các cơ sở hạ tầng khác. Trung tâm dữ liệu có diện tích lớn thường có khả năng mở rộng tốt hơn, giúp doanh nghiệp dễ dàng bổ sung thêm thiết bị mà không cần xây dựng cơ sở hạ tầng mới. Khi đánh giá một trung tâm dữ liệu, ngoài công suất điện, còn cần xem xét các yếu tố như hiệu quả sử dụng năng lượng (PUE), khả năng làm mát và tiềm năng mở rộng trong tương lai. Một trung tâm dữ liệu có hiệu suất cao không chỉ đảm bảo vận hành ổn định mà còn giúp tiết kiệm chi phí điện năng và giảm thiểu tác động đến môi trường. |
![]() | Trung tâm dữ liệu MobiFone Node 3 vinh dự nhận chứng chỉ ANSI/TIA-942 Rated 3 Trung tâm dữ liệu MobiFone Node 3 trở thành một trong số ít các Trung tâm dữ liệu quy mô lớn tại TP.HCM đạt tiêu ... |
![]() | Soi tiềm năng thị trường trung tâm dữ liệu nhìn từ "đầu tàu" FPT Thị trường trung tâm dữ liệu tại Việt Nam đang bùng nổ nhờ sự hỗ trợ từ Luật Viễn thông 2023 và Nghị định 53/2022/NĐ-CP. ... |
Thu Hà