Trong khi Goldman Sachs Group Inc. và Credit Suisse Group AG ghi nhận các mối đe dọa đối với vị thế tối cao của đồng đô la, thì theo các quỹ Brandywine Global Investment Management hay JPMorgan Asset Management, việc tìm kiếm một sự thay thế là một thách thức cực lớn. Quy mô và sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới là vô song, trái phiếu kho bạc vẫn là một trong những nơi an toàn nhất để lưu trữ tiền và đồng đô la vẫn là điểm đến của các dòng chảy vốn.
Mark Mobius, một chuyên gia kỳ cựu trên thị trường bốn thập kỷ và là người sáng lập Mobius Capital Partners cho rằng, không có lựa chọn tiền tệ nào khác tại thời điểm này để thay thế cho đồng bạc xanh. "Đồng đô-la vẫn mạnh và có thể sẽ mạnh hơn nếu căng thẳng tiếp tục leo thang."
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, gần 90% các giao dịch trên thị trường ngoại hối - tương đương 6,6 nghìn tỷ USD mỗi ngày, vẫn liên quan đến đồng bạc xanh.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đồng tiền của Mỹ cũng chiếm khoảng 60% dự trữ ngoại hối của NHTW bất chấp những nỗ lực giảm dần tỷ lệ nắm giữ đồng đô-la. Đối thủ gần nhất, đồng euro, chiếm khoảng 20% các kho dự trữ.
Kerry Craig, chiến lược gia tại JPMorgan Asset Management ở Melbourne, cho biết: “Bạn có thể mua yên, euro hoặc đô la Úc để đa dạng hóa nhưng tôi không nghĩ rằng chúng có thể thực sự thay thế đồng đô la như một khoản dự trữ. Mỹ vẫn là một cường quốc thống trị trên sân khấu kinh tế toàn cầu.”
Đồng đô-la Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Nguồn: Bloomberg, IMF
Tuy nhiên, những nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang được chú ý nhiều hơn.
Đồng nhân dân tệ đã tăng nhanh hơn so với các đồng khác. Nguồn: Bloomberg, IMF
Tại cuộc điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện trong tháng này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cuộc chiến ở Ukraine có thể đẩy nhanh nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phát triển các giải pháp thay thế cho cơ sở hạ tầng thanh toán quốc tế do đồng đô la chi phối. Goldman Sachs cho rằng đồng nhân dân tệ sẽ vượt qua đồng yên và bảng Anh để trở thành đồng tiền dự trữ lớn thứ ba thế giới vào năm 2030 và Morgan Stanley cho rằng đồng tiền Trung Quốc chiếm tới 10% tài sản ngoại hối toàn cầu trong thập kỷ tới.
Ông Benjamin Jones, giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Invesco Ltd., đơn vị giám sát 1,5 nghìn tỷ USD, cho biết quyết định sử dụng đồng bạc xanh của Mỹ như một vũ khí đang đẩy nhanh sự chuyển dịch sang các lựa chọn thay thế như đồng nhân dân tệ. Mặc dù đồng tiền Trung Quốc có thể không vượt qua đồng đô la, nhưng nó có thể trở thành “tài sản dự trữ khác sẽ hoạt động song song với nhau theo thời gian”.
Việc cho phép một đồng tiền giao dịch tự do là điều cần thiết cho vị thế toàn cầu nhưng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với đồng nhân dân tệ được coi là một trở ngại. Vị thế thị trường mới nổi của Trung Quốc cũng đang chứng tỏ là một trở ngại, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn theo sau phương Tây về cơ sở hạ tầng tài chính phát triển.
Tỷ lệ thanh toán của đồng nhân dân tệ trên Swift so với đồng đô-la và đồng euro. Nguồn: Bloomberg, Swift
Tỷ lệ thanh toán của đồng nhân dân tệ trên hệ thống toàn cầu Swift chỉ ở mức 3%, so với tỷ lệ khoảng 40% của đồng đô-la và 37% của đồng euro.
Ngay cả khi có tin tức rằng Ả Rập Xê-út đang xem xét định giá một số giao dịch bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ cũng không gây được ấn tượng với các nhà đầu tư.
Anders Faergemann, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao về thu nhập cố định toàn cầu tại PineBridge Investments, cho biết Trung Quốc có sức mạnh kinh tế để sánh ngang với quyền lực bá chủ cũ của Mỹ, tuy nhiên nước này vẫn chưa xây dựng cơ sở hạ tầng đủ để trở thành một cường quốc tài chính. Ông nói: “Đồng Nhân dân tệ vẫn có cảm giác như một giải pháp muộn màng trên thị trường tài chính”.
Còn Steven Barrow, Trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ tại Ngân hàng Standard ở London chia sẻ: “Vấn đề trong trường hợp của Trung Quốc đó là, các biện pháp kiểm soát vốn giúp cách ly tiền tệ và hệ thống tài chính khỏi sự mơ hồ trong chính sách của Fed và sự biến động của đồng đô la, lại chính là những biện pháp ngăn đồng nhân dân tệ trở thành đối thủ nặng ký của đồng đô-la”.
Tỷ trọng dự trữ ngoại hối toàn cầu của đồng nhân dân tệ hiện ở mức khoảng 2,7%, xếp sau đồng yên và đồng bảng Anh.
Bên cạnh đó, các lựa chọn thay thế đồng đô la khác cũng có nhược điểm.
Đồng euro là đồng tiền dự trữ được nắm giữ rộng rãi nhất sau đồng bạc xanh, nhưng danh tiếng của nó vẫn bị đe dọa từ trải nghiệm “cận chết” trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào năm 2010. Vàng - tài sản dự trữ toàn cầu trong phần lớn thế kỷ 20, là không thực tế khi chuyển dịch trong một thế giới mà tiền bạc chuyển tay với tốc độ ánh sáng.
Tiền mã hóa thì không có nhiều ràng buộc như tiền pháp định song lại quá mới và biến động để khẳng định vị thế toàn cầu.
Jack McIntyre, giám đốc danh mục đầu tư tại Brandywine có trụ sở tại Philadelphia cho biết, điều này khiến các nhà đầu tư không có lựa chọn thực sự khả thi nào thay thế cho đồng đô-la. “Liệu có bất kỳ quốc gia nào phù hợp với nền kinh tế, sức mạnh quân sự và thị trường sâu rộng như Mỹ ngay bây giờ không? Tôi nghĩ là không.” Ông McIntyre nhận định. "Đây không phải là thời điểm mà đồng đôla có thể bị thay thế."
Minh Ngọc
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ