Ngày 26/11/2024, tại Hà Nội, Trường Đại học Đại Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Sự phát triển của
Fintech và những tác động về mặt xã hội - Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. Tham dự Hội thảo, về phía các bộ, ngành, có TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo, Ban
Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược
ngân hàng,
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng. Về phía Trường Đại học Đại Nam, có TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo; PGS., TS. Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng; các thành viên Hội đồng Trường, thành viên Ban Giám hiệu, lãnh đạo các khoa. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo một số ngân hàng thương mại (NHTM), công ty Fintech, đông đảo các chuyên gia
tài chính và công nghệ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học của các trường đại học.
Cần tăng cường đầu tư cho giáo dục tài chính đến toàn thể cộng đồng
Fintech đã và đang đóng vai trò then chốt trong thời đại Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, không chỉ thúc đẩy hiện đại hóa ngành tài chính và ngân hàng trên toàn cầu mà còn mở ra cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, Fintech giúp giảm thiểu chi phí, tăng tiện ích và trải nghiệm người dùng, qua đó, mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và góp phần xây dựng nền
kinh tế bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của Fintech cũng đi kèm những thách thức đòi hỏi các
chính sách kiểm soát, đặc biệt trong việc bảo mật dữ liệu và đảm bảo an toàn tài chính.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Lê Đắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Trường, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo cho biết, sự phát triển của Fintech đã mang đến những tác động tích cực và cả những tác động không mong muốn. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sự phát triển của Fintech tại Việt Nam có thể đóng góp được nhiều nhất và an toàn nhất đối nền kinh tế và xã hội đất nước, từ những kinh nghiệm của các nước đi trước trong khu vực và thế giới. Để đạt được mục tiêu của Hội thảo, các chủ đề được trình bày và tham luận tại Hội thảo sẽ tập trung vào 4 vấn đề, bao gồm: (i) Thực trạng về sự phát triển của Fintech và những tác động đối với cải thiện thu nhập, tăng cường tiếp cận tài chính và công bằng xã hội; (ii) Sự phát triển của Fintech đối với nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp siêu nhỏ, tăng cường tính minh bạch và cải thiện môi trường kinh tế, bảo vệ môi trường tự nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững; (iii) Nhận diện những tác động không mong muốn của sự phát triển của Fintech mang lại như rủi ro tài chính, các hình thức lừa đảo và giao dịch gian lận…; (iv) Xây dựng những bài học kinh nghiệm về tăng cường lợi ích xã hội của sự phát triển Fintech ở các nước trong khu vực và trên thế giới, qua đó, đề xuất những giải pháp và khuyến nghị đối với Việt Nam.
TS. Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Đại Nam,
Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (
BIDV) với tham luận: “Tác động kinh tế - xã hội của Fintech: Định hướng quản lý đối với Việt Nam” chỉ ra một số tác động chính của Fintech đến kinh tế - xã hội. Về mặt tích cực, Fintech thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kinh tế số, tạo việc làm, cải thiện khả năng tiếp cận tài chính. Về mặt tiêu cực, Fintech gây ra các rủi ro như vấn đề bảo mật thông tin, dữ liệu, an ninh mạng, lừa đảo trực tuyến, rủi ro kỹ thuật.
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV trình bày tham luận tại Hội thảo
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng chỉ ra cách tiếp cận về quản lý Fintech theo nghiên cứu của World Bank gồm: Chờ đợi, quan sát; thử nghiệm và học hỏi; cơ chế thúc đẩy sáng tạo; cải cách pháp luật. Từ đó, TS. Cấn Văn Lực nêu một số khuyến nghị. Đối với các định chế tài chính, doanh nghiệp Fintech, trường đại học, viện nghiên cứu: Cần xây dựng và thực thi chiến lược chuyển đổi số, chiến lược công nghệ thông tin… như là cấu phần của chiến lược phát triển chung; tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ, chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu, tạo điều kiện phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, kênh phân phối hiện đại; tăng cường công tác quản trị rủi ro công nghệ, an toàn thông tin, dữ liệu, phòng tránh tội phạm, lừa đảo về công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, các định chế tài chính, doanh nghiệp Fintech, trường đại học, viện nghiên cứu tiếp tục đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin và chuyển đổi số, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút và giữ chân
nhân sự; chủ động kết nối với các đối tác, khách hàng, tạo lập và dẫn dắt hệ sinh thái cung ứng dịch vụ tài chính (open finance/banking…); đồng thời, tăng cường vai trò tham gia hệ sinh thái, kiến nghị chính sách và giáo dục tài chính. Đối với cơ quan quản lý: Việt Nam nên chuyển đổi cách tiếp cận chờ đợi và quan sát hiện nay sang cách tiếp cận chủ động hơn như “thử nghiệm và học hỏi” để quản lý Fintech; đồng thời, cơ chế, chính sách có liên quan đến Fintech cần sớm được hoàn thiện như Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và nhân rộng cho Fintech trong ngành
chứng khoán,
bảo hiểm nhằm tăng khả năng tiếp cận tài chính; nghiên cứu, ban hành các quy định về trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thuế và đầu tư (gồm cả đầu tư mạo hiểm) cho các doanh nghiệp Fintech Startup, đồng thời, nên xây dựng một cơ quan đầu mối quản lý Fintech (như ủy ban liên ngành) để đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp, cũng như xây dựng các quy định một cách đồng bộ. Đối với NHNN, chủ động rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong hoạt động trung gian thanh toán, ngân hàng đại lý, chuẩn kết nối Open API; cải thiện cơ sở hạ tầng về viễn thông, mạng Internet, kết nối 5G, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia và cho phép các định chế tài chính và Fintech truy cập, sử dụng kho dữ liệu này, ngoài ra nên tăng cường đầu tư cho giáo dục tài chính đến toàn thể cộng đồng.
Trình bày tham luận: “Thanh toán kỹ thuật số: Thực tiễn và chương trình giảng dạy”, Giáo sư Solomon Ne
gash, Đại học Kennesaw State đề cập đến giải pháp thanh toán kỹ thuật số. Theo Giáo sư Solomon Negash, các trở ngại trong thanh toán bao gồm các quy định pháp lý khác nhau giữa các quốc gia, vấn đề gian lận, rửa tiền và yêu cầu xác minh khách hàng phức tạp, hệ sinh thái thanh toán bị kìm hãm bởi sự can thiệp quá mức của các bên trung gian, nhiều đối tượng luôn tìm cách tối đa hóa lợi nhuận cho riêng mình. Để giảm thiểu những rủi ro này, số hóa hệ thống thanh toán là lựa chọn cần thiết và hợp lý, đã và đang tác động tích cực đến hệ thống thanh toán tại Ethiopia. Đến năm 2024, hầu hết các thanh toán dịch vụ, thanh toán nhiên liệu, thanh toán giữa chính phủ và người dân (G2P), của người dân với chính phủ (thuế, tiền phạt…), thanh toán nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thực phẩm… đều được số hóa.
PGS., TS. Lê Thanh Tâm - Viện Ngân hàng -
Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân với tham luận: “Các yếu tố quyết định sự hình thành công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính: Bằng chứng thực nghiệm từ khu vực châu Á”. Bằng cách tiếp cận định lượng, kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả các yếu tố gồm vốn đầu tư tài chính của quỹ đầu tư mạo hiểm, người dùng Internet, tự do kinh tế và lực lượng lao động đều ảnh hưởng tích cực đến sự gia tăng số lượng công ty khởi nghiệp Fintech tại châu Á. Trong đó, tự do kinh tế có ảnh hưởng tích cực nhất. Một môi trường thuận lợi và thân thiện với doanh nghiệp là phương thức tối ưu để khuyến khích sự hình thành và hoạt động của các công ty khởi nghiệp, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp Fintech. Ngoài ra, chất lượng lao động là yếu tố cần thiết để tăng cường đổi mới; tính khả dụng của nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cũng có tác động mạnh. Do đó, đối với các công ty khởi nghiệp Fintech, việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức gặp nhiều khó khăn nên nguồn vốn đầu tư mạo hiểm càng trở nên cần thiết. Bên cạnh đó, số lượng người dùng Internet gia tăng sẽ cải thiện cơ sở hạ tầng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp Fintech trong việc lên ý tưởng và đổi mới, sáng tạo. Nghiên cứu cũng khẳng định sự ổn định của tổ chức tài chính truyền thống ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của công ty khởi nghiệp Fintech, trong khi đó không có kết luận về ảnh hưởng của GDP và hai cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác (thuê bao
điện thoại di động và thuê bao cố định cho Internet tốc độ cao) đối với sự hình thành các công ty khởi nghiệp Fintech ở châu Á.
Từ kết quả nghiên cứu, PGS.,TS. Lê Thanh Tâm đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty khởi nghiệp Fintech như sau:
Thứ nhất, tăng cường môi trường kinh doanh thuận lợi và thân thiện với Fintech, trong đó cần đơn giản hóa quy trình cấp phép hoạt động, xây dựng các môi trường thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) phù hợp và điều chỉnh các quy định liên quan đến dữ liệu và an ninh mạng;
Thứ hai, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ và cơ hội đầu tư cho các công ty khởi nghiệp Fintech;
Thứ ba, xây dựng lực lượng lao động có tay nghề, trong đó khuyến khích các chương trình giáo dục tập trung vào Fintech, cung cấp các chương trình đào tạo lại được chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện trao đổi kiến thức cho người lao động;
Thứ tư, khuyến khích phát triển hạ tầng số; theo đó, cần nâng cao khả năng tiếp cận Internet và di động, cho phép các hệ thống xác minh và nhận diện số, đầu tư vào hạ tầng thanh toán an toàn, hiệu quả;
Thứ năm, thúc đẩy sự hợp tác toàn diện giữa các chủ thể trong hệ sinh thái Fintech.
Hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ chưa hoàn thiện gây khó khăn cho doanh nghiệp Fintech
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Fintech là lĩnh vực có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Hiện nay có khoảng 260 công ty Fintech, trong đó lĩnh vực ngân hàng có khoảng 180 công ty. 60% số công ty này nằm trong lĩnh vực thanh toán. Nếu ngân hàng truyền thống không đổi mới sẽ bị các công ty Fintech này vượt mặt. Đến nay, hoạt động của các công ty Fintech vô cùng mạnh mẽ, hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho các hoạt động thanh toán. Việc kết hợp giữa Fintech và ngân hàng, vì vậy, cũng được quan tâm sát sao và bước đầu ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ có kết hợp Fintech. Bên cạnh đó, những lợi ích thúc đẩy chuyển đổi số của ngành Ngân hàng theo hướng đổi mới nhanh hơn và giảm chi phí mạnh hơn. Hiện nay, thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam, Thái Lan, Lào đã và đang được quan tâm phát triển, tuy nhiên trên thực tế, người Thái Lan qua Việt Nam và ngược lại không thể thanh toán QR Code được. Nguyên nhân do Việt Nam chỉ đang áp dụng chuyển tiền đến 90% chứ không phải thanh toán. Muốn thanh toán phải có Merchant (trong lĩnh vực Fintech, thường được hiểu là đơn vị chấp nhận thanh toán) và những Merchant này phải có sự liên kết, theo đó, có sự hài hòa lợi ích với các chi phí bỏ ra.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, thời gian qua, NHNN đã giao Hiệp hội Ngân hàng xây dựng quy trình phối hợp giữa các Merchant của các hội viên Hiệp hội để giải quyết bài toán thanh toán xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chính vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng đã mời nhiều ngân hàng và 2 đơn vị Momo và VNPay để cùng làm việc, tìm ra giải pháp cho vấn đề trên. Ngoài ra, hiện nay, vấn đề lừa đảo qua mạng trong thực tiễn với khoảng 16.000 vụ, số tiền khoảng 390.000 tỉ đồng (năm 2023). Do vậy, vấn đề an toàn và bảo mật, giảm thiểu rủi ro trong quá trình chuyển đổi số và ứng dụng Luật Phòng, chống rửa tiền là vô cùng quan trọng. Theo đó, các NHTM cũng đang quan tâm tích cực đến việc phòng, chống rửa tiền thông qua nhiều giải pháp khác nhau.
Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động của lĩnh vực Fintech: Thứ nhất, về hành lang pháp lý, Luật Giao dịch điện tử đã được ban hành, tuy nhiên Nghị định về giao dịch điện tử chưa được ban hành với một số nội dung liên quan đến vấn đề tăng phí để bảo vệ quyền lợi của người dân trong bối cảnh chuyển đổi số. Về vấn đề Sandbox, vẫn còn nhiều nội dung chưa hoàn thiện, chưa sát với thực tế, dù Sandbox có được thông qua nhưng vẫn chỉ mang tính chất tham khảo; Thứ hai, cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đạt được yêu cầu; Thứ ba, doanh nghiệp Fintech khó khăn trong mô hình kinh doanh, quản trị và hướng phát triển lâu dài; Thứ tư, ý thức của người dùng Fintech còn hạn chế, người dân chưa có ý thức bảo vệ thông tin cá nhân; Thứ năm, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể như cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người dân.
Fintech làm thay đổi yêu cầu về nguồn nhân lực, do đó, đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi kết hợp nền tảng công nghệ với kiến thức kinh tế - xã hội
Theo PGS., TS. Đào Văn Hùng - Nguyên Giám đốc Học viện
Chính sách và Phát triển, Fintech làm thay đổi rất nhiều những khái niệm đã từng được nêu ra trước đây. Đồng thời, Fintech cũng làm thay đổi yêu cầu về nguồn nhân lực, do đó, đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi kết hợp nền tảng công nghệ với kiến thức ngân hàng, kinh tế - xã hội. PGS., TS. Đào Văn Hùng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các trường đại học nói chung cần nghiên cứu, thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp đáp ứng được yêu cầu của
thị trường.
Còn ông Hồ Văn Tuấn, Phó Tổng Giám đốc NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (
Vietcombank) thì nhấn mạnh vai trò quan trọng của Fintech trong việc thay đổi và thúc đẩy
hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Ông đề cập đến những tác động lớn của Fintech, bao gồm cả cơ hội cũng như thách thức và khẳng định chiến lược phát triển mạnh mẽ của Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo ông Hồ Văn Tuấn, những cơ hội do Fintech mang lại có thể nói tới như:
Thứ nhất, nâng cao trải nghiệm khách hàng: Các dịch vụ như ngân hàng số, ví điện tử, Chatbot giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, tiện lợi mọi lúc, mọi nơi; công nghệ hỗ trợ tự động hóa quy trình, giảm thời gian xử lý và chi phí, đồng thời cải thiện năng suất; mở rộng đối tượng khách hàng, từ nhóm trẻ yêu công nghệ đến những khách hàng lớn tuổi.
Thứ hai, tăng cường sáng tạo: Các ngân hàng, bao gồm Vietcombank, có cơ hội hợp tác với Fintech để phát triển các sản phẩm mới như thanh toán QR code, ví điện tử, vay trực tuyến và quản lý tài chính cá nhân. Ứng dụng công nghệ như AI, Big Data, Blockchain trong các hoạt động như phát hiện gian lận, chấm điểm tín dụng và cá nhân hóa dịch vụ.
Thứ ba, hợp tác đa dạng: 80 - 90% Fintech tại Việt Nam hợp tác với ngân hàng để cung cấp giải pháp hoặc dịch vụ tích hợp. Vietcombank đã hợp tác với nhiều đối tác Fintech như MoMo, ZaloPay và các công ty công nghệ lớn để mở rộng hệ sinh thái dịch vụ.
Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Hồ Văn Tuấn phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Hồ Văn Tuấn cũng chỉ ra một số thách thức cần vượt qua: Một là, về nguồn nhân lực. Ngân hàng cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, việc
tuyển dụng nhân lực phù hợp còn hạn chế; Hai là, về an ninh và bảo mật. Các dịch vụ Fintech, dù tiện lợi, đối mặt với nhiều rủi ro an ninh mạng, đòi hỏi ngân hàng đầu tư mạnh vào hệ thống bảo mật và kiểm soát rủi ro toàn diện; Ba là, về cạnh tranh: Các Fintech linh hoạt, cung cấp dịch vụ thanh toán với chi phí thấp, giao diện thân thiện, tạo áp lực cạnh tranh lớn cho ngân hàng truyền thống.
Do vậy, chiến lược của Vietcombank trong thời gian tới là: (i) Về chuyển đổi số: Vietcombank xác định chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu, tập trung vào số hóa, dữ liệu, công nghệ và mô hình vận hành. Ngân hàng đang nâng cấp các hệ thống như ngân hàng lõi, quản lý dữ liệu và bảo mật để đáp ứng nhu cầu đổi mới; (ii) Đầu tư công nghệ: Vietcombank ứng dụng AI và Big Data để cá nhân hóa dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Blockchain cũng đang được thử nghiệm trong thanh toán và bảo mật; (iii) Hợp tác trong lĩnh vực Fintech: Ngân hàng tiếp tục mở rộng hợp tác với các công ty Fintech để phát triển các sản phẩm tài chính sáng tạo, từ thanh toán số đến
cho vay trực tuyến; (iv) Về quản lý rủi ro: Xây dựng hệ thống bảo mật 3 lớp và các biện pháp quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo an toàn thông tin.
Trình bày tham luận: “Các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thẻ tín dụng tại Đài Loan”, ông Frank Kao -
CEO Công ty Insight Capital cho biết, hệ thống Transpromo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của thẻ tín dụng tại Đài Loan. Transpromo có cơ chế phân tích hiệu suất khách hàng sử dụng toàn diện thông qua việc theo dõi hiệu suất quảng cáo, kiểm soát dữ liệu tương tác của khách hàng, phân tích, trích xuất các báo cáo liên quan… Ngoài ra, Transpromo thúc đẩy hoạt động tiếp thị, truyền thông của đơn vị phát hành một cách hiệu quả thông qua các tính năng hiển thị rõ ràng, thông báo thời gian thực và bằng các điều kiện tương tác cụ thể… Bên cạnh đó, Transpromo giúp gia tăng thị phần cho doanh nghiệp phát hành thông qua việc gia tăng niềm tin, sự cam kết thường xuyên sử dụng của khách hàng, đặc biệt là khả năng giữ chân khách hàng trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ mới, qua đó, thúc đẩy lòng trung thành và tin tưởng của khách hàng.
Ông Frank Kao - CEO Công ty Insight Capital trình bày tham luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, công nghệ số đang tấn công mạnh mẽ vào ngành tài chính - ngân hàng và buộc ngành phải thay đổi. Hiện nay, ngành Ngân hàng Việt Nam đang chuyển đổi sang thời kỳ Open Banking, nhưng công nghệ thông tin hiện nay cũng chưa đủ để phát triển nếu không có Data phù hợp. Dựa vào thông tin khách hàng chúng ta có thể xác định chủ thể sở hữu và hưởng lợi từ nguồn thông tin đó. Tại các quốc gia châu Âu như Vương quốc Anh, có quy định bắt buộc ngân hàng phải chia sẻ thông tin dữ liệu theo yêu cầu khách hàng. Ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam theo đó cũng dần phải thay đổi để xây dựng, ban hành luật về dữ liệu cá nhân nhằm phục vụ cho ngân hàng mở, dư địa Fintech theo đó cũng được mở rộng. Cơ sở hạ tầng như API mở sẽ được khai thác tối đa, mở ra nhiều cơ hội cho các bên tham gia, chẳng hạn như công ty Fintech (Fintech hiện nay mới đang khai thác tiềm năng ban đầu, chưa được khai thác hết tối đa tiềm năng của nó), đây cũng chính là triển vọng để phát triển lĩnh vực Fintech trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Fintech có một số tác động tiêu cực đến xã hội như gây ra sự thiếu công bằng, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, giă tăng sự chênh lệch kinh tế - xã hội
PGS., TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với tham luận “Các tác động tiêu cực của Fintech đến xã hội: Nghiên cứu tổng quan tài liệu và một số khuyến nghị nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, thúc đẩy phát triển xã hội bền vững” chỉ ra các tác động tiêu cực của Fintech đến xã hội như gây ra sự thiếu công bằng, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, thụ hưởng các lợi ích của Fintech thể hiện qua tiếp cận các dịch vụ, gia tăng sự chênh lệch kinh tế - xã hội.
PGS., TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện Nghiên cứu con người, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
trình bày tham luận tại Hội thảo
Theo PGS., TS. Nguyễn Thị Hoài Lê, Fintech có thể gây ra sự loại trừ những nhóm yếu thế, làm các nhóm này không thụ hưởng được những thành tựu của công nghệ. Bên cạnh đó, Fintech được cho là có ảnh hưởng không tốt đến việc phân bổ tài sản do thúc đẩy phân bổ tài sản vào nơi có rủi ro cao. Sự phát triển nhanh của Fintech có thể làm các quy định pháp lý không theo kịp, dẫn đến thiếu lỗ hổng trong quản lý. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, PGS., TS. Nguyễn Thị Hoài Lê nêu một số khuyến nghị như: Cơ sở hạ tầng mạng đủ lớn và đủ an toàn (tiếp cận tốt, an toàn, tạo lòng tin); khung pháp lý đủ mạnh nhưng không quá cứng nhắc (bảo vệ các nhóm dễ tổn thương, nhà đầu tư nhỏ lẻ, các chủ thể tham gia thị trường, phát huy vai trò của công nghệ quản lý như tạo ra các tiêu chuẩn quản lý, phát triển giám sát dựa trên công nghệ mới); năng lực của các chủ thể tham gia thị trường (học tập và thích nghi liên tục, nâng cao hiểu biết tài chính cá nhân, kiểm soát nhịp độ phát triển của chính công ty Fintech).
Còn ông Hà Đức Quân, Trưởng Phòng - Vietcombank đã chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về công tác phòng, chống rửa tiền, đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của Fintech đang tác động đến nền kinh tế. Ông Hà Đức Quân nhấn mạnh rằng, việc phòng, chống rửa tiền không chỉ đơn thuần là trách nhiệm cá nhân mà còn liên quan đến cả hệ thống tài chính. Theo ông Quân, công tác này hiện bao gồm hai khía cạnh chính, đó là chính sách và công nghệ. Về mặt chính sách, các cơ quan quản lý đưa ra các hướng dẫn, trong khi NHTM triển khai áp dụng. Tuy nhiên, ông Quân cũng chỉ ra rằng sự phát triển nhanh chóng của các hình thức Fintech mới đã tạo nên những thách thức lớn cho hệ thống ngân hàng, vốn chỉ bắt đầu đẩy mạnh công tác phòng, chống rửa tiền trong vài năm gần đây.
Một ví dụ cụ thể được ông Quân đưa ra là việc theo dõi các giao dịch qua các ví điện tử như MoMo. Dòng tiền từ ngân hàng vào ví điện tử và ngược lại thường rất khó truy vết, đòi hỏi áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến như AI và Machine Learning. Đây là những công cụ cần thiết để nhận diện rủi ro, phân loại các nhóm đối tượng giao dịch và đưa ra cảnh báo sớm.
Ngoài ra, ông Quân cũng đề xuất hoàn thiện chương trình đào tạo chuyên sâu hơn về Fintech và phòng, chống rửa tiền trong các trường đại học. Ông kỳ vọng việc bổ sung những học phần này sẽ giúp nâng cao năng lực của nhân sự tương lai, đáp ứng yêu cầu của ngành tài chính hiện đại.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (
Agribank) cho biết, Agribank luôn xác định rằng không thể đứng ngoài sự phát triển của công nghệ và quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của Agribank nằm ở thủ tục pháp lý và quy trình đầu tư. Là ngân hàng 100% vốn nhà nước, các thủ tục phê duyệt dự án công nghệ thường rất phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để cải thiện. Ngoài ra, Agribank cũng đối mặt với các vấn đề về nguồn nhân lực và cần sự phối hợp chặt chẽ với các công ty Fintech để triển khai hiệu quả những dự án chuyển đổi số. Một vấn đề quan trọng khác, Việt Nam hiện nằm trong danh sách theo dõi về chống rửa tiền. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các cơ chế pháp lý, bảo mật dữ liệu và tăng cường đào tạo cán bộ để cải thiện khả năng giám sát và tuân thủ các quy định quốc tế.
PGS., TS. Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam phát biểu tổng kết Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS., TS. Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam nhấn mạnh, những ý kiến thảo luận tại Hội thảo là những đóng góp tâm huyết, những ý tưởng độc đáo, những luận cứ khoa học và thực tiễn, đặc biệt các ý kiến phát biểu, thảo luận đã góp phần vào sự phát triển an toàn và bền vững của Fintech Việt Nam, bắt kịp với xu thế và sự phát triển của Fintech ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Tại Hội thảo này, các đại biểu, các nhà khoa học và các chuyên gia thực tế đã tập trung khai thác các vấn đề chính, như: (i) Hoàn thiện hành lang pháp lý; (ii) Thúc đẩy đầu tư công nghệ, tăng cường hợp tác giữa các định chế tài chính và các doanh nghiệp với các công ty công nghệ Fintech; (iii) Tăng cường bảo mật thông tin và quản trị rủi ro; (iv) Nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của Fintech Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hội thảo đã cho thấy là một diễn đàn khoa học, một khóa tập huấn bổ ích cho toàn thể đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường đại học nói chung và Trường Đại học Đại Nam nói riêng cũng như tất cả những ai quan tâm đến sự phát triển của Fintech nhằm nâng cao nhận thức, cơ sở lý luận cũng như chọn lọc được những bài học kinh nghiệm thực tế về sự phát triển của Fintech trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa nền kinh tế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Quỳnh Anh