Sơn Á Đông: Vốn tăng, thanh khoản "chìm", cổ tức trả đều như "vắt tranh"

17/01/2025 - 19:30
(Bankviet.com) Công ty CP Sơn Á Đông (HOSE: ADP) là doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường khi nắm giữ lượng lớn thị phần toàn quốc. Doanh nghiệp này làm ăn ổn định và đều đặn trả cổ tức bằng tiền khá hấp dẫn. Tuy vậy, cổ phiếu ADP của hãng luôn nằm trong danh sách những cổ phiếu kém thanh khoản trong thời gian qua.

Tên tuổi lớn ngành sơn, liên tục tăng vốn

Được thành lập năm 1970, Sơn Á Đông là một trong hai nhà sản xuất lớn chi phối thị trường miền Nam trước năm 1975. Năm 2000 Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Đây là nhà sản xuất tiên phong sản phẩm sơn tôn cuộn (PCM) tại Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất cả nước.

Công ty hiện nắm giữ khoảng 22% thị phần sơn PCM, 8% thị phần sơn tàu biển và công nghiệp độ bền cao và 6% thị phần sơn xây dựng và trang trí gốc dầu. Công ty hiện là nhà cung cấp thường xuyên cho các khách hàng lớn nhất tại Việt Nam như: Vietsovpetro, Vinashin Corp., Lilama Corp., Tôn Phương Nam, T.A VietNam. Sản phẩm của Công ty được phân phối thông qua các hệ thống cửa hàng tại Hà Nội, Nha Trang, Phú Thọ, Nam Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Rạch Giá, và Cần Thơ.

Các chỉ số tài chính khá đẹp của Sơn Á Đông sau 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn
Các chỉ số tài chính khá đẹp của Sơn Á Đông sau 9 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn

Từ khi cổ phần hóa vào năm 2000, công ty đã liên tục thực hiện các đợt tăng vốn nhằm mở rộng hoạt động và củng cố năng lực tài chính.

Bước ngoặt quan trọng đầu tiên của Sơn Á Đông diễn ra vào năm 2000 khi Xí nghiệp Sơn Á Đông được cổ phần hóa, trở thành Công ty CP Sơn Á Đông với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng. Đây là cột mốc đánh dấu sự chuyển mình của doanh nghiệp trong bối cảnh ngành sơn Việt Nam bắt đầu cạnh tranh khốc liệt hơn.

Bốn năm sau, vào tháng 10/2004, Sơn Á Đông tăng vốn điều lệ lên 30 tỷ đồng, sử dụng hoàn toàn nguồn vốn tự tích lũy.

Đến tháng 12/2006, Công ty tiếp tục nâng vốn từ 30 tỷ đồng lên 50 tỷ đồng thông qua đóng góp mua cổ phần của cổ đông hiện hữu và người lao động. Những đợt tăng vốn này cho thấy chiến lược tái đầu tư lợi nhuận của Sơn Á Đông để hỗ trợ tăng trưởng bền vững.

Năm 2010, cổ phiếu ADP của Sơn Á Đông được chấp thuận giao dịch trên sàn UPCoM, đánh dấu sự gia nhập chính thức vào thị trường chứng khoán. Ngay sau đó, Công ty sử dụng nguồn vốn tích lũy để tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 64 tỷ đồng thông qua phát hành cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Năm 2015, Sơn Á Đông tiếp tục tăng vốn lên 95,9 tỷ đồng bằng nguồn vốn tích lũy, trước khi đạt mốc 153,35 tỷ đồng vào năm 2016.

Đợt tăng vốn gần đây nhất diễn ra vào năm 2021, khi công ty phát hành gần 7,7 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 2:1 (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Sơn Á Đông đã tăng lên hơn 230 tỷ đồng. Con số này được giữ nguyên cho đến hiện tại. Năm 2023, cổ phiếu ADP chính thức niêm yết trên HOSE, được kỳ vọng mở ra giai đoạn phát triển mới khi có cơ hội tiếp cận về nguồn vốn và các đối tác.

Thời gian qua, Sơn Á Đông duy trì kết quả kinh doanh rất ổn định và chính sách cổ tức khá hấp dẫn. Quý 3/2024, Sơn Á Đông mang về 215,8 tỷ đồng doanh thu và 18,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng 41,3% về doanh thu và lãi ròng giảm nhẹ so với quý 3/2023. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, ADP đạt doanh thu 628,3 tỷ đồng và 68,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 79,6% và 85,4% so với cùng kỳ.

Kinh doanh thuận lợi, Sơn Á Đông đều đặn chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông. Mới đây, hãng sơn này đã tặng ‘quà Giáng Sinh’ cho cổ đông khi chi hơn 16 tỷ đồng thanh toán cổ tức đợt 3 năm 2024 tỷ lệ 7%, đúng vào ngày 24/12/2024. Năm 2024, Công ty đã 3 lần trả cổ tức bằng tiền, tổng tỷ lệ 22%, tương đương gần 51 tỷ đồng.

Trước đó, doanh nghiệp này đều đặn trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ hấp dẫn, như 25% vào năm 2023, 17% vào năm 2022 và 22% vào năm 2021.

Với chính sách cổ tức hấp dẫn và kết quả kinh doanh ổn định trong nhiều năm, đáng ngạc nhiên là cổ phiếu ADP lại thanh khoản rất èo uột trên thị trường.

Cổ phiếu ADP thanh khoản rất èo uột

Theo dữ liệu của Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu ADP có khối lượng giao dịch rất thấp. Sau phiên giao dịch ngày 14/1/2024, chỉ 2.300 cổ phiếu được khớp lệnh với giá trị giao dịch hơn 66,5 triệu đồng. Phiên sáng 17/1 không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.

Từ đầu năm 2025, tổng khối lượng khớp lệnh cổ phiếu ADP chỉ đạt 56.600 cổ phiếu sau 8 phiên, với giá trị giao dịch vỏn vẹn 1,64 tỷ đồng.

Trong quý 4/2024, tổng khối lượng khớp lệnh là 283.800 cổ phiếu sau 66 phiên, với giá trị hơn 8,2 tỷ đồng. Đặc biệt, trong suốt 52 tuần qua, không có phiên giao dịch nào của ADP vượt mốc 100.000 cổ phiếu, cho thấy mức thanh khoản rất thấp so với tiềm năng của doanh nghiệp.

Khối lượng cổ phiếu ADP của Sơn Á Đông được khớp lệnh trong mỗi phiên luôn ở mức rất thấp. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn
Khối lượng cổ phiếu ADP của Sơn Á Đông được khớp lệnh trong mỗi phiên luôn ở mức rất thấp. Nguồn: Trung tâm dữ liệu Kinhtechungkhoan.vn

Hiện tại, các cổ đông lớn của Sơn Á Đông nắm giữ khoảng 57,85% cổ phần. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nhung, cùng gia đình và người thân, kiểm soát 32,42% cổ phần. Các cổ đông lớn khác như Lê Đình Quang (9,22%), Đỗ Thụy Thúy Vy (7,13%), Tống Quốc Minh (4,98%) cũng đóng vai trò quan trọng. Dù tỷ lệ cổ phần tự do giao dịch khá lớn, nhưng cổ phiếu ADP vẫn không thu hút được dòng tiền mạnh mẽ từ nhà đầu tư.

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng có thể Sơn Á Đông chưa có chiến lược quan hệ nhà đầu tư (IR) hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động truyền thông mạnh mẽ để quảng bá về tiềm năng phát triển và lợi thế kinh doanh. Điều này khiến nhà đầu tư không nắm bắt được đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, dẫn đến sự thờ ơ với cổ phiếu ADP.

Ngoài ra, quy mô vốn hóa trung bình của Sơn Á Đông cũng là một rào cản lớn. Các cổ phiếu vốn hóa trung bình thường không được các quỹ đầu tư lớn quan tâm, trong khi nhà đầu tư cá nhân lại có xu hướng lựa chọn các cổ phiếu thuộc ngành tăng trưởng nhanh hơn như bất động sản, ngân hàng hay công nghệ. Đặc thù ngành sơn và vật liệu xây dựng cũng không phải lĩnh vực thu hút dòng tiền đầu cơ, dù doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Số liệu giao dịch cho thấy, khối lượng đặt mua cổ phiếu ADP khá thấp. Sau 8 phiên giao dịch đầu năm 2025, tổng khối lượng đặt mua là 80.400 cổ phiếu, trong khi khối lượng đặt bán ở mức 90.000 cổ phiếu. Điều này cho thấy nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà với cổ phiếu, bất chấp hiệu quả kinh doanh và chính sách cổ tức tốt.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nhung cùng người thân kiểm soát hơn 32% cổ phiếu Sơn Á Đông
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Nhung cùng người thân kiểm soát hơn 32% cổ phiếu Sơn Á Đông

Theo một chuyên gia tư vấn tại Công ty chứng khoán, để cải thiện thanh khoản, Sơn Á Đông cần đẩy mạnh các hoạt động quan hệ nhà đầu tư nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu trên thị trường chứng khoán. Công ty cũng có thể xem xét phát hành thêm cổ phiếu hoặc khuyến khích cổ đông lớn giảm tỷ lệ sở hữu để tăng lượng cổ phiếu tự do giao dịch. Ngoài ra, thu hút nhà đầu tư tổ chức thông qua các chính sách quản trị minh bạch và chiến lược dài hạn cũng là hướng đi khả thi.

Sinh năm 1941, bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch HĐQT Sơn Á Đông là một trong những nữ chủ tịch lớn tuổi nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay. Bà Nhung gắn bó với Sơn Á Đông từ năm 1976. Năm 2020, bà Nguyễn Thị Nhung từng thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của công ty. Đến tháng 4/2022, bà lại quay lại vị trí Chủ tịch HĐQT, vị trí Tổng giám đốc chuyển cho con trai Võ Hồng Hà. Hiện ông Hà đảm nhận vai trò Phó tổng giám đốc hãng sơn lâu năm này.

Bài 2: Kinh doanh phát đạt, cổ phiếu Ô tô Trường Long vẫn 'tắc' thanh khoản

Quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam, không khó để thấy nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, trả cổ tức hấp dẫn nhưng ...

Tìm giải pháp tăng thanh khoản cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán

LTS: Thanh khoản là "mạch máu" của thị trường chứng khoán, phản ánh sức sống và sự hấp dẫn của từng cổ phiếu. Năm 2024, ...

Cao Thái

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán