Sơn La: Chủ động các giải pháp đáp ứng quy định chống phá rừng của châu Âu

04/12/2023 - 02:09
(Bankviet.com) Mặt hàng cà phê của Sơn La là một trong những mặt hàng chịu tác động từ Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).
Điểm tên 3 mặt hàng nông lâm sản chịu sự điều chỉnh bởi Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) Tận dụng EVFTA để xuất khẩu cà phê sang Bắc Âu: Giải pháp nào để thực thi Quy định chống phá rừng?

Hiệp định EVFTA đã tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản nói chung, xuất khẩu cà phê nói riêng vào thị trường EU thuận lợi hơn khi được ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, các hàng rào phi thuế quan cũng được dựng lên ngày càng nhiều.

Đơn cử, ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo đó, EU cấm nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su của Việt Nam nếu được sản xuất trên đất phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020. Tất cả 100% các sản phẩm nông nghiệp vào EU phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám. Như vậy, cà phê khi nhập khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị GPS đến từng vườn.

Sơn La: Chủ động các giải pháp đáp ứng quy định chống phá rừng của châu Âu
Sơn La chủ động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê

Trong danh mục những mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ Luật chống phá rừng của châu Âu, tỉnh Sơn La có mặt hàng cà phê bị ảnh hưởng. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.700 ha cây cà phê, sản lượng bình quân hằng năm trên 32.400 tấn cà phê nhân, tập trung chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn, thành phố Sơn La, Thuận Châu. Diện tích cà phê của tỉnh Sơn La chỉ chiếm 2,8% diện tích của cả nước, nhưng diện tích cà phê chè (Arabica) của tỉnh lại chiếm 50,34% diện tích cả nước.

Để chủ động thích ứng với các quy định của phía bạn, UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng và ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định xuất khẩu các hàng hóa và các sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR) trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên cung cấp thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp, HTX những quy định xuất khẩu hàng hóa có quy định liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu; phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX của tỉnh tham gia các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ, xuất khẩu đối với sản phẩm nông lâm sản của tỉnh theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Sơn La đã chủ động xây dựng chuỗi liên kết với người nông dân nhằm đảm bảo cây trồng đáp ứng được các quy định của phía EU. Theo đó, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La đang liên kết với trên 1.600 hộ dân trên địa bàn các xã của huyện Mai Sơn và thành phố Sơn La với diện tích trên 2.000 ha cà phê có chứng nhận RA (chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững).

Hằng năm, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Công ty đến từng vùng nguyên liệu kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân hiểu và chấp hành nghiêm quy trình sản xuất; cách sử dụng hóa chất nông nghiệp; kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM); có sổ ghi chép trong quá trình canh tác... Định kỳ đánh giá mức độ tuân thủ tiêu chuẩn của các nông hộ; hỗ trợ nông dân thực hiện tốt tiêu chuẩn.

Mai Sơn là vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh, với tổng diện tích 8.786 ha; trong đó, 99% là cà phê Arabica. Để duy trì, giữ vững thương hiệu “Cà phê Sơn La”, năm 2022, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La và Công ty TNHH Tuấn Út Sơn La xây dựng thành công 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã: Chiềng Ban, Chiềng Chung, Chiềng Dong, với tổng diện tích trên 1.000 ha của 1.560 hộ.

Từ đầu năm đến nay, Công ty Phúc Sinh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA cho trên 2.000 nông dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các các xã, bản lựa chọn xây dựng vườn mẫu, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái và cấp phát sổ ghi chép quá trình canh tác cho các hộ, để Công ty có cơ sở truy nguồn gốc. Đồng thời, Công ty có 1 tổ tư vấn trực tiếp cho bà con, đảm bảo không sử dụng những thuốc bảo vệ thực vật cấm.

Ông Nguyễn Văn Thao – Chủ nhiệm HTX Cà phê Bích Thao – Sơn La chia sẻ thêm, để xây dựng chuỗi sản xuất và xuất khẩu cà phê bền vững, hiện nay, HTX Cà phê Bích Thao đang liên kết với 800 hộ đồng bào để chuyển sang trồng cây cà phê đặc sản, đẩy mạnh đầu tư công nghệ sơ chế và chế biến. Hiện nay cà phê đặc sản làm hàng xuất khẩu của HTX đã lên đến 97%, lượng còn lại phục vụ nội địa.

Từ năm 2017, khi HTX được thành lập, HTX Cà phê Bích Thao đã định hướng sản xuất cà phê chất lượng cao theo hướng hữu cơ. Ví dụ như sử dụng nguyên liệu từ vỏ cà phê để chuyển sang làm phân bón. HTX cũng đã xây dựng 54 khu sơ chế lên men, xuất đi nước nào thì lên men theo tiêu chuẩn nước đó.

Bằng việc trồng và chế biến rang xay, hiện nay sản phẩm của các thành viên HTX rất ổn định, mang lại cho người trồng, HTX thu nhập cao.

Ngoài ra, huyện Mai Sơn còn phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến ký liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê tại các xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Nà Ớt; liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp bản Co Sâu, xã Chiềng Mai, với 470 hộ, diện tích 543 ha. Năm 2023, Công ty đã triển khai hỗ trợ miễn phí hoàn toàn cây giống, phân bón, hướng dẫn bà con sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 60 ha cà phê các bản Co Sâu, xã Chiềng Mai, Sàng Nà Tre, xã Chiềng Ban, Ớt Chả, xã Nà Ớt.

Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt triển khai thực hiện tại 8 tỉnh, trong đó có tỉnh Sơn La. Ngày 11/5/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Kết luận về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2030. Mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025, giá trị sản xuất cà phê chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt; đến năm 2025, toàn tỉnh thực hiện tái canh 8.000 ha cà phê; phát triển 3.900 ha cà phê đặc sản; phát triển 15.000 ha vùng nguyên liệu cà phê bền vững; duy trì và phát triển 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao trở lên; duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý Cà phê Sơn La.

Hằng năm, xuất khẩu trên 25.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước khu vực Nam Mỹ... Giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 100 triệu USD; góp phần tạo việc làm, ổn định thu nhập cho trên 18.000 hộ gia đình trồng cà phê. Bảo vệ môi trường nước, không khí trong vùng trồng, sơ chế, chế biến cà phê. Để đạt được mục tiêu này, Sơn La phấn đấu sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để đảm bảo Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương