Sơn La: Khuyến khích trồng dâu tây Mộc Châu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm

18/01/2024 - 13:05
(Bankviet.com) Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dâu tây Mộc Châu cho quả to, mọng nước, đỏ tươi, vị ngọt đã, đang từng bước khẳng định thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dâu tây Mộc Châu ngập chợ, giá rẻ Cơ hội thưởng thức Dâu tây Mộc Châu đa dạng kích cỡ, giá siêu rẻ

Cây dâu tây được đưa vào trồng ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) từ hơn 10 năm trước đây. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng dâu tây và nắm bắt nhu cầu thị trường, huyện Mộc Châu đã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng mở rộng diện tích trồng dâu tập trung.

Sơn La: Khuyến khích trồng dâu tây Mộc Châu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm
Hiệu quả kinh tế cao cho cây dâu tây Mộc Châu

Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, khí hậu và thổ nhưỡng dây tây Mộc Châu phát triển tốt, quả chín căng mọng, có vị ngọt thanh, mẫu mã bắt mắt, được thị trường ưa chuộng. Trung bình mỗi héc ta dâu tây cho thu hoạch khoảng 10 - 15 tấn quả/vụ, với giá bán từ 100 - 250 nghìn đồng/kg mỗi loại. Trừ chi phí có lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/vụ/ha và đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Sơn La: Khuyến khích trồng dâu tây Mộc Châu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm
Việc thu hái dâu tây cũng phải hết sức nhẹ nhàng

Theo chia sẻ của một số nhà vườn, dâu tây cho giá trị kinh tế cao, nhưng cũng là loại nông sản rất khó tính, đòi hỏi nhiều công chăm bón hết sức khoa học và cẩn thận. Trong đó cách làm luống cũng được bố trí để cho cây hấp thụ được đầy đủ ánh sáng, sinh trưởng mạnh và tăng khả năng ra hoa, kết trái. Các luống dâu đều phủ bằng rơm, rạ hoặc lá thong, ni long… để khi dâu ra quả không tiếp xúc với đất, không bị sâu bệnh.

Sơn La: Khuyến khích trồng dâu tây Mộc Châu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm
Dâu tây tại Mộc Châu cho quả to, mọng nước, màu đỏ tươi

Để đảm bảo chất lượng quả, toàn bộ giống dâu đều do người dân chủ động ươm trồng. Hiện nay, phần lớn người dân trồng dâu theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới; sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, bón phân tự động, để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Quy trình sản xuất liên hoàn, từ tháng 4-8 làm giống, tháng 8-12 xuống giống, chăm cây, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau thu hái.

Sơn La: Khuyến khích trồng dâu tây Mộc Châu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm
Xếp và đóng gói để cung cấp ra thị trường

Thăm nông trại dâu tây Farm Lâm Anh rộng 3 ha của gia đình anh Hoàng Đình Lâm (trú tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đang vào thời điểm chín rộ, các thành viên gia đình đang tất bật thu hoạch dâu tây, cắt cuống, xếp hộp, cung cấp cho thị trường.

Sơn La: Khuyến khích trồng dâu tây Mộc Châu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm
Quả dâu tây được phân ra từng loại để đóng gói

Anh Lâm chia sẻ, mỗi ngày gia đình thu hoạch khoảng 150kg quả, thu hái đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Năm nay, gia đình anh canh tác theo mô hình hữu cơ, xây dựng hệ thống nhà lưới cùng với hệ thống tưới nhỏ giọt, nên năng suất đạt cao hơn 20-30% so với các năm trước. Dự tính vườn dâu tây năm nay gia đình thu khoảng 30 tấn quả. Theo anh Lâm, dâu tây năm nay quả to, mẫu mã đẹp hơn nên giá bán được giá. Trung bình giá bán buôn dâu tây thời điểm hiện tại dao động từ 100-300 nghìn đồng/kg (tuỳ từng loại: Vip, to, nhỡ và bi). Anh Lâm tiết lộ, ngoài thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Farm Lâm Anh còn cung cấp cả cho thị trường ở Sài Gòn và Cần Thơ.

Các nhà vườn cũng cho biết, do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên dâu tây tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho quả to, mọng nước, màu đỏ tươi, vị ngọt thanh. Cây dâu tây trồng tại Mộc Châu cho năng suất cao đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương. Ngoài bán quả dâu tây tươi, chủ các trang trại dâu tây còn chế biến các sản phẩm, như: Mứt dâu tây, dâu tây sấy dẻo, siro dâu tây, rượu dâu tây... Hiện nay, dâu tây Mộc Châu đã trở thành một trong những sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện. Nhiều sản phẩm dâu tây tại các vườn lớn đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hiệu quả kinh tế cao cho cây dâu tây Mộc Châu
Những vườn dâu tây tại Mộc Châu, tỉnh Sơn La mang lại giá trị kinh tế cao

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế từ thu hoạch quả, những vườn dâu tây tại Mộc Châu còn thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm. Bước chân vào vườn dâu tây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng mà còn được thưởng thức những trái dâu tây tươi ngon. Chỉ cần bước chân vào luống dâu tây đang mùa thu hoạch, chúng ta thấy ngay dưới tán lá xanh rậm rạp là những quả dâu tây đủ kích cỡ, đủ sắc đỏ. Cúi người, ngắt từng quả dâu đỏ tươi, căng mọng đưa lên ngắm nghía rồi cắn nhẹ, cảm nhận vị ngọt ngào nơi đầu lưỡi.

Sơn La: Khuyến khích trồng dâu tây Mộc Châu theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm
Dâu tây mang lại giá trị kinh tế cao và việc làm ổn định cho người dân địa phương

Được biết, với giá trị của cây dâu tây mang lại, thời gian qua, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã khuyến khích các gia đình, doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP, để nâng cao giá trị sản phẩm. Thực sự cây dâu tây đã và đang khẳng định giá trị kinh tế, góp phần giúp người dân Mộc Châu thực hiện khát vọng làm giàu.

Phạm Tiệp-Thanh Thảo

Theo: Báo Công Thương