Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu TTN của Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT) tiếp tục có cho mình thêm một phiên tăng mạnh 12,05%, đưa thị giá lên mức 18.600 đồng/cổ phiếu với gần 2 triệu cổ phiếu sang tay. Trước đó, TTN cũng đã có 3 phiên liên tiếp tăng mạnh, trong đó có tới 2 phiên tăng kịch trần.
Hiện tại, TTN cũng đã ở vùng giá cao nhất trong vòng 2 năm qua. Thực tế, đà tăng "nóng" của TTN đã xuất hiện từ đầu tháng 3, với mức tăng ghi nhận hơn 100% chỉ sau ba tháng. Mặc dù thị giá đã ở vùng đỉnh, cổ phiếu TTN vẫn thường xuyên trong trạng thái "cháy hàng" với dư mua giá trần từ vài trăm đến cả triệu đơn vị.
TTN cũng đã ở vùng giá cao nhất trong vòng 2 năm qua |
Theo tìm hiểu, Công ty CP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam được thành lập năm 2008 với sự góp vốn của ba cổ đông sáng lập chính, gồm Becamex IDC, VNPT và BIDV. Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, Becamex là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 48,59%. VNPT xếp thứ hai với tỷ lệ sở hữu 5,45%. Theo sau là Công ty CP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật với tỷ lệ 4,63% cổ phần TTN.
Khởi đầu với nhiệm vụ cơ bản là cung cấp dịch vụ viễn thông, IT (ICT) cho nhà đầu tư tại các khu công nghiệp của Becamex, đến nay VNTT đã trở thành đơn vị đáp ứng nhu cầu toàn diện trên 4 mảng chính là Viễn thông, Giải pháp ICT Trung tâm dữ liệu và Cơ điện của các doanh nghiệp tại KCN thuộc Becamex và KCN VSIP khắp cả nước.
VNTT có lợi thế nhờ địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Bình Dương - nơi thu hút vốn đầu tư hàng đầu ở Việt Nam. Nhờ sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh, VNTT có nền tảng kinh doanh khá ổn định với doanh thu trên 300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 30 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 363 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, nguồn thu từ hoạt động viễn thông vẫn giữ vai trò chủ lực với 49%, điện tử hạ tầng viễn thông xếp sau với 33% và dịch vụ Datacenter 11%. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt 33 tỷ đồng, đi ngang so với mức thực hiện năm trước.
Khép lại quý 1/2024, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 13 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ nhờ mảng dịch vụ viễn thông và dịch vụ datacenter đều duy trì mức tăng trưởng tốt. Cho cả năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu đạt 365 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng.
Với nền tảng cốt lõi là công nghệ đa ngành (Viễn thông - Công nghệ thông tin - MEP), VNTT đang hướng đến mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia và đưa các giải pháp và dịch vụ của mình ra các thị trường như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.
Công ty xác định năm 2024 sẽ là năm bản lề trong định hướng phát triển hệ sinh thái kiểu mới theo hướng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực hạ tầng thông minh và chuyển đổi số nhằm tạo ra động lực tăng trưởng cho 3 năm tiếp theo (2025-2028). Theo đó, VNTT sẽ nghiên cứu triển khai 5G và các giải pháp cho KCN thông minh tại Bình Dương, mở rộng dịch vụ viễn thông ra vùng ven của các khu vực hiện tại, gia tăng doanh thu tối đa từ nhóm khách hàng hiện hữu trong "hệ sinh thái" Becamex.
Đặc biệt, trong 5 năm tới, doanh nghiệp đặt mục tiêu ký được hợp đồng quản lý, vận hành, bảo trì cho tất cả các công trình/dự án cơ điện thuộc hệ sinh thái BCM/VSIP để thay thế cho mảng thi công đang bị thu hẹp.
Chứng khoán phiên sáng 6/6: Nhóm ngân hàng kéo VN-Index vượt mốc 1.290 điểm Chứng khoán phiên sáng 6/6, dòng tiền chững lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng tỏa sáng với nhiều mã ghi nhận sắc xanh. Cổ phiếu ... |
Chứng khoán phiên chiều 6/6: Tiếc nuối mốc 1.290 Thị trường chứng khoán phiên hôm nay lại một lần nữa chinh phục và để vụt mất mốc 1.290 điểm, thanh khoản cũng giảm rõ ... |
VN-Index lình xình quanh tham chiếu, dòng tiền cá mập chảy mạnh nhóm ngân hàng Về cuối phiên, thị trường đối mặt với áp lực bán lớn hơn, sau những phút giằng co liên tục, VN-Index đóng cửa dưới mốc ... |
Nguyên Nam