Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Đại biểu Quốc hội đề xuất gì?

10/05/2025 - 18:15
(Bankviet.com) Ủng hộ sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo định hướng linh hoạt, các đại biểu đề xuất mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp địa phương.
Gỡ bỏ rào cản hợp quy, truy cứu trách nhiệm công bố tiêu chuẩn sai lệch Đại biểu Nguyễn Duy Thanh: Công bố hợp quy tạo gánh nặng cho người tiêu dùng Đại biểu Phạm Văn Hòa: Phải tăng mức xử phạt đối với người có sức ảnh hưởng quảng cáo sai

Chiều 10/5/2025, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tại Tổ 13, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh và Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức đã có những góp ý quan trọng, đề xuất giải pháp thực tiễn để nâng cao hiệu lực luật hóa đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) bày tỏ sự đồng thuận về sự cần thiết sửa Luật nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu góp ý không nên đưa “sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” thành một chỉ tiêu bắt buộc trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và địa phương. Bởi lẽ, một chỉ tiêu phát triển cần có hệ thống tiêu chí đo lường cụ thể, có khả năng áp dụng thực tiễn rộng rãi và được lượng hóa rõ ràng. Trong khi đó, hiện chưa có công cụ đo lường đủ tin cậy để lượng hóa hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành nghề vốn rất đa dạng và khác biệt.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) bày tỏ sự đồng thuận về sự cần thiết sửa luật nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn Lào Cai) bày tỏ sự đồng thuận về sự cần thiết sửa Luật nhằm thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nên được đưa vào kế hoạch phát triển như một định hướng lớn, linh hoạt tùy điều kiện từng địa phương. Cách làm này không chỉ đảm bảo tính khả thi mà còn tránh việc “cứng hóa” chính sách. Bà cũng nhấn mạnh cần có lộ trình và hệ thống tiêu chí cụ thể trước khi áp dụng bất kỳ chỉ tiêu bắt buộc nào, nhằm đảm bảo tính khách quan, khả thi và tránh hình thức hóa trong báo cáo.

Không để tình trạng chồng chéo

Về đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bà Lan Anh đồng tình với chủ trương này nhưng cũng lưu ý nguy cơ chồng chéo chức năng với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Việc đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt trong giai đoạn thử nghiệm luôn tiềm ẩn rủi ro, nếu không được kiểm soát sẽ gây thất thoát nguồn lực. Do đó, để bảo đảm hoạt động của Quỹ hiệu quả và đúng mục tiêu, cần có cơ chế vận hành rõ ràng, quy định minh bạch về đối tượng thụ hưởng, tiêu chí lựa chọn dự án và phương thức kiểm tra, giám sát nguồn vốn.

Bà kiến nghị nên ủy thác việc quản lý quỹ cho tổ chức tài chính có năng lực chuyên môn, vận hành theo cơ chế thị trường, dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước. Đây là giải pháp để phòng ngừa nguy cơ thất thoát, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng vốn, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và tổ chức đầu tư. Mô hình quản lý có thể áp dụng hình thức hợp đồng ủy thác cụ thể giữa Nhà nước và đơn vị tài chính được lựa chọn, kèm theo các điều kiện cam kết rõ ràng về trách nhiệm, hiệu quả và định kỳ công khai báo cáo hoạt động.

Ngoài ra, kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia như Thái Lan với quỹ tiết kiệm năng lượng xoay vòng, hay các quỹ chuyển đổi xanh tại châu Âu đều là mô hình thành công có thể học hỏi. Tuy nhiên, khi vận dụng vào bối cảnh Việt Nam, cần điều chỉnh phù hợp với năng lực quản trị và đặc thù thể chế trong nước, tránh tình trạng rập khuôn mô hình nhưng thiếu nguồn lực thực thi hiệu quả.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và địa phương vùng khó khăn

Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk) cho rằng việc sửa đổi Luật lần này cần nhấn mạnh hơn đến yếu tố công bằng và bao trùm trong triển khai chính sách năng lượng, đặc biệt tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đây là nơi đang gặp rất nhiều rào cản trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn vốn đầu tư. Hiện nay, phần lớn các địa phương khó khăn vẫn chưa có khả năng tiếp cận được nguồn tín dụng xanh hoặc các chương trình hỗ trợ năng lượng quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk)
Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đoàn Đắk Lắk)

Ông Đức đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các nội dung cụ thể hơn về chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp hoạt động tại vùng khó khăn, để họ có điều kiện tiếp cận tín dụng xanh, chuyển đổi mô hình sản xuất sang tiết kiệm năng lượng. Đây không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn là yêu cầu về công bằng xã hội và thực thi chính sách dân tộc trong lĩnh vực năng lượng. Các chính sách hỗ trợ cần được cụ thể hóa bằng văn bản dưới luật để địa phương có cơ sở triển khai đồng bộ, tránh tình trạng “luật khung” khó thực thi.

Đại biểu Lưu Văn Đức đặc biệt đề xuất quy định chi tiết các điều khoản như: Hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, cấp tín dụng ưu đãi, và thiết lập cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án đầu tư vào công nghệ sạch. Những quy định này sẽ giúp gỡ điểm nghẽn “chi phí cao lợi ích dài hạn” vốn là trở ngại lớn nhất của nhiều doanh nghiệp nhỏ khi muốn chuyển đổi sang sử dụng năng lượng hiệu quả. Ngoài ra, ông nhấn mạnh việc cần ưu tiên bố trí ngân sách trung ương cho các chương trình tiết kiệm năng lượng tại vùng đặc biệt khó khăn, thay vì chỉ dựa vào khả năng tự cân đối của địa phương.

Cũng theo đại biểu Lưu Văn Đức, nội dung của dự thảo Luật có nhiều điểm giao thoa với các luật hiện hành khác như Luật Đầu tư, Luật Ngân sách, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật... Do đó, cần rà soát kỹ để đảm bảo sự thống nhất pháp lý, tránh xung đột hoặc lặp lại, gây khó khăn cho thực thi ở cấp địa phương. Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành liên quan cần được thực hiện đồng bộ hơn để đảm bảo tính đồng thuận và khả năng phối hợp triển khai khi luật được ban hành.

Một vấn đề đáng chú ý khác được đại biểu đề cập là cải cách thủ tục hành chính. Đại biểu Lưu Văn Đức nhấn mạnh, nếu luật mới vẫn giữ nguyên các quy trình rườm rà như cũ, doanh nghiệp và địa phương sẽ nản lòng trong triển khai. Thay vào đó, cần phân cấp mạnh, tạo cơ chế tự chủ cho địa phương trong xây dựng kế hoạch và kiểm soát thực hiện, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu số hóa dữ liệu năng lượng ngày càng cấp thiết. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu ứng dụng nền tảng số để theo dõi hoạt động tiết kiệm năng lượng theo thời gian thực, từ đó xây dựng hệ thống đánh giá và cảnh báo sớm các nguy cơ thất thoát năng lượng trong sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Lưu Văn Đức cũng đề nghị sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để minh bạch hóa dữ liệu tiêu thụ, hỗ trợ giám sát việc sử dụng năng lượng hiệu quả theo thời gian thực. Đây sẽ là bước tiến quan trọng để quản lý năng lượng trở nên hiện đại, chủ động và có thể giám sát xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Từ những phân tích thẳng thắn, lập luận chặt chẽ và khuyến nghị có cơ sở thực tiễn của hai đại biểu, có thể thấy Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng tích cực. Cụ thể hóa trách nhiệm thực thi ở cả trung ương và địa phương, bảo đảm khả năng giám sát, huy động nguồn lực và thực thi minh bạch, hiệu quả.

Tôi nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...”, Đại biểu Lưu Văn Đức nhấn mạnh.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương