Sửa Luật Đất đai: Cần làm rõ nguyên tắc định giá đất phù hợp với thị trường

05/11/2022 - 20:47
(Bankviet.com) Ngày 1/11, trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Quốc hội chất vấn 5 thành viên Chính phủ với nhiều nội dung quan trọng

Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi)

Những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10

Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương 5 khóa XIII (Nghị quyết 18); phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: quochoi.vn)

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, do đây là dự án luật phức tạp, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề như: Tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 18 cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Đảng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan trong lĩnh vực đất đai; bảo đảm sự phù hợp trong quy định về trường hợp thu hồi đất giữa dự thảo Luật và Hiến pháp. Rà soát sự tương thích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án luật khác đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Đồng thời, cần rà soát các quy định liên quan đến việc sử dụng đất của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan.

Tiếp tục hoàn thiện đánh giá tác động đối với các chính sách trong dự thảo Luật, tránh phân tích định tính, đặc biệt đối với 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau mà Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, trường hợp có chính sách mới được bổ sung so với giai đoạn đề nghị xây dựng Luật thì cần bổ sung đánh giá tác động.

Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung các quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp thực tiễn. Đồng thời, xem xét vấn đề bình đẳng giới, tiếp tục đánh giá, phân tích tác động giới sâu sắc hơn, nghiên cứu lồng ghép giới vào các điều, khoản cụ thể.

Báo cáo thẩm tra đề nghị “cụ thể hóa tối đa” các nội dung trong dự thảo Luật, bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Về vấn đề bổ sung một điều (Điều 4) để làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các luật khác có liên quan, trong quá trình thảo luận và tham vấn còn 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất thống nhất với cách tiếp cận tại dự thảo Luật nhưng loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung này do việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Kinh tế báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về nội dung này.

Ngoài ra, để xử lý mối quan hệ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, đề nghị nghiên cứu xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong điều khoản thi hành.

Về người sử dụng đất (Điều 6), có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa quy định về người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài cũng như việc tiếp cận đất đai có điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Việc tiếp cận đất đai đối với người nước ngoài là vấn đề phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, Nghị quyết 18 cũng không đề cập đến nội dung về công nhận quyền sử dụng đất cũng như không đặt ra vấn đề về tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.

Về giá đất, đề nghị làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”; quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết 18 đặt ra; đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hàng năm; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể... Có ý kiến đề nghị có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất, không làm thất thoát ngân sách nhà nước.

Về giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất (mục 2, Chương IX), Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm yêu cầu của Nghị quyết số 18. Rà soát, bảo đảm phân biệt rõ giữa trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, xác định thứ tự ưu tiên áp dụng đấu giá hay đấu thầu trong trường hợp có dự án vừa đáp ứng điều kiện đấu giá và đấu thầu.

Tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến về các điều kiện đối với đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm phù hợp, khả thi. Bên cạnh đó, cân nhắc kỹ lưỡng quy định cho phép đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do tiềm ẩn nguy cơ khiếu nại, khiếu kiện khi quỹ đất này chưa được giải phóng mặt bằng tại thời điểm đấu giá.

Hoàng Quyên (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán