Sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám

15/11/2023 - 23:59
(Bankviet.com) Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm giành lại độc lập dân tộc của Đảng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”[1].

Từ thành công của cuộc cách mạng vĩ đại này của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã để lại bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian chuẩn bị, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng là giải phóng dân tộc và quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất chống Pháp - Nhật lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm giành lại độc lập dân tộc.

Ngày 25/10/1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Tuyên ngôn của Việt Minh giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chủ trương: “liên hiệp các giới đồng bào yêu nước không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc giải phóng và sinh tồn”[2]. Mặt trận Việt Minh đã đề ra Chương trình cứu nước gồm 44 điểm bao gồm các chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, các tầng lớp nhân dân. Các chính sách này nhằm thực hiện hai mục tiêu: Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập; Làm cho dân Việt Nam sung sướng, tự do.

Mặt trận Việt Minh được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh và phát triển rất mau, rất mạnh. Các tầng lớp quần chúng đông đảo được tổ chức trong những Hội Cứu quốc là thành viên của Mặt trận Việt Minh với nòng cốt là Nông dân Cứu quốc; Công nhân Cứu quốc và các thành viên khác như Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Tự vệ Cứu quốc, Phụ lão Cứu quốc, Nhi đồng Cứu quốc, Văn hóa Cứu quốc...

Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tham gia Mặt trận Việt Minh do Đảng ta sáng lập và lãnh đạo để khôi phục độc lập dân tộc: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/ Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”.

Khi thời cơ ngàn năm có một đã tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc đồng bào đoàn kết chung quanh Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (sau này được cải tổ thành Chính phủ cách mạng lâm thời), đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhân dân cả nước triệu người như một dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề nổi dậy từ khởi nghĩa từng phần đến phạm vi cả nước. Chỉ trong 15 ngày, với sự đoàn kết của toàn dân đã tạo nên sức mạnh to lớn trong tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

Trên thực tế, phát xít Nhật tại Việt Nam lúc đó có đến 90.000 người và được trang bị đầy đủ khí giới. Sau khi nước Nhật đầu hàng Đồng minh (15/8/1945), quân Nhật ở Đông Dương nhận “nhiệm vụ” duy trì trật tự trước khi bị giải giáp. Do vậy, quân Nhật và Trần Trọng Kim không muốn rơi chính quyền vào tay cách mạng và vẫn muốn giữ ngôi vua cho Bảo Đại. Nhưng trước sức mạnh của toàn dân đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân Nhật không dám đàn áp để yên ổn về nước còn Bảo Đại chấp nhận thoái vị, giải tán nội các Trần Trọng Kim. Khi viết về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà sử học Pháp Philippe Devillers, trong cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952” nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”[3].

anh-1-7-.jpg
Mít-ting tại Nhà hát Lớn Hà Nội để giành chính quyền ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu lịch sử

Nói về nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Cách mạng Tháng Tám đã thành công một phần quan trọng là do sự “thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi” và là “thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân”[4]. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng ta giai đoạn 5/1941 – 10/1956, 7/1986 – 12/1986, cũng nhận định: Cách mạng Tháng Tám thắng lợi một phần là do “toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy”[5].

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và tuyên bố “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[6]. Tiếp đó, đại diện Tổng bộ Việt Minh, ông Nguyễn Lương Bằng, đọc diễn văn khái quát lại vai trò, sứ mệnh lịch sử vinh quang của Mặt trận Việt Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và đọc Lời hiệu triệu đồng bào cả nước, trong đó nêu rõ: Quyền độc lập của chúng ta còn mong manh. Giành được chính quyền là việc khó, giữ vững chính quyền lại càng khó khăn hơn. Việt Minh suốt mấy năm nay kiên quyết phấn đấu, chịu bao hy sinh, đau đớn mới có độc lập. Ngày nay, chính quyền đã được thành lập. Việt Minh không cho thế là đủ. Việt Minh biết rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Bởi vậy, Tổng bộ Việt Minh quyết lãnh đạo đồng bào san phẳng mọi trở lực đặng giữ vững quyền độc lập đã giành được, không trông chờ vào người khác, một lòng ủng hộ Chính phủ, sẵn sàng đập tan mọi kế hoạch xâm lược.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc bước vào thời kỳ “kháng chiến kiến quốc”. Đây là thời kỳ vô cùng khó khăn khi ta phải đương đầu với cả giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm… Do đó, Đảng tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc để tháo gỡ tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc” nhằm bảo vệ và xây dựng chính quyền cách mạng và đem lại cuộc sống mới hạnh phúc cho nhân dân. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cần giải quyết ngay. Trong đó Người đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và Lương - Giáo đoàn kết. Đảng cũng đã ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (ngày 25/11/1945) để tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (3/12/1945). Tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”[7].

anh-2-9-.jpg
Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I thể hiện sự đại đoàn kết toàn dân tộc để phục vụ nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Ảnh tư liệu lịch sử

Quốc hội ra đời với các đại biểu đến từ tất cả các giai tầng trong xã hội, từ công nhân, nông dân, tiểu tư sản, người dân tộc thiểu số thuộc mọi ngành, lĩnh vực văn hóa, tôn giáo… Mặt trận dân tộc thống nhất với nhiều tên gọi khác nhau như: Mặt trận Liên Việt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, giúp nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954); cuộc kháng chiến chống chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Đại hội XII (2016) của Đảng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8].

Đại hội lần thứ XIII (2021) của Đảng cũng nhấn mạnh “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại”[9] nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.



[1] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 120

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 465.

[3] Ph.Devillers, “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952”, Nxb Seuil, Paris, 1952, tr 132. Dẫn lại từ cuốn “Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 - Ðoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999, tr. 473.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629

[5] Trường Chinh: Tuyển tập (1937-1954), tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 312

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 587

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 130

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 158.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 57.

Nguyễn Văn Toàn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ