Theo khảo sát của NHNN về hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, phần lớn dịch vụ Fintech cung cấp tại Việt Nam thuộc lĩnh vực ngân hàng hoặc có bản chất giống hoạt động ngân hàng như thanh toán, cho vay, huy động vốn, dịch vụ tài chính cá nhân, chấm điểm tín dụng hay các giải pháp ứng dụng vào hoạt động của các tổ chức tín dụng… Với vị thế là những thành viên mới gia nhập thị trường dịch vụ tài chính, các công ty Fintech đang tăng cường cạnh tranh, cung cấp các dịch vụ mà các tổ chức tài chính truyền thống làm kém hiệu quả hơn hoặc bỏ qua và mở rộng nhóm người dùng các dịch vụ đó. Tuy nhiên, các công ty Fintech sẽ không thay thế các ngân hàng trong hầu hết các chức năng chính của ngân hàng. Chức năng trung gian của ngân hàng vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thị trường tài chính, tuy nhiên một phần được thực hiện theo một cách khác so với ngày nay: Dựa trên Internet và các nền tảng trực tuyến; xử lý nhiều hơn các thông tin cứng thông qua dữ liệu lớn. Sự tham gia mạnh mẽ của các công ty Fintech vào thị trường dịch vụ tài chính buộc các ngân hàng phải nâng cấp năng lực và chuyển đổi để có thể cạnh tranh và tham gia vào những lĩnh vực mới. Do đó, sự xuất hiện và phát triển của các công ty Fintech có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực tới hệ thống ngân hàng thương mại.
Nguồn: Deloitte (2020)
Hình 3 so sánh các tính năng dịch vụ giữa bốn nhóm ngân hàng. Nhóm “champions” thể hiện ưu thế tính năng vượt trội so với nhóm các ngân hàng khác trong quy trình mở và đóng tài khoản, quản lý thẻ, quản lý tài chính cá nhân, Bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), hệ sinh thái dịch vụ tài chính và quản lý tài khoản tổng hợp (ecosystem and account aggregation), dịch vụ đầu tư.
Thứ hai, ngân hàng có thể tận dụng các công nghệ hỗ trợ của Fintech nhằm ứng dụng các công nghệ mới vào các dịch vụ tài chính. Trong xu hướng hiện nay, các ngân hàng đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ tiên tiến để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính sáng tạo, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (Application programming interfaces - APIs). Ba công nghệ hỗ trợ Fintech, cụ thể là AI/ML/phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán và điện toán đám mây bản thân là các Fintech mới nhưng đó cũng là chất xúc tác cho phép các ngân hàng phát triển các sản phẩm sáng tạo mới (Vương Minh Giang & Lê Thị Như Quỳnh, 2021). Cụ thể, AI tạo ra các công cụ phân tích tiên tiến, tận dụng khả năng xử lý khối lượng lớn dữ liệu, hỗ trợ các giải pháp sáng tạo cho nhu cầu kinh doanh. Khả năng này cho phép các tổ chức tài chính - ngân hàng phát triển các cách thức tiếp cận khách hàng liên kênh, tăng khả năng tự phục vụ của khách hàng, hiểu biết sâu hơn về nhu cầu của khách hàng và cung cấp các dịch vụ phù hợp có tính cá thể hóa. Trong khi đó DLT là một công nghệ mới nổi, các giải pháp DLT có xu hướng phức tạp hơn các công nghệ khác và có tiềm năng được áp dụng cho nhiều mục đích. Một số ứng dụng DLT tập trung vào tạo môi trường chuyển giao giá trị giữa các bên mà không cần thực thể trung gian như trung tâm thanh toán bù trừ hay trung tâm lưu ký. Một số ứng dụng khác hướng đến hiệu quả của các chức năng trung gian mà không làm giảm vai trò của người trung gian thông qua giảm thời gian giải quyết hoặc cải thiện minh bạch hóa việc lưu trữ hồ sơ và báo cáo. Cuối cùng, điện toán đám mây cho phép chia sẻ tài nguyên máy tính, các ứng dụng và dữ liệu qua Internet - thay vì trực tiếp trên ổ cứng máy tính. Điện toán đám mây có thể hỗ trợ ngân hàng trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến Fintech mà không làm gián đoạn các mô hình kinh doanh hiện tại. Các ngân hàng có thể xem xét việc sử dụng điện toán đám mây để phát triển những giải pháp mới bên cạnh những hệ thống cũ nhằm tối ưu hóa chi phí quản lý.
Thứ ba, do ngân hàng và công ty Fintech có những ưu điểm riêng của mình, do đó sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng có thể thúc đẩy quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng (Infosys, 2018). Lợi ích đầu tiên của việc hợp tác giữa Fintech và ngân hàng nhằm thúc đẩy quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng đó là việc mở rộng tệp khách hàng và có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn. Tài chính kỹ thuật số/tài chính trực tuyến có thể cải thiện khả năng tiếp cận của các ngân hàng tới những nhóm khách hàng chưa được phục vụ tương xứng. Công nghệ có thể giúp các ngân hàng tiếp cận đến các địa điểm xa, loại bỏ các rào cản về địa lý. Nhờ ứng dụng các công nghệ mới, những dịch vụ tài chính có thể được cung cấp cho nhiều người hơn với tốc độ nhanh hơn, hiệu quả hơn và chi phí thấp hơn. Việc hợp tác với các Fintech có thể khiến ngân hàng mất một phần lợi nhuận, nhưng vẫn giữ được mối quan hệ với khách hàng của họ và có thể hưởng lợi khi những khách hàng chung của ngân hàng và Fintech được mở rộng. Lợi ích thứ hai của việc hợp tác giữa Fintech là ngân hàng có thể phát triển đa dạng các sản phẩm - dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng tốt hơn, phù hợp hơn. Ngân hàng hợp tác với các công ty Fintech có thể giúp khai thác, phát triển các danh mục sản phẩm - dịch vụ số rộng hơn cho các khách hàng của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu mang tính chất cá thể hóa. Bên cạnh đó, các công ty Fintech có thể giúp ngành Ngân hàng cải thiện việc cung ứng các dịch vụ truyền thống theo nhiều cách. Ví dụ trong lĩnh vực cho vay thương mại và tiêu dùng, cuộc cách mạng công nghệ giúp các ngân hàng tạo ra các sản phẩm mới và cải tiến các sản phẩm cũ phù hợp với nhu cầu đa dạng và riêng biệt của khách hàng. Các công ty Fintech có thể cung cấp các hạ tầng nền tảng cho ngân hàng để phát triển các mô hình kinh doanh mới với sự an toàn cao, dễ tiếp cận, tiếp thị năng động qua sàng lọc, phân nhóm khách hàng. Trong lĩnh vực thanh toán - một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn bởi sự cạnh tranh với các công ty Fintech, một số ngân hàng lựa chọn chiến lược mua lại các ví điện tử (e-wallet) hoặc các công ty Fintech về thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó, hợp tác với Fintech giúp khách hàng của ngân hàng giao dịch an toàn hơn với chi phí thấp hơn. Ngân hàng lưu trữ các thông tin của khách hàng trên cơ sở dữ liệu của mình, có thể hợp tác với các công ty Fintech trong ứng dụng các công nghệ mới nhất như nhận diện khách hàng (KYC) để đảm bảo an toàn cho mọi giao dịch. Thêm vào đó, khách hàng của các ngân hàng sẽ được thụ hưởng các công nghệ tiên tiến,
tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch. Ngân hàng và công ty Fintech đều được hưởng lợi do khối lượng giao dịch lớn với chi phí hoạt động thấp. Với lợi thế về chi phí hoạt động và khối lượng giao dịch, các ngân hàng hợp tác với công ty Fintech có thể cung cấp các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng cũ. Không chỉ vậy, sự hợp tác giữa ngân hàng và công ty Fintech có thể mở ra cơ hội đồng đầu tư vào mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới và các chương trình thúc đẩy sáng tạo hướng đến lĩnh vực ngân hàng vì mục tiêu phát triển của các bên.
4.2. Tác động tiêu cực
Thứ nhất, sự xuất hiện của công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng phải đối mặt với các rủi ro chiến lược. Việc các công ty Fintech tham gia thị trường khiến thị trường dịch vụ ngân hàng bị phân mảnh, làm gia tăng rủi ro đối với lợi nhuận của các ngân hàng riêng lẻ. Các tổ chức tài chính truyền thống sẽ mất một phần đáng kể thị phần hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận nếu các công ty Fintech ứng dụng hiệu quả công nghệ và cung cấp các dịch vụ với chi phí thấp, đáp ứng tốt hơn kỳ vọng của khách hàng. Trong môi trường này, các ngân hàng sẽ trải qua sự suy giảm khả năng sinh lời do năng lực dự báo kém về những xu hướng thị trường và sự thích nghi kém với các đổi mới; đồng thời, có thể mất đi các mối quan hệ khách hàng trực tiếp có lợi và/hoặc tỷ suất lợi nhuận biên thấp có thể làm suy yếu khả năng của các tổ chức tài chính truyền thống trong việc vượt qua các chu kỳ kinh doanh trong tương lai, chẳng hạn, nếu các ngân hàng phản ứng với việc giảm lợi nhuận bằng cách tham gia vào các hoạt động rủi ro hơn.
Thứ hai, sự tăng cường hoạt động Fintech dẫn tới gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các bên tham gia thị trường (ngân hàng, công ty Fintech và các thành phần khác) và cơ sở hạ tầng của thị trường dẫn đến gia tăng rủi ro hoạt động. Điều này có thể khiến sự kiện rủi ro công nghệ thông tin leo thang thành khủng hoảng hệ thống, đặc biệt ở những lĩnh vực dịch vụ tập trung vào một hoặc một số tổ chức chi phối. Sự gia nhập của các công ty Fintech vào thị trường dịch vụ ngân hàng làm tăng độ phức tạp của hệ thống và gia tăng rủi ro chung của hệ thống do có thể những công ty Fintech mới gia nhập có chuyên môn và kinh nghiệm hạn chế trong việc quản lý rủi ro công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ công nghệ có thể làm tăng mức độ phức tạp của việc cung cấp dịch vụ tài chính, khiến việc quản lý và kiểm soát rủi ro hoạt động trở nên khó khăn hơn. Hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng có thể không đủ khả năng thích ứng hoặc không còn phù hợp. Một số các ngân hàng đang có quan hệ hợp tác với một số lượng lớn các bên thứ ba, dưới hình thức thuê ngoài (ví dụ: Điện toán đám mây) hoặc các quan hệ đối tác Fintech khác, do đó làm tăng độ phức tạp và giảm sự minh bạch của các hoạt động đầu cuối (end-to-end). Việc gia tăng sử dụng dịch vụ của các bên thứ ba có thể dẫn tới những rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư, hoạt động rửa tiền, tội phạm mạng và công tác bảo vệ khách hàng.
Thứ ba, sự xuất hiện của công ty Fintech có thể khiến hệ thống ngân hàng gặp phải rủi ro tín dụng thông qua dịch vụ cho vay ngang hàng. Công nghệ cho vay ngang hàng sẽ có hiệu quả lớn nhất khi đề cập đến hoạt động cho vay mạo hiểm, một lĩnh vực không phải là phạm vi hoạt động ưu tiên của ngân hàng, hoặc một phương án duy nhất có thể vay được tiền trong trường hợp ngân hàng từ chối cho vay. Nhiều ngân hàng đã sử dụng thành công công nghệ cho vay ngang hàng để cung cấp các khoản vay nhanh. Khi nhà đầu tư (chủ nợ) tự quyết định phân bổ tài sản của mình thông qua công nghệ cho vay ngang hàng và gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) thì trong trường hợp này, nhà đầu tư (chủ nợ) chấp nhận toàn bộ những rủi ro có thể xảy ra. Khi vay vốn qua ngân hàng thì ngân hàng là chủ thể chấp nhận những rủi ro về phía mình.
5. Hàm ý chính sách cho Việt Nam
Để nâng cao hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa Fintech và hệ thống ngân hàng tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số khuyến nghị cụ thể sau:
Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý Nhà nước
Một là, tạo môi trường tài chính an toàn, đảm bảo nhận được sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng quản lý là một cam kết quan trọng thúc đẩy mối quan hệ giữa ngân hàng thương mại và công ty Fintech.
Hai là, hoàn thiện khung pháp lý chuẩn cho các công ty Fintech. Theo đó, Chính phủ cần có chính sách quản lý phù hợp để các công ty Fintech được hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tài chính toàn diện, bền vững cùng hệ thống ngân hàng.
Ba là, đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin và mạng kết nối, đảm bào tốt an toàn thông tin.
Bốn là, ban hành chuẩn kết nối giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech và trong đó chuẩn hóa những quy định liên quan đế bảo mật thông tin khách hàng, chia sẻ thông tin và quy định về sử dụng mạng dữ liệu…
Thứ hai, đối với các ngân hàng thương mại
Một là, khi ứng dụng Fintech vào hoạt động, các ngân hàng cần đảm bảo xây dựng môi trường kiểm soát và áp dụng các quy trình quản lý rủi ro đầy đủ và toàn diện. Sự an toàn, lành mạnh và ổn định của ngân hàng có thể được tăng cường bằng cách thực hiện các chương trình giám sát để đảm bảo rằng ngân hàng có cơ cấu quản trị hiệu quả, cùng các quy trình quản lý rủi ro rõ ràng, qua đó quản lý và giám sát một cách thích hợp những rủi ro phát sinh liên quan đến Fintech.
Hai là, liên quan đến rủi ro bên thứ ba, các ngân hàng cần áp dụng những thông lệ quản lý rủi ro phù hợp và xử lý mọi hoạt động được thuê ngoài hoặc hỗ trợ bởi bên thứ ba, bao gồm cả các công ty Fintech và các biện pháp kiểm soát đối với các dịch vụ thuê ngoài được duy trì theo cùng tiêu chuẩn như các hoạt động mà ngân hàng tự tiến hành.
Ba là, các quy trình và thực tiễn liên quan bao gồm thẩm định, quản lý rủi ro hoạt động, giám sát liên tục việc thực hiện hợp đồng của các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba và quyền kiểm toán.
Bốn là, các ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách mở rộng văn hóa quản lý rủi ro của mình cho các bên thứ ba.
Tài liệu tham khảo:
1. Arner, D.W., Barberis, J. & Buckley, R.P. (2015), The Evolution of FinTech: A New Post-Crisis Paradigm?, University of Hong Kong's Faculty of Law, Research Paper No. 2015/047.
2. ASIC (2016), Fintech: ASIC's Approach and Regulatory Issues, ASIC. Retrieved 3 January 2022, from: https://download.asic.gov.au/media/3962105/melbourne-money-and-finance-conference-2016-fintech.pdf
3. Boldt, B. (2017), How FinTech is Streamlining Treasury Departments. Retrieved 3 January 2022, from: https://cdn.ymaws.com/www.mnafp.org/resource/resmgr/2017_Conference_Handouts/2017_5F_How_FinTech_is_Strea.pdf
4. Deloitte (2020), Digital Banking Maturity. Retrieved 3 January 2022, from: https://www2.deloitte.com/content/dam/Deloitte/lu/Documents/financial-5. services/Banking/lu-digital-banking-maturity-2020.pdf
5. Đỗ Quang Trị (2021), Cơ hội và thách thức phát triển Fintech tại Việt Nam, Tạp chí Công Thương, Số 27, Tháng 12. Truy cập ngày 13/01/2022, từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/co-hoi-va-thach-thuc-phat-trien-fintech-tai-viet-nam-86436.htm
6. Dương Tấn Khoa (2019), Fintech trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo: Tương lai của Fintech và ngân hàng - Phát triển và đổi mới, tr. 107-114, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.7. Findexable (2021), Global Fintech Rankings Report 2021: Bridging the Gap. Retrieved 3 January 2022, from: https://findexable.com/wp-content/uploads/2021/06/Global-Fintech-Rankings-2021-v1.2_30_June.pdf
8. Fintech News Singapore (2020). A Review of Vietnam’s Fintech Industry in 2019. Retrieved 3 January 2022, from: https://fintechnews.sg/35968/vietnam/a-review-of-vietnams-fintech-industry-in-2019/.
9. Fintech News Singapore (2021), Fintech in Vietnam Report 2021. Retrieved 3 January 2022, from: https://iris.marketing/fintech-vietnam-report - :~:text=As of 2021, the transaction,22,056 million US%24 in 2025.
10. Hochstein, M. (2015), FinTech (the Word, That is) Evolves, American Banker. Retrieved 3 January 2022, from: https://www.americanbanker.com/opinion/fintech-the-word-that-is-evolves
11. Infosys (2018), Fintech Revolution in Banking: Leading the Way to Digital. Retrieved 3 January 2022, from: https://www.infosys.com/industries/financial-services/white-papers/Documents/fintech-revolution-banking.pdf
12. ISEV (2020), Fintech trong ASEAN: Từ khởi nghiệp đến lớn mạnh. Truy cập ngày 13/01/2022, từ http://dean844.most.gov.vn/fintech-trong-asean-tu-khoi-nghiep-den-lon-manh.htm
13. Mackenzie, A. (2015), The Fintech Revolution, London Business School Review, Vol. 26 No. 3, pp. 50-53.
14. Navaretti, G.B., Calzolari, G. & Pozollo, A.F. (2017), Fintech and Banks: Friends or Foes? European Economy 2017.2, pp. 9-30.
15. NHNN (2019), Hoàn thiện chính sách quản lý Fintech: Đảm bảo lợi ích hợp pháp cho người dùng.
16. Romānova, I. & Kudinska, M. (2016), Banking and Fintech: A Challenge or Opportunity?, Contemporary Issues in Finance: Current Challenges from across Europe, Vol. 98, Emerald Group Publishing Limited, Bingley, pp. 21-35.
17. Schueffel, P. (2016), Taming the Beast: A scientific definition of Fintech, Journal of Innovation Management, Vol. 4 No. 4, pp. 32-54.
18. Thakor, A.V. (2019), Fintech and banking: what do we know?, Journal of Financial Intermediation, Vol. 41, p. 100833.
19. Tomorrow Maketers (2020), Tổng quan thị trường Fintech tại Việt Nam. Truy cập ngày 13/01/2022, từ: https://blog.tomorrowmarketers.org/tong-quan-thi-truong-fintech-tai-viet-nam/
20. UOB, PwC & SFA (2021), FinTech in ASEAN 2021: Digital takes flight. Retrieved 3 January 2022, from: https://www.uobgroup.com/techecosystem/pdf/fintech-in-asean-2021.pdf
21. Vũ Cẩm Nhung & Lại Cao Mai Phương (2021), Fintech và xu hướng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam, Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ. Truy cập ngày 13/01/2022, từ: https://thitruongtaichinhtiente.vn/fintech-va-xu-huong-hop-tac-voi-he-thong-ngan-hang-thuong-mai-tai-viet-nam-33443.html
22. Vương Minh Giang & Lê Thị Như Quỳnh (2021), Tác động của Fintech đến hệ thống ngân hàng, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Mối quan hệ tương tác giữa hệ thống ngân hàng và các công ty Fintech trong thị trường dịch vụ tài chính - Kinh nghiệm các nước và gợi ý chính sách cho Việt Nam, tr. 57-67, Hà Nội.
ThS. Nguyễn Nhật Minh - TS. Phạm Đức Anh
Học viện Ngân hàng
Theo Tạp chí Ngân hàng