Tản mạn "nghề ngân hàng"

05/04/2021 - 17:42
(Bankviet.com) Trời ơi, cái tiếng “tút… tút…” kia làm cho “máu điên” trong tôi chạy rần rần khắp cơ thể. Không còn bình tĩnh nữa, tôi lập kế hoạch mục sở thị nếu “bà già” kia sáng nay không trả nợ.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Thi, công tác tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Bình Thuận.

Ném cuốn sổ họp xuống bàn, sau khi gồng mình để cái lửa hậm hực trong lòng rơi ra hết, tôi nhấc điện thoại lên: “Dạ thưa chị, em là Thymy, gọi từ ngân hàng…” Chưa kịp dứt câu, đầu dây bên kia vẫn là câu nói quen thuộc: “Chị biết rồi em, lát nữa chị xuống đóng” và tiếng “tút… tút…” vang lên khiến tôi chưa kịp hoàn hồn để hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trời ơi, cái tiếng “tút… tút…” kia làm cho “máu điên” trong tôi chạy rần rần khắp cơ thể. Không còn bình tĩnh nữa, tôi lập kế hoạch mục sở thị nếu “bà già” kia sáng nay không trả nợ. Tôi phải đi vào cái giờ không ai ngờ tới - giờ Ngọ vì những lần trước tôi đều nhận được câu trả lời đầy hụt hẫng: “ba - mẹ của con không có nhà” mặc dù tôi vừa thấy anh chị thấp thoáng ngoài sân. Tôi phải ngậm ngùi quay về với con “tuấn mã” mệt nhoài vì vừa chạy xe mấy chục cây số mà không có thời gian ngơi nghỉ. Quả thật, khi nổi “sân - si”, những bài học kiềm chế, kiểm soát cảm xúc mà tôi học được từ những khóa “training” đầy bài bản bỗng chốc tan biến hết. Tôi lên kịch bản với những ngôn từ đầy cay nghiệt và ngồi đếm thời gian. Một buổi sáng trôi qua dài như một thế kỷ…Sáng thứ Hai đầu tuần, trong cuộc họp giao ban, tôi đã bị sếp “giũa” te tua vì khoản nợ chưa thu được. Nếu hôm nay khách hàng không chịu trả, coi như món nợ này chuyển sang nhóm nợ xấu, ảnh hưởng đến phong trào thi đua của cả phòng. Mà phải chi tôi không làm việc hết mình cho cam. Ngày nào tôi cũng gọi điện nhắc khách hàng trèo trẹo, chỉ thiếu điều quỳ, lạy, van, xin… Và lần nào tôi cũng nhận được câu trả lời đầy hứa hẹn: “Lát nữa chị xuống đóng” (“đóng” ở đây nghĩa là nộp tiền). Hôm nay là ngày thứ chín rồi…


Cơn giận đã làm tôi quên đi làn da cả một thời thanh xuân gìn giữ, không kem chống nắng hay khẩu trang, tôi ném mình lên con “ngựa sắt”, phóng như bay dưới cái nắng như muốn chực chờ thiêu rụi mọi thứ đi qua nó. Vèo một cái, tôi đã đến nơi. Như hổ săn mồi, tôi dựng xe ở xa để chủ nhà không nghe thấy và nhẹ nhàng cuốc bộ để tiếp cận mục tiêu. Trời ơi, như có ai níu chân tôi lại phía sau, nó trở nên nặng nề quá đỗi. Vội vàng nhìn xuống, chết tiệt thật, cái đôi giày cao gót  vẫn điệu đà nằm chễm chệ trên chân. Lẽ ra, tôi phải đổi sang dép lê trước khi đi. Người ta nói “giận mất khôn”, còn tôi thì “giận hóa quên” là có thật. Cái gót giày nhọn hoắt như mũi khoan cứ nhét xuống vết đất nứt nẻ của bờ đê khiến tôi không tài nào nhấc chân lên được. Các khe đất chết tiệt ấy cứ cố giữ chặt chân tôi. Hình như chúng đang muốn bảo vệ gia chủ của mình. Mà tôi đâu có chịu thua thứ nít ranh con ấy. Quẳng đi cái tính yểu điệu thục nữ xưa nay, rút chân ra khỏi giày, tôi đi phăng phăng về phía trước. Đám mắc cỡ dưới chân sợ hãi nép mình, hoảng hồn né tránh những bước hung thần như muốn ăn tươi, nuốt sống chúng. Những bông lúa trên đồng cũng nín thở khi tôi đi ngang qua, cứ như thể sợ tôi phát hiện ra chúng vậy. Những ngọn dừa trên cao thì tụm năm, tụm bảy, nhỏ to nói xấu tôi chuyện gì đó. Tôi mặc kệ tất cả…                                                              

Nép sát cửa, tôi nghe lỏm câu chuyện giữa chừng:

- Thanh long mùa này không bán được mà tiền phân, tiền thuốc đến hạn trả rồi em à. Cái con COVID có thù oán gì mình mà sao hại mình đến vậy…

- Sáng nay ngân hàng lại gọi điện em đòi nợ, em lại tiếp tục đánh mất danh dự của chính mình. (chắc ý chị muốn nói chuyện hứa lèo với tôi thì phải!!??)

- Bé Út nhà mình bệnh không có tiền đi viện thì lấy đâu ra tiền trả nợ hả em?!

Chị không nói gì, chỉ buông một tiếng thở dài…

Cái tiếng thở dài ấy là cái quái gì mà nó làm tôi cay xè sống mũi. Mọi “hổ, báo” trong tôi bỗng chốc hóa thinh không. Cái kịch bản mà tôi vẽ ra hay ho trước đó khiến cho tôi cảm thấy tội lỗi quá chừng. Cái chân hậu đậu của tôi báo cho anh chị biết nhà đang có khách. Và rồi, những con người vốn dĩ là xa lạ lại hàn huyên thân mật tự lúc nào…

Tôi đã quên đi cái mục đích “lớn lao” khi đến nhà anh chị. Nắm lấy bàn tay gầy guộc của chị, tôi nói: “Chị cứ giữ ít tiền này lo cho bé Út…” Rồi sợ anh chị ngại, tôi nói thêm: “Khi nào anh chị có, trả cho em cũng được”…

Tôi ra về khi bên tai vẫn văng vẳng lời cám ơn rối rít…

Cảnh vật trên đường về sao thân thương quá đỗi. Những bụi mắc cỡ đầy gai chẳng còn khép mình e sợ nữa, chúng nhoài người ra tạm biệt tôi choán cả một góc đường. Ở cánh đồng xa xa, những em lúa xếp hàng ngay ngắn chỉ đợi tôi đi qua vẫy tay chào. Những ngọn dừa trên cao cũng lắc lư như muốn vươn mình che cho tôi khỏi cái oi ả của buổi trưa hè. Tôi thấy mình như đang đi giữa tiết trời thu dịu mát…

Nhoẻn miệng cười, tôi để gió cuốn đi những nhọc nhằn, vất vả và ngêu ngao câu hát “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

NGUYỄN THỊ MỸ THI

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ