Cơn bão thuế quan và các kịch bản tăng trưởng của khu vực
Khu vực ASEAN+3 ghi nhận kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2024, đạt mức 4,3%, bất chấp điều kiện vĩ mô toàn cầu gặp nhiều bất ổn. Nhu cầu nội địa tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát hạ nhiệt tại hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, trong khi dòng vốn đầu tư vẫn đổ vào các lĩnh vực then chốt như chất bán dẫn và hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, chu kỳ công nghệ khởi sắc và du lịch trong khu vực phục hồi cũng đã góp phần gia tăng động lực tăng trưởng.
Bước sang năm 2025, sự bất định bên ngoài tiếp tục leo thang và tạo ra một môi trường thương mại toàn cầu chưa từng có tiền lệ với đầy biến động.
Ngày 2/4, Chính phủ Mỹ công bố loạt biện pháp áp thuế diện rộng lên hàng nhập khẩu từ hàng trăm quốc gia, bao gồm toàn bộ các nền kinh tế ASEAN+3. Theo các chuyên gia của AMRO, chính sách thuế quan của Mỹ liên tục được điều chỉnh trước phản ứng của thị trường và biện pháp đối ứng từ các đối tác thương mại, các chi tiết thực hiện vẫn còn rất linh hoạt, tạo nên một bối cảnh thương mại đa tầng và khó dự đoán.
Các mức thuế ban đầu này, nếu được thực thi và duy trì, sẽ là đợt leo thang bảo hộ thương mại lớn. Với mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu và mức thuế bổ sung đối với các quốc gia có thặng dư thương mại song phương lớn, ASEAN+3 ban đầu phải chịu mức thuế đối ứng trung bình là 28%. Mức độ ảnh hưởng trực tiếp đến tổng kim ngạch xuất khẩu của từng nền kinh tế trong khu vực sẽ khác nhau và tiếp tục biến động theo các điều chỉnh chính sách.
Theo kịch bản ban đầu với mức thuế quan được công bố ngày 2/4, tăng trưởng của khu vực ASEAN+3 dự kiến giảm xuống dưới 4% trong năm 2025 và tiếp tục chững lại ở mức 3,4% vào năm 2026, so với dự báo trước đó là trên 4% cho cả hai năm. Trong kịch bản "tạm hoãn"— được Mỹ công bố vào ngày 9/4 nhằm trì hoãn áp thuế trong 90 ngày đối với hầu hết các quốc gia, nhưng giữ nguyên mức thuế trên 100% đối với hàng hóa Trung Quốc - tăng trưởng khu vực có thể tiếp tục suy giảm, chỉ còn 3,3% trong năm 2025 và 2,4% vào năm 2026.
Các dự báo này chịu ảnh hưởng lớn từ mức độ bất định hiện tại. Quy mô và phạm vi của các biện pháp thương mại thay đổi liên tục do nhiều vòng động thái và phản ứng qua lại giữa các quốc gia, gây ra hiệu ứng lan tỏa đến tăng trưởng, lạm phát, thị trường tài chính và niềm tin của nhà đầu tư. Điều này tạo ra một phổ biến động bất thường về các kịch bản tăng trưởng có thể xảy ra, trong đó các rủi ro suy giảm ở mức cao.
Vững vàng trước sóng gió
Dù các "cú sốc" thương mại hiện tại là đáng kể và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các nền kinh tế trong khu vực, các chuyên gia AMRO nhấn mạnh, ASEAN+3 bước vào giai đoạn biến động thương mại toàn cầu lần này với nền tảng vững chắc và khả năng chống chịu tương đối cao.
Thứ nhất, các nền kinh tế trong khu vực hiện nay đã cân bằng hơn so với trước đây, với nhu cầu nội địa - bao gồm tiêu dùng và đầu tư -cùng thương mại nội khối đóng vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu. Dù cú sốc từ bên ngoài sẽ lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế, nhu cầu trong nước dự kiến vẫn duy trì vững chắc, được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa và cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng nội địa.
Thứ hai, cấu trúc về xuất khẩu của khu vực hiện đã được đa dạng hóa hơn. Tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ đã giảm đều từ khoảng 24% vào năm 2000 xuống dưới 15% hiện nay. Trong khi đó, thương mại nội khối hiện chiếm tới 45% tổng kim ngạch xuất khẩu, với Trung Quốc trở thành thị trường cuối cùng lớn nhất của khu vực, giúp ổn định chuỗi cung ứng và dòng cầu trong nội bộ khu vực.
Thứ ba, nhiều nền kinh tế trong khu vực vẫn còn dư địa về chính sách tài khóa và tiền tệ, cho phép triển khai các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát rủi ro khi cần thiết.
"Dự trữ ngoại hối ở mức hợp lý, đóng vai trò là lớp đệm quan trọng trước các cú sốc bên ngoài. Bên cạnh đó, khu vực cũng có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng trước đây bằng cách phối hợp hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và biện pháp hỗ trợ khác. Khả năng điều phối chính sách đã được chứng minh này sẽ đặc biệt hữu ích trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực giảm thiểu gián đoạn thương mại mà vẫn duy trì ổn định kinh tế trong thời gian tới", chuyên gia AMRO chỉ ra.
Tăng cường hợp tác, vượt qua thách thức
Trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với cú sốc thương mại này, AMRO cho rằng, khả năng chống chịu tập thể của ASEAN+3 trở thành tài sản quý giá nhất. Khu vực đã vượt qua nhiều cú sốc bên ngoài trước đây - từ Khủng hoảng tài chính châu Á (1997), Khủng hoảng tài chính toàn cầu (2007 - 2008) cho đến đại dịch COVID-19 - và mỗi lần đều tái thiết với thể chế vững mạnh hơn và hợp tác sâu sắc hơn.
"Thách thức lần này là cơ hội để tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong khu vực. Các cơ chế hiện có của ASEAN+3 về đối thoại chính sách, hợp tác tài chính và hội nhập thị trường là những nền tảng quan trọng để điều phối ứng phó và hạn chế lan tỏa tiêu cực", AMRO khẳng định.
Các chuyên gia phân tích, nền kinh tế ASEAN+3 chiếm gần 1/3 GDP và thương mại toàn cầu, mang lại lợi thế lớn trong việc điều hướng một thế giới ngày càng phân mảnh. Thông qua việc thúc đẩy sâu sắc hơn thương mại nội khối, dòng vốn đầu tư và hội nhập tài chính, các nền kinh tế ASEAN+3 có thể giảm thiểu tác động từ bên ngoài đồng thời mở ra những động lực tăng trưởng mới. Quá trình chuyển đổi số và đổi mới công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ trong khu vực cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức hợp tác sáng tạo.
Quan trọng hơn cả, sự đa dạng trong ASEAN+3 chính là nguồn sức mạnh bổ trợ lẫn nhau. Những nền kinh tế ở các giai đoạn phát triển khác nhau, với nguồn lực và lợi thế so sánh phong phú, có thể xây dựng các chuỗi cung ứng linh hoạt hơn và tạo ra các cơ hội hợp tác cùng có lợi. Khi được khai thác thông qua các chính sách phối hợp và sáng kiến hội nhập, sự đa dạng ấy có thể chuyển hóa từ điểm yếu tiềm tàng thành sức mạnh tập thể.
Tóm lại, dù môi trường hiện tại còn nhiều bất định, khu vực ASEAN+3 đã nhiều lần chứng minh khả năng thích nghi và kiên cường trước các cú sốc toàn cầu.
“ASEAN+3 đã cho thấy sức mạnh vượt bậc qua nhiều biến động toàn cầu. Trong bối cảnh thương mại đầy biến động hiện nay, sự đoàn kết và phối hợp hành động là thiết yếu. Không có người chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại - nhưng nếu đồng lòng, chúng ta có thể vươn lên mạnh mẽ hơn”, ông Hoe Ee Khor, Chuyên gia kinh tế trưởng của AMRO kết luận.
Q.L