Tăng cường năng lực tài chính để triển khai hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi

27/10/2023 - 02:55
(Bankviet.com) Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Ngày 30/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tại nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và lộ trình thực hiện của tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) có quy định về nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG: Cụ thể:

Giai đoạn 2022 – 2025: Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện: Tăng vốn điều lệ cho tổ chức BHTG lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG.

Tăng vốn điều lệ - đảm bảo năng lực tài chính cho tổ chức BHTG tham gia tái cơ cấu TCTD

Thời điểm thành lập, BHTGVN được ngân sách Nhà nước cấp vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, đến năm 2015 được bổ sung lên 5.000 tỷ đồng từ nguồn vốn tự tích lũy.

Trong bối cảnh hiện nay, vốn điều lệ của BHTGVN cần được tăng để phù hợp với xu hướng phát triển về quy mô của hệ thống các TCTD và tăng trưởng tiền gửi được bảo hiểm, cũng như phù hợp với định hướng của ngành Ngân hàng trong việc yêu cầu các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực Basel II. Việc tăng vốn điều lệ cho BHTGVN sẽ đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.

Hơn nữa, vai trò của BHTG Việt Nam khi tham gia quá trình kiểm soát đặc biệt (KSĐB) TCTD yếu kém nói chung, quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) nói riêng ngày càng được nâng cao, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Theo đó, tại Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 (Luật các TCTD) được ban hành ngoài việc tham gia vào quá trình KSĐB, BHTGVN được giao thêm các chức năng, nhiệm vụ mới, tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD như: Tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; tham gia xây dựng phương án phá sản; cho vay đặc biệt; mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ; miễn phí bảo hiểm tiền gửi.

Luật Các TCTD chưa có quy định về việc cho phép BHTGVN, Ngân hàng Hợp tác xã tham gia vào việc áp dụng biện pháp can thiệp sớm đối với QTDND yếu kém. Cùng với đó, Luật này cũng chưa có quy định cụ thể về việc cử cán bộ cấp xã, phường biệt phái sang giữ chức vụ Chủ tịch, Giám đốc QTDND được kiểm soát đặc biệt. Đồng thời, việc một số đơn vị (như BHTGVN, Ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ…) cử nhân sự để NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ định chức danh Chủ tịch, Giám đốc của QTDND được kiểm soát đặc biệt cũng gặp khó khăn về mặt pháp lý.

Theo quy định tại Điều 22 Luật BHTG và Điều 155 Luật các TCTD, khoản 5 Điều 146a Luật các TCTD sửa đổi, bổ sung thì BHTGVN không thể chi trả đối với QTDND mà phương án phá sản chưa được phê duyệt. Điều này, theo cơ quan soạn thảo dự Luật Các TCTD sửa đổi, gây khó khăn cho quá trình xử lý để ổn định tâm lý người gửi tiền.

Chính vì vậy, trong các biện pháp hỗ trợ tại giai đoạn can thiệp sớm, trên cơ sở các biện pháp hỗ trợ trong giai đoạn KSĐB, dự thảo Luật bổ sung các biện pháp hỗ trợ từ TCTD hỗ trợ, đồng thời có sự tham gia của BHTGVN, Ngân hàng hợp tác xã Việt Nam. Đây đều là các nguồn lực được huy động từ nội tại hệ thống TCTD, nâng cao trách nhiệm của các TCTD đối với việc duy trì và đảm bảo an toàn hệ thống, đồng thời giảm áp lực, chi phí cho cơ quan quản lý trong quá trình xử lý TCTD yếu kém.

Cụ thể, đối với sự tham gia vào quy trình can thiệp sớm của BHTGVN, để kịp thời bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, NHNN có văn bản áp dụng can thiệp sớm tối thiểu bao gồm nội dung: Tình trạng, lý do TCTD cần sự hỗ trợ của BHTGVN.

Tùy theo thực trạng, tính chất, mức độ rủi ro của tình trạng cần can thiệp sớm của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, BHTGVN có thể tham gia một hoặc một số các biện pháp can thiệp sớm sau đây: Phối hợp xây dựng phương án chi trả tiền gửi; cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống; để hỗ trợ thực hiện phương án khắc phục, phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt, phương án chuyển giao bắt buộc…

Có thể nói, với việc bổ sung sự tham gia của tổ chức BHTG vào quy trình can thiệp sớm cho thấy vai trò của tổ chức BHTG trong bảo đảm an toàn hệ thống cũng như tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD ngày càng được đề cao. Để tận dụng được tối đa nguồn lực của tổ chức BHTG, cần sớm sửa Luật BHTG, nâng cao năng lực tài chính cũng như nguồn lực cho BHTGVN.

Cần đa dạng hoá danh mục đầu tư

Thực tế, so với quy định và thực tiễn triển khai, BHTGVN đã và đang gặp nhiều vướng mắc như khả năng có thể bị ứ đọng vốn, khó tìm kiếm cơ hội lựa chọn và thực hiện đầu tư - có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư - đặc biệt danh mục đầu tư chỉ còn duy nhất 1 công cụ có khả năng cho doanh thu là “mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) và nắm giữ đến ngày đáo hạn”. Trong điều kiện chỉ có 1 phiên đấu thầu TPCP định kỳ mỗi tuần với khối lượng gọi thầu khác nhau, nếu nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTGVN lớn vào thời điểm không có phiên thầu, BHTGVN sẽ gặp bất lợi trong giải ngân vốn.

Quy định hiện hành của Luật BHTG chỉ cho phép BHTGVN được mua và chưa được bán cũng là bất cập lớn về mặt pháp lý - trái với quy luật cung - cầu và không tạo thanh khoản cho thị trường, dẫn đến “lãi suất cao không được bán và lãi suất thấp buộc phải mua” - ảnh hưởng đến việc thực hiện các kế hoạch (doanh thu, tài chính…).

Do vậy, đa dạng hoá danh mục đầu tư để tăng cường năng lực tài chính là nội dung cụ thể có tính chất quyết định trong việc đảm bảo phát triển và tích luỹ vốn, gia tăng nguồn lực tài chính để tái đầu tư, tăng trưởng và phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững nguồn vốn. Thông qua đa dạng danh mục đầu tư, BHTGVN xây dựng tốt các phương án phân bổ và sử dụng vốn hợp lý cho đầu tư nhằm tăng doanh thu để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ, từ đó giúp hiện thực hoá mục tiêu “nâng cao năng lực tài chính” như nội dung Chiến lược đã nêu.

Tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nêu giải pháp về nâng cao năng lực tài chính cho tổ chức BHTG. Theo đó, tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép tổ chức BHTG đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư gồm: Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; Mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao.

Bên cạnh đó, bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm; Xây dựng Đề án tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.

P.V

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ