Tăng thu thuế từ Google, Facebook, TikTok…

10/08/2023 - 20:03
(Bankviet.com) Giải pháp dữ liệu lớn giúp thu đúng, thu đủ thuế của các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok, Apple…
Lời giải nào cho "bài toán" chống thất thu thuế trong thương mại điện tử? Nâng cao hiệu quả quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Nộp thuế chưa tương xứng

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ xuyên biên giới như Google, Apple, Facebook, Netflix, TikTok, Microsoft… đã nộp gần 4.000 tỷ đồng tiền thuế. Trước đó, năm 2022, khối doanh nghiệp công nghệ xuyên biên giới đã nộp gần 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, số thuế trên chưa đúng, chưa đủ với hiện trạng kinh doanh thực tế của các “ông lớn” đó. Chỉ riêng mảng thương mại điện tử, 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn, gồm Meta (Facebook), Google, Microsoft, TikTok, Netfix, Apple, chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam. Trong năm 2022, doanh thu thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD.

Ở mảng quảng cáo số, theo ghi nhận của Kantar Media Việt Nam, doanh thu trên các nền tảng như Facebook, Youtube và TikTok trong năm 2022 khoảng 2,5 tỷ USD. Năm 2023, dự kiến con số là 3,4 tỷ USD, tương đương 80.000 tỷ đồng.

Việt Nam mới thu được một số ít thuế nhà thầu do doanh nghiệp Việt Nam kê khai và nộp, còn với các doanh nghiệp xuyên biên giới, chưa thu được các loại thuế có liên quan do họ chưa chấp nhận việc đặt văn phòng, pháp nhân tại Việt Nam. Theo quy định hiện tại, thuế suất thuế kinh doanh thương mại điện tử với cá nhân, hộ kinh doanh từ 1,5-10%. Như vậy, Nhà nước đang thất thu hàng chục ngàn tỷ đồng.

Cùng với thất thu thuế, cơ quan thuế ghi nhận tình trạng né thuế, trốn thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Ông Nguyễn Bằng Thắng, Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà cung cấp nước ngoài và tổ chức trong nước hoạt động nghiêm túc để phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng sẽ áp dụng các chế tài nghiêm khắc, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối các tổ chức cố tình sai phạm về thuế.

Điển hình của dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế là TikTok Shop. Theo cơ quan thuế, hơn 1 năm qua, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh không đăng ký thuế, nhưng tránh được khoản thuế 10,8% khi chọn cách mua quảng cáo thông qua tài khoản đi thuê của các đại lý có hợp đồng chính thức với TikTok tại Việt Nam. Các đại lý này công khai mời chào dịch vụ cho thuê tài khoản miễn thuế và dùng nhiều cách để hạn chế tối đa việc xuất hóa đơn cho khách, để không phải kê khai thuế, gây nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước.

Các giải pháp chống thất thu thuế

Ông Nguyễn Bằng Thắng khẳng định, cơ quan thuế thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, đối chiếu dữ liệu, phân tích rủi ro về nghĩa vụ kê khai của các nhà cung cấp nước ngoài và các tổ chức được ủy quyền để áp dụng các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm nếu có.

Kinh nghiệm của các quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và châu Âu là phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan thuế, để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn đối với các giao dịch thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới”, ông Thắng cho hay.

Khẳng định tình trạng thất thu thuế trong thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, các quy định pháp luật về thu thuế trong thương mại điện tử vẫn trong quá trình hoàn thiện.

Ngoài ra, chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch thương mại điện tử hiện nay chủ yếu là giao dịch COD (thanh toán khi nhận hàng). Việc chưa có cơ chế kịp thời chia sẻ dữ liệu, cũng như chia sẻ thông tin của các cơ quan quản lý có liên quan là yếu tố gây thất thu thuế đối với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Theo bà Huyền, giải pháp là xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử, có cơ chế chia sẻ dữ liệu thông tin thông qua thỏa thuận ký giữa hai bộ. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong quản lý thuế với thương mại điện tử, cũng như phát huy vai trò của Cổng thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ở nước ngoài

GS-TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, để chống thất thu thuế xuyên biên giới, cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ, có đầy đủ cơ sở dữ liệu số để việc quản lý thuế dễ dàng, hiệu quả. Đầu tư cho công nghệ quản lý thông tin thuế và chia sẻ các hệ thống dữ liệu dùng chung là rất cần thiết. Cơ quan thuế cũng cần phải ứng dụng mạnh hơn những công nghệ tự động để quản lý được các hoạt động trên thương mại điện tử.

Cùng với giải pháp trên, 6 tháng cuối năm 2023, ngành thuế sẽ tăng cường thanh, kiểm tra các lĩnh vực có rủi ro cao về gian lận, trốn tránh thuế, ngành, lĩnh vực còn dư địa thu lớn như kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số... Tiếp tục tăng cường quản lý thu đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử trên các sàn giao dịch điện tử…

baodautu.vn

Theo: Báo Công Thương