Cụ thể, thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Hải Dương cho thấy, trong 6 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt 7,23%, đứng thứ 15 so với cả nước và thứ 7 vùng đồng bằng Sông Hồng.
Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,79%; công nghiệp tăng 9,19%; Xây dựng tăng 5,88%; dịch vụ tăng 6,09%; thuế sản phẩm tăng 8,37%.
Biểu đồ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh đứng đầu cả nước trong 6 tháng năm 2023 |
Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển, tổng giá trị sản xuất ước đạt 13.129 tỷ đồng, bằng 61,3% kế hoạch năm, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp còn có những khó khăn nhất định, một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp có sản lượng sản xuất chưa cao, một số ngành chủ lực là điểm sáng trong quý I nhưng trong quý II tăng chậm.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 158.826 tỷ đồng, bằng 46,6% kế hoạch năm, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 9%, trong đó ngành khai khoáng giảm 48,6%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%, sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 18,3%.
Tổng giá trị sản xuất ngành xây dựng ước đạt 9.133 tỷ đồng, bằng 39,5% kế hoạch năm, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 16,44%), trong đó giá trị các công trình xây dựng nhà để ở tăng 9,2%.
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ tiếp tục phát triển, tăng ở một số ngành, lĩnh vực chủ yếu như: Thương mại, ăn uống, vận tải, dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, cân đối cung cầu các nhóm hàng thiết yếu được bảo đảm, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa phục vụ nhân dân.
Hạ tầng đô thị Hải Dương ngày càng hiện đại, văn minh |
Tổng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ ước đạt 23.147 tỷ đồng, bằng 45,4% kế hoạch năm, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,53%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 45.118 tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm (tăng 15,4%). Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 5,08% so với tháng 12 năm trước và bình quân 6 tháng tăng 4,05% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4.427 triệu USD, giảm 14,2%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.696 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 10.434 tỷ đồng, bằng 59,1% dự toán năm, tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 8.538 tỷ đồng, đạt 56,3% dự toán, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước (có 2 khoản thu đã vượt dự toán năm; 7 khoản thu đạt khá trên 50% dự toán; 06 khoản thu đạt thấp dưới 50% dự toán, trong đó thu tiền sử dụng đất 1.187,7 tỷ đồng, đạt 32%); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng khá, đạt 1.846 tỷ đồng, bằng 74% dự toán, tăng 37%.
Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 7.447 tỷ đồng, bằng 99,0% cùng kỳ năm trước; trong đó, chi thường xuyên đạt 5.082 tỷ đồng, giảm 1,9%; chi đầu tư phát triển 2.356 tỷ đồng, tăng 0,8%.
Thời gian qua, toàn tỉnh Hải Dương đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, bước đầu đã có sự gắn kết chặt chẽ hơn, đảm bảo tuân thủ đúng định hướng theo các phương án trong quy hoạch; đầu tư có sự chọn lọc, lựa chọn các nhà đầu tư, các phương án, dự án tối ưu và có tính khả thi để thực hiện.
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.435 tỷ đồng, bằng 36,8% kế hoạch năm, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư của khu vực kinh tế trong nước 17.027 tỷ đồng, tương đương năm trước. Khu ), khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài 5.408 tỷ đồng, tăng 9,8% (CKNT tăng 6,7%).
Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường, chuẩn bị tốt các nội dung để gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 6 tháng năm 2023, thu hút đầu tư trong nước đạt 3.367 tỷ đồng, tăng gấp 13,8 lần so với cùng kỳ năm trước…
Lê Minh