Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa

14/05/2024 - 19:07
(Bankviet.com) Sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.
Phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số giúp giữ gìn văn hóa đất nước Phát triển văn hoá còn chậm so với phát triển kinh tế Huy động nguồn lực tạo chuyển biến đột phá cho phát triển văn hoá

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, chương trình gồm 7 mục tiêu tổng quát: Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, khắc phục sự chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, tầng lớp dân cư, giới tính, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc; đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội, huy động, tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả cho phát triển văn hóa; xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ, chuyên gia đầu ngành, lực lượng người lao động chuyên nghiệp, chất lượng cao.

Phát huy tính đại chúng, tính khoa học, tính dân tộc của văn hóa thông qua đổi mới sáng tạo, tiếp thu và nghiên cứu, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế thông qua phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu, chương trình được thiết kế gồm 10 nội dung thành phần, 153 chỉ tiêu chi tiết, 42 nhiệm vụ cụ thể, 186 hoạt động chi tiết.

Cụ thể, phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa;

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình, nâng cao năng lực thực hiện chương trình, truyền thông, tuyên truyền về chương trình.

Theo Bộ trưởng, chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: Di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình như báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình của Chính phủ và cho rằng, việc đầu tư chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Việc thực hiện chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, chương trình được xây dựng về cơ bản phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và một số chiến lược có nội dung liên quan.

Việc xây dựng chương trình sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng, nội dung này chưa được đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể, đầy đủ. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để xem xét quyết định chủ trương đầu tư của chương trình. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ và sâu sắc hơn các tác động đối với hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của chương trình.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương