Tạo lập hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo

06/09/2024 - 23:05
(Bankviet.com) Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo.
80% quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm đạo đức kinh doanh, gây bức xúc Thông tin quảng cáo sai sự thật đang 'bủa vây' người tiêu dùng Phát động cuộc thi 'Giải thưởng Quảng cáo sáng tạo Việt Nam' năm 2024

Ngày 6/9, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
Phiên họp mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo

Theo dự thảo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.

Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo; năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo, thúc đẩy các hoạt động quảng cáo theo hướng công khai, minh bạch, lành mạnh, vì lợi ích chung của xã hội…

Dự án Luật quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Đối tượng áp dụng của dự án Luật gồm: Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam khi thực hiện hoạt động quảng cáo môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại thị trường Việt Nam; các tổ chức, cá nhân tham gia quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có bố cục gồm 3 điều. Các quy định của dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 3 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012.

Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2 để bảo đảm bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới hiện nay; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 về trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; bổ sung Điều 15a quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; bổ sung khoản 1a vào Điều 18 quy định về việc sử dụng từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo; sửa đổi, bổ sung Điều 19 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo; sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 20 về điều kiện quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, phân bón để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định...

Qua thảo luận, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012 với những lý do được nêu tại Tờ trình số 350/TTr-CP ngày 4/7/2024 của Chính phủ; đồng thời cho rằng, việc sửa đổi Luật ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học; góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo; khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quảng cáo; xây dựng thị trường quảng cáo ở Việt Nam phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, vì lợi ích chung của xã hội.

Về hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, các ý kiến tán thành với việc bổ sung quy định cụ thể những yêu cầu mà hoạt động quảng cáo trên mạng và người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ để khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng thời gian qua. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ một số vấn đề về: Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên mạng; xử lý vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài…

Nhấn mạnh thực tế hiện nay, tình trạng quảng cáo rao vặt vi phạm quy định của Luật Quảng cáo diễn ra phổ biến, làm mất mỹ quan đô thị, do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt, về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm để quảng cáo rao vặt, tạo hành lang pháp lý cho việc quảng cáo, rao vặt, vừa văn minh, vừa hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị…

Về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 31), các thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để có quy định hợp lý trên cơ sở có căn cứ thuyết phục, bảo đảm an toàn của công trình quảng cáo, công trình lân cận và sự an toàn của cộng đồng nói chung.

Lưu ý việc xây dựng công trình quảng cáo trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đang chịu sự điều chỉnh của 03 luật: Luật Quảng cáo, Luật Xây dựng, Luật Đường bộ, các đại biểu đề nghị, vấn đề cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo cần được tiếp tục nghiên cứu, rà soát và đánh giá kỹ lưỡng trên cơ sở tham chiếu Luật Xây dựng và Luật Đường bộ nhằm hạn chế sự mâu thuẫn, chồng chéo, đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương