Chi phí tăng mạnh, lợi nhuận quý II/2023 của Vinasun giảm 29% so với cùng kỳ |
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, doanh thu thuần của Vinasun đạt 302,5 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, việc giá vốn tăng tới 48%, lên gần 241 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận gộp xuống còn 62 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Kỳ này, doanh thu tài chính của Vinasun tăng trưởng vượt trội 132%, đạt 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ để “cởi bỏ” áp lực tài chính khi mà chi phí tài chính tăng đến 525%, đạt gần 7 tỷ đồng. Cùng với đó, việc chi phí bán hàng phát sinh thêm 25% và chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tiết giảm được 2% gia tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.
Kết quả là, lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của Vinasun dừng ở mức 40 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ, ngắt mạch 5 quý tăng trưởng liên tiếp.
Vinasun đã có chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 5 quý liên tiếp (từ quý I/2022 tới quý I/2023) |
Giải trình về biến động lợi nhuận, doanh nghiệp này cho biết, kết quả suy giảm là do tác động của sự gia tăng chi phí. Cụ thể, trong quý II/2023, “ông lớn” taxi truyền thống này đã chi thêm tiền hỗ trợ cho tài xế và đối tác và tân trang làm đẹp xe kinh doanh.
Dù vậy, do kết quả rực rỡ của quý I, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Vinasun vẫn ghi nhận sự tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, doanh thu thuần tăng 53%, đạt 628,5 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế tăng 34%, đạt 93 tỷ đồng.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Vinasun, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu đạt 1.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 209 tỷ đồng. Như vậy, dù “hụt hơi” trong quý II, Vinasun vẫn hoàn thành 47% mục tiêu doanh thu và 45% mục tiêu lợi nhuận năm, bám sát kế hoạch kinh doanh.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Vinasun đạt 1.951 tỷ đồng, tăng thêm 6% so với đầu năm, tập trung hầu hết ở tài sản cố định. Cụ thể, giá trị tài sản cố định ghi nhận vào cuối kỳ là 1.146 tỷ đồng.
Lượng tiền và tương đương tiền của Vinasun ghi nhận ở mức 172 tỷ đồng, giảm 12,5% so với cùng kỳ; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 150 tỷ đồng, giảm gần 4%. Ở chiều ngược lại, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của hãng taxi này tăng 20%, lên 416 tỷ đồng.
Về nợ, tổng nợ phải trải của doanh nghiệp tính tới ngày 30/6/2023 đã tăng 19% so với đầu năm, lên mức 536 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn (337 tỷ đồng).
Cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của Vinasun đạt 1.415,5 tỷ đồng, trong đó có 678,5 tỷ đồng vốn góp cổ phần, lợi nhuận chưa phân phối là 380 tỷ đồng.
Liên quan đến phân phối lợi nhuận, được biết, ngày 28/7/2023 tới đây là ngày cuối cùng chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền của Vinasun. Tỷ lệ thực hiện là 40%, tức là cổ đông sở hữu một cổ phiếu được nhận về 4.000 đồng. Như vậy, với hơn 67,8 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính, Vinasun sẽ phải bỏ ra 271 tỷ để trả cổ tức đợt này. Dự kiến, cổ đông của doanh nghiệp này sẽ nhận cổ tức vào ngày 11/8.
Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của Vinasun, gia đình Chủ tịch HĐQT Đặng Phước Thành (gồm ông Thành, vợ là bà Ngô Thị Thuý Vân và con trai là Đặng Thành Duy hiện giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc) đang sở hữu 28 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 41,82% vốn điều lệ. Theo mức phân phối lợi nhuận trên, trong đợt trả cổ tức tới đây, gia đình ông Thành có thể nhận khoảng 122 tỷ đồng.
Với tổng cộng 28 triệu cổ phiếu VNS đang nắm giữ, gia đình ông Đặng Phước Thành sẽ nhận khoảng 122 tỷ đồng trong đợt trả cổ tức tới đây |
Đáng chú ý, hồi giữa tháng 7, ĐHĐCĐ bất thường lần 1 của Vinasun đã thống nhất tỷ lệ cổ tức năm 2023 bằng tiền là 45% (tương đương 4.500 đồng/cổ phiếu), thay cho kế hoạch chi trả 12% trước đó, mà theo doanh nghiệp, là nhằm “chia sẻ khó khăn cũng như gắn kết những cổ đông đã đồng hành với công ty trong giai đoạn vừa qua”.
Phản ứng trước thông tin trên, cổ phiếu VNS đã tăng trần hai phiên liên tiếp và chạm đỉnh sau 7 năm với mức giá 25.400 đồng/cp tại phiên giao dịch ngày 18/7. Tuy nhiên, sau đó, mã này đã quay đầu giảm nhẹ. Kết phiên 24/7, cổ phiếu VNS đóng cửa ở mức 25.350 đồng/cp, tăng 2,22%.
Hà Lê